Năm thứ nhất của phổ thông trung học, tức là lớp 10, tôi được học những tác phẩm văn học dân gian; đó là thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo.
Kí ức của tôi về văn học dân gian là không rõ ràng. Tất cả những gì tôi nhớ, đó là cuốn sách bìa mềm nhỏ, có tai, giấy màu vàng ố, chữ in không đều mực. Sách được đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến lượt tôi, bao giờ cũng có mùi mốc, phủ lớp bụi thời gian, mồ hôi tích lũy từ vô số ngón tay để lại những nếp hằn cáu bẩn.
Trong mỗi tác phẩm, bao giờ cũng có những dòng chú thích in bằng chữ nhỏ bên cạnh mỗi trang văn bản, cung cấp ngữ cảnh để tôi tham chiếu, cung cấp những câu chuyện, giải thích từng ngôn từ cổ xưa.
Những tác phẩm văn học dân gian là cũ, sách tôi học cũng cũ, có lẽ vì thế mà tôi cảm nhận được một số nội dung bị sai, mặc dù tôi luôn tự nhủ không nên mặc cảm với trang bìa của một cuốn sách, mà phải chú trọng đến những nội dung thông điệp lớn lao chuyển tải ở bên trong. Và quan trọng hơn cả, đó là cách tôi tiếp cận với bài học như thế nào!
Văn học dân gian là mô hình cho một lối sống.
Vâng! Cho dù kí ức không được rõ ràng, nhưng tôi vẫn nhớ cuốn sách văn lớp 10 dày đặc những tác phẩm văn học dân gian, khó đọc nhưng dễ hiểu; và tôi đã học được nhiều điều từ những trang sách ấy. Những thứ hữu hình. Tôi mở rộng vốn từ vựng của mình. Tôi đã học từ thần thoại, truyền thuyết, ngụ ngôn và cổ tích; tôi trở thành một người tốt thông qua các câu chuyện và những vần thơ.
Đó là những điều tích cực mà tôi học được từ văn học dân gian. Và các thầy cô, những người ngày ngày đứng trên bục giảng cũng chỉ dạy tôi những điều tích cực như thế. Ngoài ra, không ai cho phép tôi nghĩ và nói ngược lại.
Tôi cho rằng, đó là cách giáo dục sai lạc, các thầy cô đã sai khi cố gắng làm hết sức mình để che khuất đi những khoảng tối của văn học dân gian. Nhưng cái sai còn nghiêm trọng hơn khi giáo dục mặc định với tôi rằng: Đây là con đường, học sinh chỉ việc bước đi trong đó!
Bản thân tôi là một người phàm đọc. Tôi rất thích đọc những tác phẩm kinh điển. Tôi đánh giá cao những tác phẩm có nhiều tầng lớp ngữ nghĩa, đa dạng về văn hóa, phong phú về trải nghiệm cuộc sống, nó giúp tôi có thật nhiều những bài học về giá trị và đức hạnh, học hỏi được thế giới văn minh, rút ra được những bài học về tình yêu; và quan trọng hơn cả là tác phẩm phải tiết lộ được những giấc mơ.
Nhưng văn học dân gian chỉ bó gọn trong một thế giới quá nhỏ.
Thở dài! Vì tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Thế giới của văn học dân gian quá rộng lớn. Có lẽ tôi nên bắt đầu từ những truyện cổ tích, một thể loại trong văn học dân gian có khả năng khơi gợi trí tưởng tượng tốt nhất.
Truyện cổ tích dạy tôi những bài học về đạo đức; về tình yêu, danh dự, bổn phận; về cha mẹ và con cái; về danh vọng và tham lam. Đây là những thứ mà tôi phải đối mặt, những thứ giúp tôi trở thành con người.
Nhưng gần đây, trên các diễn đàn có nhiều người phản đối một số truyện cổ tích quá hoang dã, quá tai tiếng, thậm chí là quá bẩn thỉu để có thể dạy trong trường phổ thông. Điển hình nhất trong số đó là truyện Tấm Cám. Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 đã phải sửa lại đoạn kết, nhưng tranh cãi vẫn xảy ra quyết liệt, vẫn còn rất nhiều ý kiến đòi loại bỏ truyện Tấm Cám ra khỏi chương trình.
Tôi cho rằng bỏ hay không bỏ truyện Tấm Cám không phải là vấn đề quan trọng, mà cách chúng ta dạy như thế nào để vừa hấp dẫn tâm trí học sinh, vừa phát huy tính độc lập tư duy trong say đắm trí tưởng tượng, để học sinh không bị lừa dối đi vào lối mòn nô lệ của suy nghĩ, không bị gieo những hạt giống Satan vào trái tim tuổi trẻ để gặt hái những điều xấu xa.







CÁCH NGƯỜI MỸ DẠY TRUYỆN TẤM CÁM
===================================
Chuông reo. Học sinh chạy vào và thấy cô giáo đang chờ ở cuối lớp. Hôm nay, họ cùng thảo luận về truyện cổ tích Tấm Cám. Cô giáo yêu cầu một học sinh đứng trước lớp kể tóm tắt câu chuyện. Học sinh nhanh chóng kết thúc, cô giáo cám ơn học sinh, rồi cô bắt đầu những câu hỏi.


CÔ GIÁO: Các em yêu thích nhân vật nào và không yêu thích nhân vật nào? Tại sao?
HỌC SINH: Em thích cô Tấm vì Tấm xinh đẹp, đáng yêu. Em thích nhà vua vì vua đã chọn Tấm làm vợ. Em không thích mẹ con Cám vì đó là những người xấu xí và độc ác.


GIÁO VIÊN: Nếu Tấm không có bộ quần áo và đôi giày đẹp mà vẫn đi dự hội thì cô sẽ là người như thế nào?
HỌC SINH: Tấm sẽ ăn mặc rách rưới, trông bẩn thỉu và xấu xí. Haiza… điều đó thật kinh khủng!


GIÁO VIÊN: Đúng vậy! Có thể Tấm sẽ gặp phải rắc rối, không ai dám đảm bảo những người tổ chức hội sẽ không đuổi Tấm ra, khi mà tất cả những người xung quanh đều sạch sẽ và xinh đẹp. Các em cũng thế, khi tham dự một sự kiện, luôn phải chắc chắn mình sạch sẽ hoặc mọi người xung quanh không sợ các em. Và các em nữ, cần phải chú ý chăm sóc bản thân hơn, nhất là khi các em lớn lên và hẹn hò, nếu không cẩn thận thì các em sẽ trở nên xấu xí, bạn trai nhìn thấy sẽ ngất xỉu.
HỌC SINH: (cả lớp cười ồ).


GIÁO VIÊN: Yên lặng nào! Giờ đến câu hỏi tiếp theo. Nếu một em nào đó là mẹ kế của Tấm, thì em có ngăn cản Tấm đi hội hay không? Cô muốn các em trả lời trung thực!
HỌC SINH: (một lúc lâu mới có nam học sinh rụt rè giơ tay phát biểu) – Vâng, nếu em là mẹ kế của Tấm, thì em cũng sẽ ngăn cản không cho Tấm đi hội.


GIÁO VIÊN: (cả lớp cười ồ) – Các em vừa cười vì bạn là con trai nên không thể làm mẹ. Không sao, yên lặng nào! Cô muốn hỏi lại em, tại sao?
HỌC SINH: Tại vì, tại vì… em yêu con gái của em, nên em sẽ muốn con gái trở thành hoàng hậu.
CÔ GIÁO: Em sẽ là người bố tuyệt vời! Tất cả các bà mẹ, các ông bố cũng thế, họ đều yêu con của họ hơn tất cả những đứa trẻ khác. Vì thế mà họ sẽ đối xử với con của họ rất tốt, nhưng lại không thể đối xử đủ tốt với con của người khác, nên trông họ có vẻ xấu xí. Thực tế họ không phải là ác, mà chỉ đơn giản là họ không thể yêu thương những đứa trẻ khác giống như yêu thương con của họ.


CÔ GIÁO: Câu hỏi tiếp theo! Mẹ kế đã cấm Tấm đi dự hội, thậm chí còn nghĩ cách trộn 1 đấu thóc với 1 đấu gạo, bắt Tấm ở nhà nhặt riêng thóc ra thóc gạo ra gạo. Nhưng tại sao Tấm vẫn có thể đi dự hội và trở thành cô gái đẹp nhất ở đó?
HỌC SINH: Bởi vì ông bụt tốt bụng đã hiện lên giúp đỡ, cho Tấm quần áo và đôi giày đẹp, cho cả con ngựa tốt.


CÔ GIÁO: Em đã nói rất đúng! Nhưng liệu chỉ có Bụt hiện lên cho quần áo và giày thì Tấm vẫn chưa đủ điều kiện đi hội, đúng không?
HỌC SINH: Không đi được, mà phải có sự giúp đỡ của đàn chim sẻ nhặt thóc.


CÔ GIÁO: Quá đúng! Nhưng các em cho cô biết trước đó còn có sự giúp đỡ của những con vật nào nữa?
HỌC SINH: Còn có sự giúp đỡ của gà bới xương. Có sự giúp đỡ của cá bống khi Tấm chôn xương cá xuống 4 chân giường biến thành quần áo đẹp, giày đẹp, ngựa đẹp.


CÔ GIÁO: Các em thấy không, Tấm có sự giúp đỡ từ ban đầu của ông Bụt. Chúng ta đều biết ông Bụt là người có quyền năng to lớn, có thể giúp Tấm thực hiện những ước mơ. Nhưng chỉ có sự giúp đỡ của Bụt không thôi thì chưa đủ. Cô và các em cũng vậy, chúng ta luôn cần sự giúp đỡ của rất nhiều bạn bè. Bạn bè không phải là ông Bụt, nhưng chúng ta cần họ. Cô hi vọng sau bài học này các em sẽ có thêm nhiều bạn tốt nữa.


CÔ GIÁO: Bây giờ, cô muốn các em suy nghĩ điều này. Nếu như Tấm bỏ cuộc vì mẹ kế của cô ngăn cản, thì liệu Tấm có trở thành hoàng hậu được hay không?
HỌC SINH: Không! Vì cô Tấm phải đi dự hội thì nhà vua mới gặp được cô, nhà vua không thể đến nhà để tìm gặp Tấm.


CÔ GIÁO: Em nói đúng! Nhưng cô muốn em khác trả lời câu hỏi tiếp. Giả sử Tấm không muốn đi hội, ngay cả khi mẹ kế không ngăn cản và thậm chí còn ủng hộ, nhưng Tấm không muốn tham dự. Vậy ai có thể quyết định việc Tấm tham dự hay không tham dự?
HỌC SINH: Không ai ngoài Tấm mới quyết định đi hay không đi.


CÔ GIÁO: Các em thấy rồi đó, Tấm không may mắn khi mất đi người mẹ đẻ yêu cô, Tấm đang phải sống với một người mẹ kế không yêu quý cô. Nhưng Tấm luôn yêu chính bản thân mình. Bởi vì yêu chính mình, nên Tấm đã biết đi tìm những điều cô mong muốn. Nếu trong cuộc sống các em cảm thấy không được yêu thương, hoặc các em thực sự rơi vào hoàn cảnh của Tấm là có một người mẹ kế không thực sự yêu thương, thì các em sẽ làm gì?
HỌC SINH: Phải yêu chính bản thân mình!


CÔ GIÁO: Các em thật tuyệt vời! Đúng vậy, không ai có thể ngăn cản chúng ta tự yêu lấy bản thân. Nếu các em cảm thấy những người xung quanh không yêu các em, thì các em hãy tự yêu lấy chính mình. Nếu không ai cho ta cơ hội, thì bản thân ta phải biết tự tạo ra cơ hội. Nếu các em yêu chính bản thân, thì các em sẽ tìm thấy những gì các em cần, sẽ biết cách tạo ra cơ hội cho các em. Không ai có thể ngăn cản Tấm đi dự hội, không ai có thể ngăn cô trở thành hoàng hậu, đúng không?
HỌC SINH: Dạ đúng, thưa cô!


CÔ GIÁO: Bây giờ chúng ta thảo luận về ông vua. Trong câu truyện, ông vua biết Tấm đã chết, thương nhớ Tấm, nhưng lại vẫn sống chung với Cám. Khi Tấm biến thành chim vàng anh quanh quẩn bên vua, nhưng Cám ăn thịt chim vàng anh và vua biết điều đó nhưng vẫn không nói gì. Tấm biến thành cây xoan thì Cám chặt cây xoan, Tấm biến thành khung cửi thì Cám đốt khung cửi; nhưng ông vua vẫn không nói gì. Một người đàn ông như thế thì phụ nữ có cần không và tại sao?
HỌC SINH: Ông vua như thiểu năng trí tuệ. Phụ nữ không cần những người đàn ông như thế!


CÔ GIÁO: Các em nói có phần đúng. Trong câu truyện, cô Tấm đã giành được một giải thưởng, đó là người đàn ông không nhìn thấy giá trị thực sự của mình cho đến khi Tấm mang đến một chiếc giày đúng cỡ. Ông vua quả thực là lười nhác, lười nhác ngay từ trong suy nghĩ. Cuộc sống là vậy, những thứ hào nhoáng chưa phản ánh đúng giá trị đích thực, chúng ta đừng bao giờ bằng lòng với phẩn thưởng; bởi phần thưởng dù có lung linh đến mấy thì cũng chỉ có giá trị biểu trưng nhất thời mà thôi.



CÔ GIÁO: Câu hỏi cuối cùng, các em thấy điều gì phi lí và không thể chấp nhận trong câu truyện này?
HỌC SINH: Cách cô Tấm trả thù mẹ con Cám. Tấm lừa Cám không hiểu biết để dội nước sôi lên người mong có làn da đẹp. Khi Cám chết, Tấm còn mang làm mắm cho mẹ kế ăn. Đây là cách trả thù ác độc có một không hai. Rõ ràng câu truyện muốn nói Tấm là người tốt, ở hiền gặp lành, nhưng tại sao Tấm lại ác độc như vậy?
CÔ GIÁO: Các em thật thông minh! Và như các em thấy đấy, Tấm đã trả thủ, nghĩa là Tấm đang tự tay đào hai ngôi mộ, một cho Cám và một cho chính mình. Hành động trả thù ấy chỉ thể hiện sự thống trị luân phiên từ phe phái này sang phe phái khác. Trong một quốc gia, nếu lấy việc trả thù như một mục đích sống, thì tương lai sẽ chuốc lấy thảm họa, nhất là khi chủ nghĩa độc ác lên ngôi. Trong câu chuyện này, dù tác giả là hàng triệu triệu người qua bao thế hệ, rồi đến những người biên soạn sách giáo khoa đều là những giáo sư tiến sĩ tuyệt vời; nhưng tất cả họ đã mắc sai lầm. Điều đó có nghĩa là, những sai lầm chưa bao giờ tốt nhưng nó chỉ đáng sợ khi chúng ta không nhận diện ra được. Cô đảm bảo, sau buổi học này nếu các em viết một truyện theo thể loại cổ tích dân gian giống như Tấm Cám, thì các em sẽ viết tuyệt vời hơn nhiều và không mắc phải sai lầm ngớ ngẩn như thế.
HỌC SINH: (cả lớp vỗ tay)…







CÁCH VIỆT NAM DẠY TRUYỆN TẤM CÁM
==================================
Trống vào lớp. Tất cả học sinh ngồi ngay ngắn khoanh tay lên bàn. Cô bước vào tất cả đứng bật dậy chào và đợi cô cho phép ngồi xuống.


CÔ GIÁO: Hôm nay, cô dạy các em một tác phẩm văn học dân gian nổi tiếng, đó là truyện cổ tích Tấm Cám. Các em đã soạn bài đầy đủ theo hướng dẫn trong sách cả rồi chứ?
HỌC SINH: (lớp trưởng đứng dậy lễ phép) – Thưa cô, chúng em đã soạn bài đầy đủ!


CÔ GIÁO: Tốt! Em nào xung phong trả lời câu hỏi, nếu trả lời đúng cô sẽ cho điểm và tính vào điểm kiểm tra miệng. Thế nào là truyện cổ tích? Có mấy loại truyện cổ tích? Trình bày những đặc điểm của truyện cổ tích thần kì.
HỌC SINH: (cả lớp im lặng với những cặp mắt cụp xuống bàn, chỉ vài cánh tay giơ lên rụt rè, có vài tiếng thì thầm bàn luận nội dung đã có trong sách chỉ việc học thuộc).


CÔ GIÁO: Chủ đề của truyện Tấm Cám là gì?
HỌC SINH: (lớp trưởng xung phong) – Thưa cô, đây có phải là câu hỏi thi không ạ? Chúng em không nắm được chủ đề truyện Tấm Cám, xin cô đọc cho chúng em chép ạ!


GIÁO VIÊN: Được rồi, các em hãy bắt đầu chép, nhớ chép cẩn thận vì nội dung này rất quan trọng, cô có mở rộng để các em làm bài thi.


GIÁO VIÊN: Truyện cổ tích Tấm Cám thuộc loại truyện cổ tích nào? Em hãy tóm tắt khái quát và nêu bố cục của truyện cổ tích này?
HỌC SINH: (cả lớp im lặng và chỉ có lớp trưởng xung phong) – Truyện cổ tích Tấm Cám thuộc thể loại truyện cổ tích thần kì, được phân ra làm các đoạn…


GIÁO VIÊN: Những phân đoạn của truyện cổ tích này rất quan trọng, cũng có trong câu hỏi thi. Cô đề nghị các em về nhà chép đi chép lại 10 lần và học cho thuộc các phân đoạn, cô sẽ kiểm tra miệng trong buổi học tới.
HỌC SINH: Tối về chúng em sẽ tụng kinh!


GIÁO VIÊN: Bây giờ chúng ta bắt đầu phân tích tác phẩm, đề nghị các em chú ý tập trung. Cô mời một em đọc đoạn đầu câu truyện, đề nghị cả lớp lắng nghe bạn đọc và đưa ra chủ đề của đoạn này là gì?
HỌC SINH: (đọc).


GIÁO VIÊN: Các em chú ý ngay câu đầu tiên. “Ngày xưa, có Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ”. Tại sao tên nhân vật lại là Tấm và Cám? Có phải đây là phép ẩn dụ Tấm nghĩa là hạt gạo nhỏ có ý nghĩa tạo nên cơm ngon, Cám là thứ vất đi? Nếu là phép ẩn dụ thì đó là ẩn dụ trực tiếp hay gián tiếp?
HỌC SINH: (có 1/3 lớp bắt đầu ngủ gật).


GIÁO VIÊN: Các em chú ý hoàn cảnh thân phận nhân vật. Tấm có cuộc sống nghèo khó, mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở với mẹ con mụ dì ghẻ, hoàn cảnh đáng thương, côi cút, cô đơn.
HỌC SINH: (một nửa lớp ngủ gật).


GIÁO VIÊN: Nội dung này rất quan trọng, các em phải học thuộc, đó là mâu thuẫn xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám. Các em liệt kê chi tiết từng sự việc, chú ý bám vào các chi tiết yếm đào, nuôi cá bống, đi dự hội, thử giày. Sau đó các em liệt kê các hành động của Tấm. Tiếp tục liệt kê hành động của mẹ con Cám. Cuối cùng các em đưa ra nhận xét. Chú ý nhận xét Tấm phải bám vào 3 ý là hiền lành, chăm chỉ, thật thà. Nhận xét mẹ con mụ dì ghẻ phải bám vào các nội dung như độc ác, gian ngoan, xảo quyệt, luôn tìm cách triệt tiêu mọi niềm vui của Tấm, tìm cách phá hủy mọi hi vọng của Tấm.
HỌC SINH: (3/4 lớp ngủ gật).


GIÁO VIÊN: Các em chú ý ghi cẩn thận những ý này, về học thuộc vì có trong đáp án câu hỏi thi. Tấm là nhân vật đại diện cho cái thiện, mẹ con Cám đại diện cho cái ác. Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám không đơn giản là mâu thuẫn trong gia đình giữa dì ghẻ con chồng, mà còn là mâu thuẫn xã hội giữa cái thiện với cái ác. Con đường tìm đến hạnh phúc của Tấm là ở hiền gặp lành, Bụt sẽ hiện lên giúp đỡ. Kẻ ác bao giờ cũng bị trừng trị đích đáng, kết thúc truyện là mẹ con Cám chết, công lí được thực thi.
HỌC SINH: (cả lớp ngủ).


GIÁO VIÊN: Tại sao các em lại ngủ gật? Các em phải biết rằng bài học hôm nay rất quan trọng, sẽ có kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết, thi học kì, thì hết năm và cả trong đề thi tốt nghiệp hay thi đại học. Các em không chú ý nghe cô giảng, không chép bài đầy đủ, về nhà không học thuộc, thì các em sẽ không thể đạt điểm cao. Mà không đạt điểm cao, các em sẽ khó khăn trong việc xét tốt nghiệp, sẽ không đỗ đại học. Các em thấy đấy, kì thi đại học vừa rồi, bao nhiêu giáo viên đã bị bắt, từ Hà Giang đến Sơn La, giờ là Hòa Bình, tới đây không biết còn đâu nữa? Các em không lo học từ bây giờ, không học ngày học đêm, liệu bố mẹ các em có lo nổi để các em có điểm số cao đỗ đại học hay không? Cô đề nghị các em về học thuộc bài, đọc đi đọc lại cho thật thuộc, hôm sau cô kiểm tra…








————-
p/S: Bs Phúc đã tham khảo cách dạy của một số giáo viên!
Tham khảo cách người Mỹ và Trung Quốc dạy Cô bé Lọ Lem./.