Bệnh lí và các biện pháp phòng ngừa

Ngủ ngáy: Cẩn thận gây tai nạn

𝐍𝐚̆𝐦 𝟐𝟎𝟏𝟕, 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐜𝐡𝐮𝐲𝐞̂́𝐧 𝐭𝐚̀𝐮 𝐜𝐡𝐨̛̉ 𝐤𝐡𝐚́𝐜𝐡 𝐨̛̉ 𝐭𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐩𝐡𝐨̂́ 𝐍𝐞𝐰 𝐘𝐨𝐫𝐤 𝐭𝐫𝐚̣̂𝐭 𝐛𝐚́𝐧𝐡 𝐤𝐡𝐢 𝐯𝐚̀𝐨 𝐠𝐚 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐠𝐢𝐨̛̀ 𝐜𝐚𝐨 đ𝐢𝐞̂̉𝐦 𝐛𝐮𝐨̂̉𝐢 𝐬𝐚́𝐧𝐠, 𝐤𝐡𝐢𝐞̂́𝐧 𝐡𝐨̛𝐧 𝟏𝟎𝟎 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐛𝐢̣ 𝐭𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠. 𝐌𝐨̣̂𝐭 𝐜𝐮𝐨̣̂𝐜 đ𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐭𝐫𝐚 𝐱𝐚́𝐜 đ𝐢̣𝐧𝐡, 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐥𝐚́𝐢 𝐭𝐚̀𝐮 𝐦𝐚̆́𝐜 𝐜𝐡𝐮̛́𝐧𝐠 𝐧𝐠𝐮̉ 𝐧𝐠𝐚́𝐲 𝐛𝐚𝐧 đ𝐞̂𝐦 𝐝𝐚̂̃𝐧 đ𝐞̂́𝐧 𝐧𝐠𝐮̉ 𝐠𝐚̣̂𝐭 𝐛𝐚𝐧 𝐧𝐠𝐚̀𝐲 𝐤𝐡𝐢 𝐥𝐚́𝐢 𝐭𝐚̀𝐮, đ𝐨́ 𝐜𝐡𝐢́𝐧𝐡 𝐥𝐚̀ 𝐧𝐠𝐮𝐲𝐞̂𝐧 𝐧𝐡𝐚̂𝐧 𝐠𝐚̂𝐲 𝐫𝐚 𝐯𝐮̣ 𝐭𝐚𝐢 𝐧𝐚̣𝐧.

Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2023 cả nước có 21.880 vụ tai nạn giao thông, phân tích nguyên nhân gây tai nạn giao thông có 0,33% do mệt mỏi ngủ gật (khoảng 72 vụ). Thống kê ở nước ngoài, tai nạn giao thông do lái xe mệt mỏi chiếm hơn 25% tổng số vụ tai nạn giao thông, gấp 8 lần so với lái xe khi say rượu và chiếm 40% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một cuộc khảo sát ở nước ngoài cho thấy, xác suất xảy ra tai nạn giao thông ở những người mắc chứng ngáy cao gấp 7,2 lần so với người bình thường. Ít nhất 60% tài xế ngủ ngáy đã từng bị ngủ gật khi lái xe ít nhất một lần. Một người có thể ngủ gật sau tay lái mỗi tuần một lần.

Con số thống kê ở nước ngoài quá khác so với VN.

Các bạn đã bao giờ trải nghiệm lái xe ô tô về quê, trên đường có rất ít xe, bên ngoài nắng chói chang, nhiệt độ trong xe mát rượi vì điều hoà, tiếng nhạc du dương nhẹ nhàng, khiến các bạn ngay lập tức buồn ngủ, thậm chí ngủ gật trong một giây rồi giật mình tỉnh giấc.

Nhiều người có thể ngủ gật ngay khi lái xe máy.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSAS), hay còn gọi là ngủ ngáy, dẫn đến tình trạng ngủ không đủ giấc và giấc ngủ ban đêm không đảm bảo chất lượng, ban ngày mệt mỏi, mất tập trung, lái xe buồn ngủ quá mức hoặc ngủ gật.

Ngưng thở khi ngủ là do đường hô hấp trên bị xẹp và tắc nghẽn lặp đi lặp lại trong khi ngủ, dẫn đến luồng khí bị hạn chế. Thời gian có thể ngắn chỉ mười giây hoặc dài tới 1-2 phút, giống như bị ai đó bóp cổ không thở được, sẽ khiến cơ thể bị thiếu oxy, càng ngừng thở lâu, tổn thương cơ thể càng lớn.

Tại Mỹ, hầu hết các bang như California, Washington DC, Maryland và Virginia, Florida, New Jersey, Maine, Texas… đã liệt kê chứng OSAS trong số hơn chục tình trạng bệnh lí tiềm ẩn nghiêm trọng ảnh hưởng đến lái xe, như tiểu đường, động kinh, đột quỵ. Theo luật tiểu bang, người lái xe hoặc đang xin cấp bằng lái xe, phải báo cáo vấn đề khi được chẩn đoán bị chứng OSAS. Khi phát hiện bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ, bác sĩ có quyền và nghĩa vụ thông báo cho cơ quan quản lí để thu hồi giấy phép lái xe của họ, vì vấn đề ngưng thở khi ngủ đã được nâng lên mức cao về an toàn công cộng.

Ngủ ngáy là nguyên nhân gây tai nạn giao thông đứng thứ 3 ở Mỹ.

Bác sĩ David Allick, một nha sĩ ở Mỹ nhận tham gia nhóm người nghiên cứu về chứng ngưng thở khi ngủ, anh được chẩn đoán mắc chứng ngưng thở khi ngủ nhẹ vào tháng 6 năm 2022. Ba tháng sau, Allick nhận được một lá thư từ MVA yêu cầu thêm thông tin về chẩn đoán của mình để “xác định khả năng lái xe”. Bức thư tháng 9 năm 2022 lưu ý rằng việc không gửi lại các biểu mẫu bắt buộc, trong đó có nhận xét từ bác sĩ của anh ấy, có thể dẫn đến việc Allick bị đình chỉ giấy phép lái xe.

Allick nằm trong số 30 triệu người Mỹ mắc OSAS.

Nếu những con số thống kê tôi vừa nêu, vẫn chưa đủ thuyết phục các bạn về tác động của chứng ngưng thở khi ngủ, hãy để tôi lấy một ví dụ so sánh.

Người ta đã thực hiện một thí nghiệm, những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ ở mức độ nhẹ đến trung bình không được điều trị, khi lái xe mô phỏng sẽ có tình trạng tồi tệ hơn những người có nồng độ cồn trong máu là 0,07% (70mg/100ml, mức xử phạt 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 18 tháng). Nói cách khác, nếu chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị, nó tương đương với việc uống một lượng rượu tương đối và lái xe mỗi ngày, thời gian phản ứng của bạn có thể còn tệ hơn sau khi uống rượu.

Rất nhiều thí nghiệm cho thấy ngủ ngáy lái xe nguy hiểm hơn say rượu.

Trước nguy cơ tai giao thông tăng cao do ngủ ngáy, Tổng cục Vận tải và Di chuyển của Ủy ban Châu Âu thành lập một nhóm làm việc riêng về chủ đề này vào năm 2012, cuối cùng dẫn đến việc sửa đổi Phụ lục III của Chỉ thị Giấy phép Lái xe của EU, còn gọi là Chỉ thị 91/439/EEC với các hạn chế quốc gia về chính sách cấp giấy phép lái xe trong trường hợp OSAS, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu bắt buộc thực hiện trước tháng 12 năm 2015.

Chỉ thị này quy định rằng những bệnh nhân ngủ ngáy liên quan đến tình trạng buồn ngủ ban ngày phải bị cấm lái xe cho đến khi thiết lập được liệu pháp điều trị hiệu quả.

Ngay khi Chỉ thị 91/439/EEC ra đời, 7 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (gồm Bỉ, Pháp, Phần Lan, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển) đã ngay lập tức triển khai, nghiêm túc thực hiện. Theo đó, những quốc gia nay quy định một bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được điều trị, sẽ bị coi là không thích hợp để lái xe. Để cấp giấy phép hoặc phục hồi khả năng lái xe, bảy quốc gia đã dựa vào giấy chứng nhận y tế của bác sĩ. Riêng Pháp yêu cầu kiểm tra duy trì sự tỉnh táo bằng kết quả điện não đồ với người lái xe chuyên nghiệp. Hà Lan quy định, những người mắc OSAS không được phép lái xe ít nhất là 1 năm đối với ô tô chở khách và 5 năm đối với xe tải hoặc xe buýt.

Ngủ ngáy không chừa một ai.

Vào ngày 27 tháng 6 năm 2023, truyền thông Mỹ phát hiện trên mặt Tổng thống Biden có vết hằn rõ, ngay sau đó cơ quan chức năng Nhà trắng giải thích Tổng thống Mỹ Biden gần đây đã bắt đầu sử dụng máy trợ thở nCPAP để điều trị “hội chứng ngưng thở khi ngủ”.

Nhưng ngủ ngáy còn gây nhiều tình trạng bệnh tật nghiêm trọng khác.

Vào ngày 31 tháng 5 năm 2003, nhà vô địch cử tạ châu Á 33 tuổi Cai Li bị suy hô hấp sau khi nhập viện do hội chứng ngưng thở khi ngủ, béo phì, huyết áp cao, tăng huyết áp phổi, hệ tim mạch yếu và các yếu tố khác, sau đó là ngừng tim và tử vong. Cai Li là cựu vận động viên cử tạ nổi tiếng của Trung Quốc, từng giành hơn 40 chức vô địch thế giới và 20 chức vô địch châu Á cử tạ nam, bắt đầu từ Đại hội thể thao châu Á lần thứ 11 năm 1990. Sau khi Cai Li giải nghệ, Cai Li sống trong nghèo đói và bệnh tật, cuối cùng chết vì hội chứng ngưng thở khi ngủ vào năm 2003 ở tuổi 33.

Mỗi năm thế giới có khoảng 7000 người tử vong vì OSAS.

Mặc dù không phổ biến nhưng vẫn có thể tử vong trong khi ngủ do chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn không được điều trị. Nghiên cứu quan sát đã phát hiện ra rằng OSA làm tăng nguy cơ tử vong đột ngột ở một người. Nguy cơ này được cho là cao hơn ở những người lớn tuổi, ở những người mắc bệnh hiểm nghèo và ở những người mắc OSA nặng.

Một nghiên cứu phân tích tổng hợp được thực hiện tháng 1 năm 2020, tiến hành thu thập 4613 nghiên cứu về cái chết đột ngột ở bệnh nhân OSAS, có 22 nghiên cứu đủ tiêu chuẩn với 42099 đối tượng, độ tuổi trung bình là 62, nam giới chiếm 64%. Kết quả phân tích cho thấy, những người mắc OSAS có nguy cơ tử vong đột ngột do tim mạch và các nguyên nhân khác tăng gấp đôi, tăng cao theo tuổi. Các tổn thương tim mạch bao gồm tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim. Mối liên hệ này có thể được giải thích là do ảnh hưởng của hệ thần kinh đến chu kì giấc ngủ ở con người. OSAS dẫn đến tình trạng thiếu oxy và giảm độ bão hòa oxy không liên tục trong khi ngủ, điều này có thể khiến hệ thần kinh trung ương bị kích thích quá mức để tăng luồng khí. Mối quan hệ phức tạp giữa hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh tự chủ gây ra sự gia tăng thoáng qua cả huyết áp tâm thu và tâm trương trong thời gian ngưng thở. Kích hoạt giao cảm cấp tính trong khi ngủ và tăng cường hoạt động giao cảm kéo dài khi thức và là cơ chế quan trọng gây ra bệnh tật và tử vong do tim mạch ở bệnh nhân OSAS. Hơn nữa, những người mắc chứng OSA phải trải qua tình trạng căng thẳng oxy hóa kéo dài. OSAS có liên quan đến một nhóm các yếu tố tiền viêm và tiền huyết khối rất quan trọng trong sự phát triển của chứng xơ vữa động mạch. Protein phản ứng C, một dấu hiệu viêm của stress oxy hóa, tăng lên ở bệnh nhân OSA và có liên quan đến rối loạn chức năng nội mô. Ngoài ra, các sản phẩm cuối cùng của glycation nâng cao cũng tăng lên ở những đối tượng không mắc bệnh tiểu đường mắc OSA và có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của OSA. Cuối cùng, fibrinogen, chất ức chế hoạt hóa plasminogen và giảm hoạt động tiêu sợi huyết trong OSA có liên quan đến việc tăng cường hoạt động và kết tập tiểu cầu, sự kết dính và tích tụ bạch cầu của tế bào nội mô dẫn đến xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim.

Ngủ ngáy gây ra hàng loạt tình trạng bệnh lí như:

1. Đi tiểu thường xuyên vào ban đêm: Bệnh nhân có thể đi tiểu thường xuyên vào ban đêm do thường xuyên thức giấc trong lúc ngủ.

2. Rối loạn chức năng tình dục: Bệnh nhân nam có thể gặp các triệu chứng như rối loạn cương dương và mất ham muốn tình dục.

3. Trào ngược dạ dày thực quản.

4. Suy giảm trí nhớ, stress, trầm cảm.

5. Huyết áp cao và các vấn đề về tim: Những người mắc OSAS không được điều trị có nhiều khả năng huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, đau tim, tăng áp động mạch phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

6. Bệnh tiểu đường loại 2: OSA có thể phá vỡ cách cơ thể quản lí lượng đường trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

7. Bệnh gan: Tỉ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cao gấp ba lần ở những người mắc OSA. Ngoài ra OSAS có thể gây tổn thương gan, ung thư gan và cuối cùng là suy gan./.

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *