Bệnh lí và các biện pháp phòng ngừa

MỘT NGÀY CỦA TÔI

Gió lạnh…

Một cơn gió thổi mạnh từ bên ngoài, nhiệt độ giảm vài độ so với ngày hôm qua.

Tôi mở cửa phòng ngủ, ngay lập tức gió từ hành lang như muốn đẩy tôi ngược trở lại giường. Tôi bị một ngụm gió xuyên qua miệng, cổ họng thắt lại, cảm giác như có gì đó mắt kẹt; và tôi bắt đầu ho.

Không phải ai cũng hiểu được nỗi vất vả của bác sĩ.

Một ngày của tôi bắt đầu từ 6 giờ sáng, thường sớm hơn như thế, ngay cả khi đồng hồ báo thức chưa kịp đổ chuông thì tôi đã bắt đầu dậy.

Tôi phải dậy sớm vì quãng đường từ nhà đến viện tương đối dài. Sau 25 phút vội vã đánh răng và tắm, tôi có thói quen tắm mọi buổi sáng, cộng với thời gian dọn dẹp phòng ngủ và sửa soạn quần áo, tôi ra khỏi nhà.

Lái xe đến bệnh viện, con đường tôi đi hôm nào cũng bị chặn, nên suốt cả năm bữa sáng của tôi chỉ là một tách trà, cô điều dưỡng đến sớm hơn tôi một chút để nấu nước pha sẵn.

Đúng 7 giờ 20 tôi có mặt ở viện. Khoác vội chiếc áo Blouse, cài tấm biển tên lên ngực trái, thêm chiếc bút bi đầy mực vì chắc chắn một ngày làm việc của tôi sẽ phải viết và kí rất nhiều.

Lao vội lên phòng hành chính, nơi học viên đang mở sẵn hình ảnh bệnh nhân trên hệ thống PACS, màn hình máy chiếu PowerPoint chờ tôi để làm staff.

Báo cáo đầu tiên của bác sĩ ở bệnh viện sản nhi của một tỉnh, về một trường hợp thai nhi bị dị tật bẩm sinh đường tiết niệu. Báo cáo thứ 2 của một bác sĩ bệnh viện tư, về ca bệnh bất thường bẩm sinh tử cung buồng trứng ở tuổi thiếu niên. Cả 2 ca bệnh đều hay, điều đó làm cho tôi vui và phấn chấn, nên cố gắng cập nhật thêm nhiều hơn những kiến thức mới cho học viên.

8 giờ 30 phút, 6 bệnh nhân đã chụp xong cắt lớp vi tính, đang chờ tôi đọc kết quả. Kĩ thuật viên và điều dưỡng hối hả chuẩn bị lô bệnh nhân tiêm thuốc, trong đó có bệnh nhân từ hôm trước tôi thấy chưa đủ thông tin nên phải gọi điện mời đến chụp bổ sung, kết hợp thêm siêu âm để chẩn đoán.

Bác sĩ ngoại khoa ôm bệnh án chờ tôi xin hội chẩn.

Ca bệnh nữ 24 tuổi, từ đêm hôm trước siêu âm và CT đều chẩn đoán viêm vòi trứng phải, nhưng ê kíp trực vẫn chưa dám cho vào khoa.

Bác sĩ ngoại nói với tôi rằng, biểu hiện lâm sàng giống viêm ruột thừa, đó là lí do mời tôi hội chẩn cho chắc chắn. Tôi xem kĩ từng lát cắt, dựng hình, thay đổi cửa sổ và đo đạc, rồi nói với bác sĩ ngoại là vòi trứng phải bị viêm rất rõ.

8 giờ 45 phút: công việc chính thức của tôi bắt đầu.

Nhưng bác sĩ ngoại khoa vẫn đứng đó, chưa chịu rời đi. Anh đưa cho tôi chiếc bút bi, nhờ tôi viết ý kiến hội chẩn vào bệnh án, vì anh lo lắng nếu có chuyện gì xảy ra mà bệnh nhân kiện, thì sẽ có thêm tôi là người chia sẻ sự rủi ro.

Tôi mở lại hình ảnh bệnh nhân, phóng to hình, chỉ cho bác sĩ ngoại khoa thấy những bóng hơi nhỏ bên trong ruột thừa, để trấn an bác sĩ không lo sợ bị người nhà bệnh nhân đánh hay kiện cáo. Ruột thừa viêm, kinh nghiệm của chúng tôi, sẽ không có những bóng hơi như thế.

Nhiều người nghĩ rằng, bác sĩ chúng tôi giống như trong những bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, hay hãng phim Hollywood của Mỹ, chỉ việc thực hiện những ca phẫu thuật khó với mức lương tột đỉnh, có địa vị và danh xưng cao quý, ngồi trong những chiếc xe hơi đắt tiền và sống trong những căn biệt thự giàu sang, được xã hội tôn trọng, được bệnh nhân yêu quý.

Thực tế thì ngược lại.

Với hầu hết các đồng nghiệp của tôi, những bác sĩ lâm sàng, họ phải đến bên giường khám bệnh nhân, phải kê đơn, viết hồ sơ bệnh án, làm thủ thuật, hay thực hiện những ca phẫu thuật nhiều tiếng đồng hồ trong phòng mổ.

Bác sĩ gây mê cả năm chẳng mấy khi được nhìn thấy ánh mặt trời.

Như bản thân tôi, công việc có nhẹ nhàng hơn một chút là bác sĩ Xquang, một lĩnh vực bị coi là thụt lùi trong ngành y, cực chẳng đã mới phải lựa chọn.

Công việc của tôi là ngồi trong căn buồng tối mỗi ngày, lặng lẽ bật bóng đèn lên, để soi sáng từng bộ phận bên trong cơ thể bệnh nhân. Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận lùi lại phía sau, âm thầm thực hiện công việc của những người truyền giáo, nhóm lên từng ngọn lửa nhỏ của một lĩnh vực đòi hỏi phải có sự hi sinh to lớn.

Khó khăn hơn cả, vẫn là khi chúng tôi thực hiện nhiệm vụ trực 24 giờ liên tục, bác sĩ ngoại khoa thường phải mất 30 giờ không được nghỉ ngơi.

Trong thời gian ấy, chúng tôi phải đối mặt với nhiều ca bệnh, mỗi ca bệnh lại thêm vài người nhà, vừa làm chuyên môn vừa lo lắng về tai họa nghề nghiệp, không biết khi nào sẽ giáng xuống đầu mình.

Những vụ kiện tụng hay những cú đấm vào mặt bác sĩ ngày càng trở nên thường xuyên hơn.

Mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, trước đây là một người bị ốm và một người cứu giúp, bây giờ thì bệnh nhân nộp tiền viện phí để trở thành ông chủ; họ tự cho mình quyền chửi bới, dọa nạt, đánh đấm rồi đưa lên mạng xã hội để cả cộng đồng đổ xô vào phỉ nhổ bất cần biết đúng sai.

Bác sĩ hôm nay chỉ lặng im thực hiện nghĩa vụ.

Người bệnh bỏ tiền mua dịch vụ, họ đặt kì vọng cao vào bác sĩ, trong khi họ thiếu sự hiểu biết về y khoa, nên tai họa rất dễ xảy ra với chúng tôi.

Điều trị tốt cho bệnh nhân không phải để nhận được một lời cám ơn, bác sĩ chẳng còn mong mình được coi là thiên thần áo trắng, chỉ muốn được yên ổn, bởi họ biết có ngàn vạn bệnh nhân được cứu sống nhưng chỉ một chút sơ xảy bác sĩ sẽ bị biến thành tội đồ.

Theo thông lệ, mỗi buổi sáng tôi vận dụng hết công suất, cũng chỉ đọc được khoảng 15 bệnh nhân chụp CT. Nhưng do sự cầu xin, sự trình bày hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là đe dọa của bệnh nhân, nên điều dưỡng hành chính phải nhận thêm 25 đến 30 bệnh nhân, có hôm nhiều hơn nữa.

Hầu hết các bệnh nhân phải chụp CT là rất khó, chỉ nhìn vào hồ sơ bệnh án đã rất mệt mỏi, có bệnh án dày cộp tính bằng kilogam, rồi còn phải khám bệnh nhân, hỏi người nhà các triệu chứng; nên buổi sáng làm xuyên đến chiều là bình thường, hầu hết tôi nhịn bữa ăn trưa, không uống nước để không phải sử dụng nhà vệ sinh.

Hôm nay có một bệnh nhân rất khó, tôi giao cho bác sĩ học viên nghiên cứu hồ sơ bệnh án, khám xét lại cẩn thận, xem kĩ hình ảnh rồi báo cáo lại vào cuối giờ, lúc tôi có nhiều thời gian hơn để đánh giá đầy đủ tổn thương.

Anh bác sĩ học viên có chuyên môn giỏi vì đã nhiều năm làm ở bệnh viện ung bướu tuyến trung ương.

Mất hàng tiếng đồng hồ, với các tổn thương là một khối u lớn ở thùy trái tuyến giáp lan xuống ngực, vài khối u ở phổi trái, vài khối nữa nằm ở trung thất lệch trái, một khối u lớn ở lách cũng nằm bên trái, thêm khối u nữa ở tủy sống chui qua lỗ tiếp hợp bên trái đốt sống cùng S1 gây phá hủy xương; anh bác sĩ học viên hoang mang nói với tôi, chỉ có thể là tổn thương di căn nhưng rất kì lạ.

Tôi cũng phải mất đến hàng tiếng đồng hồ truy tìm từng dấu hiệu, kết nối những dữ liệu, cuối cùng mới đưa ra chẩn đoán “u tế bào khổng lồ mô mềm – Huge Giant Cell Tumor of Soft Tissue”.

Sẽ lại có cả đêm mất ngủ để giải mã những điều bí ẩn ở bệnh nhân này.

12 giờ 30: tôi tạm kết thúc công việc, dành thời gian chẩn đoán cho một bệnh nhân gửi hồ sơ và đĩa CD từ Sài Gòn ra. Tôi biết người bệnh đang rất sốt ruột và lo lắng, đã qua 3 bệnh viện với những chẩn đoán chưa được thống nhất, vì thế mà tôi quyết định nhịn ăn trưa như nhiều bữa trưa khác.

Quả thật đó là một ca bệnh rất khó, vì bệnh nhân đã có tiền sử cắt u nang buồng trứng phải 10 năm trước, vậy nhưng lần nào đi siêu âm bác sĩ cũng vẫn nhìn thấy buồng 2 bên. Bệnh nhân cũng đã mấy lần mang kết quả siêu âm đến gặp bác sĩ phẫu thuật, thì được trả lời đã cắt toàn bộ buồng trứng phải, còn tại sao siêu âm vẫn thấy 2 buồng trứng thì không giải thích nổi.

Buổi trưa trong căn phòng lạnh, nhiệt độ đảm bảo máy không bị hỏng phải duy trì ở 17 độ, nhưng tôi vẫn toát mồ hôi, căng mắt tìm cho thật kĩ và thấy đúng là buồng trứng phải còn tồn tại, nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu ung thư hóa, tổn thương kèm theo cả vòi trứng phải và nội mạc tử cung. Viết thư giải thích cho bệnh nhân, tôi cho rằng u nang bên phải trước đây là u nang dây chẳng rộng, hay một thể u nang phần phụ của vòi trứng hay dây chằng rộng bên phải do vết tích còn sót lại của ống Muller; sẽ rất khó, thậm chí không thể phân biệt được với u nang buồng trứng, nghĩa là bác sĩ mổ trước đây không sai.

Trả lời xong thư đã 13 giờ 45.

Vội vã bắt tay vào làm việc buổi chiều, nhưng tôi nhận được một tin nhắn của đồng nghiệp ở Sài Gòn nhờ chẩn đoán giúp một ca khó, bệnh nhân đã đi nhiều bệnh viện trong nhiều ngày, viện này chẩn đoán kí sinh trùng giun sán dưới da nhưng làm xét nghiệm không phải, viện kia chẩn đoán viêm da cơ địa, chỗ khác lại chẩn đoán viêm da dị ứng; mỗi nơi uống thuốc cả tháng trời không khỏi.

Tôi nhắn cho đồng nghiệp ngắn gọn: “chẩn đoán = pigmented purpuric dermatoses”.

PPD có tên tiếng Việt là “các bệnh da xuất huyết tăng sắc tố” mà cụ thể như của bệnh nhân với các tổn thương đỏ hồng như con giun uốn lượn thì được gọi là bệnh “giãn mạch hình vòng xuất huyết – Majocchi’s purpura”.

Chưa kịp giải thích thêm về căn bệnh, thì tôi nhận được tin nhắn đồng nghiệp chụp màn hình dòng trạng thái đăng Facebook của bệnh nhân, với tấm ảnh chụp tổn thương, kể tên cả các cơ sở y tế và bác sĩ.

Và đây là câu mở đầu dòng trạng thái: Bác sĩ bây giờ lương tháng áp đảo lương tâm quá không biết khi nào trị hết được bệnh!

Tôi giật mình, bởi bản thân không phải bác sĩ da liễu, chỉ vì đồng nghiệp nhắn tin hỏi, giống như nhiều đồng nghiệp khác vẫn hỏi, tôi đều trả lời cẩn thận.

Nhưng rõ ràng tôi đã sai, khi mình không phải bác sĩ da liễu lại đi chẩn đoán bệnh da liễu, bệnh nhân nghe theo và làm theo thì rất phiền phức.

Tôi nói với đồng nghiệp, rằng những điều tôi vừa nói chỉ để tham khảo, bệnh nhân hãy đến các cơ sở y tế khám và trao đổi với bác sĩ trực tiếp khám, cũng nhắc bệnh nhân hãy suy nghĩ thật chín chắn khi viết những lời phê phán người khác lên Facebook.

Tôi rút kinh nghiệm: Từ nay trở đi sẽ không trả lời chuyên môn qua mạng xã hội!

Theo quy định, 4 giờ chiều tôi được nghỉ theo chế độ độc hại, vì làm việc ở vị trí liên quan đến tia Xquang. Nhưng bác sĩ phẫu thuật tạo hình lại mời hội chẩn ca dị tật tử cung âm đạo, gọi là hội chứng Mayer Rokitansky Kuster Hauser.

Tìm được vị trí và tính chất của lỗ dò niệu đạo và đoạn ngoài âm đạo, thì đã 5 giờ, tôi chuẩn bị ra về.

Chuông báo động reo lên…

Vừa ra đến cửa thì tiếng chuông báo động kéo giật tôi quay ngược lại.

Bệnh nhân bị đột quỵ giờ thứ nhất, hơn chục bác sĩ và điều dưỡng lao theo đẩy bệnh nhân xuống phòng chụp CT, thời gian là vàng nên tận dụng từng giây từng phút nhanh nhất có thể.

Mùa đông ở miền Bắc, trời lạnh cóng, những cơn gió lạnh cuối chiều đi kèm với nền nhiệt độ xuống nhanh đột ngột, gây ra nhiều rắc rối cho người già, đặc biệt là bệnh tim mạch và huyết áp.

Ngay khi bước vào mùa đông: khu vực điều trị bệnh nhân đột quỵ ở viện tôi luôn quá tải.

Trên cơ thể người già, các mạch máu ngoại biên rất nhạy cảm với thời tiết. Khi nhiệt độ cao, các mạch máu ngoại biên giãn. Khi nhiệt độ thấp, các mạch máu ngoại biên co lại. Đặc biệt là những buổi chiều mùa đông, khi nhiệt độ giảm đột ngột, đó là thời điểm người già rất dễ bị đột quỵ.

Bệnh nhân quá nặng và chảy máu não vậy có tiêm thuốc cản quang hay không?

Câu hỏi kĩ thuật viên đặt ra với tôi, vì thời gian quá gấp chưa ai kịp giải thích cho người nhà bệnh nhân, để họ kí cam đoan đồng ý tiêm thuốc. Nếu tiêm mà chưa có cái mảnh giấy cam đoan ấy, bệnh nhân tử vong, thì tai họa lại ập ngay xuống đầu.

Tôi nhìn nhanh màn hình, thấy số lượng máu trên 60mL ở thùy thái dương trái, thoát vị liềm đại não, xóa toàn bộ bể đáy, tụt kẹt hạch nhân tiểu não = 4 dấu hiệu tiên lượng tử vong, chỉ cần ¼ dấu hiệu bệnh nhân đã đủ chết.

Tôi quyết định không tiêm thuốc.

Bệnh nhân được chuyển gấp trở lại khoa cấp cứu, về đến nơi vừa ngừng tim ngừng thở, các bác sĩ lại lao vào ép tim và bóp bóng, nhưng chắc chắn bệnh nhân không còn tia hi vọng nào.

Cách đây đúng 1 tuần, vào lúc 4 giờ sáng phiên tôi trực, một bác sĩ ngoại khoa thần kinh, anh đẩy bệnh nhân nặng xuống phòng CT. Tôi nhìn thấy áo anh ướt đẫm, liền hỏi và được biết, trái tim của bệnh nhân đã ngừng đập hơn nửa giờ.

Người bác sĩ ngoại khoa thần kinh ấy đã mất rất nhiều mồ hôi, vẻ mặt phờ phạc, nhưng không giấu nổi niềm vui vì anh đã làm cho trái tim ấy đập trở lại.

Tôi chỉ tiếc là không chụp lại được cái lưng áo ấy.

Gần 6 giờ chiều, tôi ra xe trở về nhà, chưa kịp nổ máy thì lại nhận được điện thoại của bác sĩ phẫu thuật tạo hình, hỏi thêm tôi rất nhiều điều thắc mắc về bệnh nhân, để chọn những phương án tối ưu hơn.

Đứng bên vệ đường, tôi vừa nói chuyện điện thoại, vừa ôm ngực ghìm những cơn ho.

Mùa đông lạnh, đó cũng là mùa cúm, phơi nhiễm lạnh có thể khiến cho sức đề kháng cơ thể giảm, nên ngay từ sáng tôi biết mình đã bị ốm, thân nhiệt chắc chắn hơn 38 độ.

Nhưng tôi không được phép ốm.

Bởi ngày thứ 7 tôi sẽ phải trực nên không được phép ốm. Đơn giản là nếu tôi ốm, thì sẽ phải đôn tua trực, nghĩa là lịch đi làm thêm phòng khám của 2 bác sĩ bị đôn tua sẽ mất, mà họ cần phải đi làm thứ 7 và chủ nhật để kiếm tiền nuôi con.

Cuối tuần hay ngày lễ, khi mọi người đắm chìm trong sự đoàn tụ và niềm vui, thì bác sĩ chúng tôi là ngoại lệ. Chúng tôi không có ngày nghỉ, không có ngày lễ, và không được phép ốm.

Nghề y của chúng tôi là nghề đặc biệt nhất trong 360 ngày năm./.

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *