Bệnh lí và các biện pháp phòng ngừa Tổng hợp

BA NGÀY LÀM VIỆC CUỐI NĂM

𝐁𝐚 𝐧𝐠𝐚̀𝐲 𝐥𝐚̀𝐦 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐜 𝐜𝐮𝐨̂́𝐢 𝐧𝐚̆𝐦, 𝐭𝐨̂𝐢 𝐯𝐮𝐢 𝐯𝐢̀ 𝐤𝐢̀ 𝐧𝐠𝐡𝐢̉ đ𝐚𝐧𝐠 đ𝐞̂́𝐧 𝐠𝐚̂̀𝐧, 𝐭𝐨̂𝐢 𝐥𝐮̛𝐨̛̃𝐧𝐠 𝐥𝐮̛̣ 𝐯𝐢̀ 𝐜𝐨̂𝐧𝐠 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐜 𝐜𝐡𝐮̛𝐚 𝐜𝐨́ 𝐠𝐢̀ 𝐭𝐡𝐚𝐲 đ𝐨̂̉𝐢, 𝐭𝐨̂𝐢 𝐥𝐨 𝐥𝐚̆́𝐧𝐠 𝐯𝐢̀ 𝐦𝐢̀𝐧𝐡 đ𝐚𝐧𝐠 𝐠𝐢𝐚̀ đ𝐢, 𝐭𝐨̂𝐢 𝐚́𝐢 𝐧𝐠𝐚̣𝐢 𝐯𝐢̀ 𝐛𝐢𝐞̂́𝐭 𝐭𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝐥𝐚𝐢 𝐬𝐞̃ 𝐜𝐨̀𝐧 𝐤𝐡𝐨́ 𝐤𝐡𝐚̆𝐧 𝐡𝐨̛𝐧 𝐧𝐮̛̃𝐚.

Những ngày cuối năm tôi quá đông bệnh nhân.

Suốt hai tuần nay sương mù dày đặc, lại thêm mưa lạnh, buổi sáng tôi rời khỏi nhà khi ngoài đường chưa nhìn rõ mặt người, buổi chiều quay trở về khi trời đã quá muộn, cả ngày bị giằng co giữa sự sống và cái chết. Những khoảnh khắc quan quan trọng trong cuộc đời của nhiều người dường như đang vội vã xung quanh tôi. Đó là những đứa trẻ khóc lóc, những bà bầu cau mày, những bệnh nhân ung thư đang trong tâm trạng sợ hãi bất lực, những người thân đau buồn trong gia đình, những nhân vật chỉ thấy trong phim và trong tiểu thuyết, họ đang nán lại trước cửa phòng làm việc của tôi hàng ngày.

Quá nhiều người ở nước ngoài về khám bệnh.

Rất đông những người ở Đức, ở Anh, ở các quốc gia giàu có nhất châu Âu và Mỹ, họ về quê ăn Tết tranh thủ đến chỗ tôi khám. Công việc giáp Tết của tôi vất vả hơn nhiều so với ngày thường, bù lại, trong lúc thăm khám tôi được nghe vô số những câu chuyện về cuộc sống ở thế giới phương Tây. Tựu trung lại trên toàn thế giới, thì hầu hết kế hoạch của năm 2023 đều không có kết quả, mọi thứ không phục hồi như mong đợi, chi tiêu giảm đáng kể, nhà nhỏ hơn, tiệc tùng ít hơn, thời gian mua sắm ngắn hơn, số tiền chuyển khoản giảm, tần suất đi chơi cũng giảm, số tiền thuế bị thu hẹp.

May mắn với tôi năm nay không phải trực Tết.

Kỉ niệm trực Tết đầu tiên của tôi, đó là sinh viên năm thứ 2, chúng tôi đi thực tập ngoại khoa ở chính bệnh viện mà tôi đang công tác bây giờ. Bệnh viện sẽ không có ngày nghỉ lễ. Nhưng tôi nghĩ Tết không có nhiều bệnh nhân, đi trực sẽ khá cô đơn, nên tôi mang theo sách bệnh học để giết thời gian, mang thêm một cuốn tiểu thuyết và nghĩ rằng nếu quá buồn chán thì đọc cũng hay.

Ai ngờ bệnh nhân đông quá.

Vừa đến bệnh viện, khoác vội chiếc áo blouse, công việc đã ập đến tối tăm mặt mũi. Bệnh nhân nằm la liệt trong phòng khám, tràn hết ra hành lang, các phòng lưu đầy ắp. Vì là sinh viên năm thứ 2, gọi là “y còi” hay “y muỗi”, nên chúng tôi phải hỗ trợ tất cả những công việc của y tá như lấy mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, thực hiện tiêm truyền, lau rửa vết thương, sơ cứu băng bó. Rồi phải làm các công việc của bác sĩ như khám lâm sàng, viết chỉ định xét nghiệm, viết tờ phơi, làm bệnh án, kê đơn thuốc, làm tiểu phẫu, đi phụ mổ.

Công việc nào cũng vô cùng vất vả.

Vất vả nhất có lẽ là đi phụ mổ, sinh viên Y2 chỉ phụ 4 hoặc phụ 3 cho những ca đại phẫu, tức là đứng kéo vam, mà kéo vam để bộc lộ trường mổ thì đòi hỏi sức khoẻ thể lực, đứng vài tiếng đồng hồ đau mỏi tay và mệt kinh khủng, đã thế lại luôn bị mắng chửi, kéo không được có khi còn bị gõ sưng vù tay. Nhàn nhất là công việc làm bệnh án. Hầu hết mọi người chỉ viết khoảng ba đến bốn trăm chữ cả tờ phơi, thậm chí ít hơn nhiều vì những cơ quan bộ phận được cho là bình thường sẽ được xổ dọc một đường bút rồi sử dụng kí hiệu ⊥. Nhưng tôi luôn khác. Bệnh án của tôi không bao giờ dưới 1000 chữ, suy nghĩ đắn đo từng câu từng từ, giáo sư dù khó tính đến mấy cũng không thể chê bệnh án tôi viết, nên với tôi làm bệnh án cũng là công việc cực kì vất vả.

Mười hai giờ trưa vãn bệnh nhân, cô y tá bảo tôi vào cắm bếp điện dây mai xo để hâm nóng bát canh măng, chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Canh hâm xong thì bệnh nhân lại ập đến. Tôi lại lao ra cùng ê kíp để khám, xử trí, thực hiện y lệnh. Trong lúc bệnh nhân chờ xét nghiệm tôi lại đi hâm nóng canh măng. Kết quả là, ngay khi hâm nóng canh xong, bệnh nhân lại đến. Khi bệnh nhân rời đi, bệnh nhân cũ nhận được kết quả xét nghiệm và được giải quyết xong, tôi lại mang canh măng đi đun nóng. Khi mọi người bắt đầu ngồi ăn, canh măng vừa được múc ra, chưa ai đụng đũa, thì bệnh nhân lại đến…

Dù sao thì bữa ăn trưa cũng kết thúc, nhưng đó là 17 giờ chiều, lúc này tôi mới ý thức được rằng đã làm bác sĩ thì không có Tết.

Một trải nghiệm khác. Đó là năm sinh viên Y6, năm cuối cùng chuẩn bị ra trường, tôi trực Tết ở khoa xương khớp. Mùng 1 Tết, đúng vào đợt rét đậm cuối cùng, rét thấu xương kèm theo mưa nặng hạt từ đêm giao thừa, nên tôi nghĩ một ngày thời tiết tồi tệ như vậy mà lại trực nội khoa chuyên về khớp thì sẽ không có bệnh nhân. Nhưng tôi đã nhầm, bệnh nhân vào liên tục, mà toàn bệnh khớp miễn dịch. Miền Bắc thời đó không ấm áp như bây giờ, rét đậm rét hại kèm theo mưa là thường xuyên, chống rét chỉ bằng cách đóng kín cửa, không có hệ thống sưởi, vì thế mà các bệnh nhân nội khoa không hiếm, bệnh nhân khớp miễn dịch lại càng đông.

Thông thường, các bệnh lí liên quan đến miễn dịch sẽ kèm theo tổn thương đa hệ thống, tức là cơ chế rối loạn hệ miễn dịch làm tổn thương nhiều cơ quan không thể nhìn thấy, nên rất khó kiểm soát. Từ chẩn đoán đến điều trị, không có quá trình nào là đơn giản, đòi hỏi phải rất tỉ mỉ và cẩn thận. Mặc dù bệnh nhân đông, nhưng tôi phải trực tiếp đo huyết áp, đo xong phải đo lại vì lo ngại độ lệch do các yếu tố tác động như tâm lí bệnh nhân chẳng hạn, huyết áp hai chi trên khác nhau nên cũng cần đo. Khi ghi lại lượng nước tiểu, độ chính xác của phiếu ghi phải được xác nhận kĩ càng với bệnh nhân hàng ngày, để đảm bảo lượng nước tiểu là chính xác. Đồ ăn thức uống của bệnh nhân cũng vậy, phải đánh giá đầy đủ hàm lượng nước, ghi chép tỉ mỉ. Việc tính toán lượng đưa vào và ra không chính xác sẽ ảnh hưởng đến thuốc, dùng thuốc không chính xác sẽ ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Khi kê đơn tư vấn, luôn phải phân tích đi phân tích lại tình trạng bệnh và xem rõ các phản ứng, tương tác có hại của thuốc trước khi kê đơn, để bệnh nhân tin tưởng phối hợp điều trị. Nếu bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận, phải giải thích đi giải thích lại chế độ ăn uống, chỉ cần sai một li đi một dặm.

Cứ tưởng trực chuyên khoa nội về xương khớp vào ngày Tết sẽ rất nhàn, nhưng hoá ra không phải, đây là chuyên khoa dễ làm cho bác sĩ bị trầm cảm nhất, dễ kiệt sức nhất. Tất nhiên đó là với bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi. Trên thực tế, nếu chỉ phấn đấu trở thành bác sĩ nội khoa xương khớp bình thường, thì sẽ không hề khó, tất cả công việc cần làm là đi khám bệnh nhân mỗi buổi sáng, thay đổi chỉ định y tế và chờ đợi bệnh nhân ra viện, như vậy sẽ rất nhàn.

Trực tết sợ nhất là cấp cứu hàng loạt, như chấn thương do pháo nổ, do hoả hoạn, do tai nạn giao thông, do đánh nhau, do ngộ độc thực phẩm. Ám ảnh nhất là khi lãnh đạo thông báo chuẩn bị đón hàng chục bệnh nhân, là khi nhìn thấy hàng chục xe cứu thương nối đuôi nhau hú còi trên đường hướng về bệnh viện, là khi tiếng còi báo động inh ỏi vang lên thúc giục. Cuộc sống quan trọng hơn bầu trời. Khi đó các nhân viên trực các khoa sẽ được huy động tối đa, những người đang ở nhà cũng bị triệu tập, ê kíp cấp cứu từ các bệnh viện khác cũng phải lao tới hỗ trợ. Những tình huống như thế, sẽ có lãnh đạo ngành, lãnh đạo thành phố và các quan chức cấp cao đến. Cán bộ thăm hỏi, chỉ đạo, rồi lên hội trường để chờ đợi báo cáo. Có thể một số cán bộ chuẩn bị phong bao lì xì nhưng hầu hết là không. Bác sĩ phải cấp cứu bệnh nhân nên không thể dự cuộc nói chuyện của lãnh đạo. Công việc cấp cứu sẽ diễn ra liên tục, y bác sĩ thường bỏ bữa không ăn gì, điều mong mỏi nhất là không để bệnh nhân tử vong. Mỗi cuộc như vậy, xong việc tất cả y bác sĩ đều ngồi bệt xuống đất ở hành lang, không muốn cử động một bước.

Làm bác sĩ thực sự quá vất vả.

Khi mới ra trường, tôi xin vào làm việc ở khoa ngoại tiêu hoá, nơi có 40 giường, nhưng bệnh nhân thường nằm ghép đôi ghép ba, chưa kể là kê thêm giường, lưu lượng bệnh nhân luôn ở con số hơn 100.

Cả khoa có 4 bác sĩ chính.

Có thêm 6 bác sĩ làm việc không lương chờ kí hợp đồng, gồm có tôi và 2 người cùng khoá ở Đại học Y Hà Nội, 2 bác sĩ đã làm 3 năm, 1 bác sĩ con giáo sư đã làm 5 năm. Thời chúng tôi ra trường, hoặc chuyển làm công việc khác, hoặc làm trình dược viên, chỉ số ít xin đi làm không lương ở các bệnh viện từ 5 – 10 năm chờ cơ hội. Tôi may mắn hơn 5 bác sĩ còn lại, là sau 9 tháng tôi được kí hợp đồng thời vụ, tức là hợp đồng 3 tháng một, hưởng lương với hệ số 1,86 và không được hưởng bảo hiểm xã hội. Một năm sau đó, tôi được bệnh viện đặc cách bỏ qua hợp đồng ngắn hạn, kí luôn hợp đồng dài hạn và chờ đợt thi biên chế. Cả 5 bác sĩ kém may mắn hơn tôi, sau đó vẫn không được kí hợp đồng, nên đều chuyển sang xin việc ở các bệnh viện khác.

Ở bệnh viện tôi phải làm việc như “siêu nhân”.

Buổi sáng tôi dậy từ 5:30 và đến viện lúc 6:30, một mình đi buồng xem tất cả bệnh nhân, đến 7:30 thì cả khoa đi buồng và tôi sẽ báo cáo từng bệnh nhân, đề xuất các chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm, thay thuốc, thay băng cắt chỉ, rút sonde, đề xuất thủ thuật, thậm chí là đề xuất chỉ định phẫu thuật. Đúng 8 giờ bắt đầu giao ban khoa, sau đó 8:30 giao ban bệnh viện, những hồ sơ bệnh án tôi đều phải hoàn thiện, báo cáo thông qua mổ.

Trong lúc giao ban, tôi phải vừa nghe bằng tai, vừa trình bày bằng miệng, vừa tranh thủ viết chỉ định điều trị và ra y lệnh. Hàng trăm bệnh nhân, tôi phải nhớ tất cả từ bệnh sử, triệu chứng, diễn biến bệnh, cho đến các chỉ định đã được trưởng phó khoa và các bác sĩ chính duyệt lúc đi buồng.

Đến 9:30 bắt đầu đi mổ.

Hai tháng đầu, tôi chỉ phụ 3 hoặc phụ 4, tức là đứng kéo vam bộc lộ trường mổ, thỉnh thoảng được cầm gạc thấm máu. Tháng thứ ba thì tôi lên phụ 2, tháng thứ năm được phụ 1, tháng thứ 6 trở đi bắt đầu được cầm dao và trưởng phó khoa đứng phụ 1 chỉ dẫn cho tôi. Mỗi ngày, từ nhà mổ xuống khoa sẽ là buổi chiều muộn hay buổi tối, tôi không ăn trưa. Về khoa sẽ phải hoàn thiện một đống bệnh án, tổng kết ra viện, xem lại các bệnh nhân, làm thủ thuật như hút dẫn lưu dịch ổ bụng, dịch màng phổi.

Bình thường tôi trở về nhà lúc 20 giờ.

Làm ngoại khoa vất vả nhất là trực, thời đó bác sĩ làm không lương, hợp đồng ngắn hạn và hợp đồng thời vụ, sẽ được phân trực cột 3. Ngoài tua trực của mình, thì tôi phải xin theo trực kèm với trưởng khoa, thỉnh thoảng xin trực kèm với các anh chị cột 1 ở các chuyên khoa khác như phẫu thuật sọ não, lồng ngực và mạch máu, tiết niệu, xương, bỏng để tranh thủ học hỏi.

Tua trực tôi sẽ làm việc 24 + 8 = 32h, hoặc 24 + 12 = 36h, nhân với N lần mỗi tuần. Mỗi tuần tôi sẽ nghỉ 0 – 1 ngày, mặc dù theo Quyết định 188/1999/QĐ-TTg thì một tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, nhưng tổng thời gian làm việc của tôi không dưới 100 giờ. Cường độ làm việc kinh khủng, cứ lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Tại sao tôi làm việc được như vậy? Tại vì tôi còn trẻ và tràn đầy năng lượng (thật kì lạ), nên tôi sẽ không nghỉ ngơi vào ngày hôm sau dù đó là tua trực và tôi phải thức làm việc suốt đêm.

Bác sĩ sau khi tốt nghiệp sẽ đi theo 3 hướng!

✔

 Khám chữa bệnh thông thường (Y tượng – Bác sĩ): Là những người học được kiến thức nền tảng y khoa nhất định, thực hành lâm sàng dựa trên kiến thức đã học, do không cập nhật kiến thức mới nên việc khám chữa bệnh hàng ngày không dựa trên các phương pháp và công nghệ khoa học tiêu chuẩn nhất.

✔

 Khám chữa bệnh dựa trên khoa học (Y sư – Thầy thuốc): Hành nghề khám chữa bệnh luôn dựa trên nguyên tắc khoa học, luôn cập nhật kiến thức mới từ những hướng dẫn hay những đồng thuận theo chuẩn quốc tế, những người này thụ động ứng dụng khoa học kĩ thuật chứ không có sáng tạo.

✔

 Nhà khoa học y tế (Y soái – Tiến sĩ): Là những người chuyên nghiên cứu khoa học, để từ đó rút ra những phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến cho y học, dẫn dắt sự phát triển của y học.

Hệ thống y tế ở Việt Nam chỉ có hai loại đầu, chưa có nhà khoa học y tế thực sự, cho dù tiến sĩ rất nhiều nhưng họ không phải là những người nghiên cứu y tế theo đúng nghĩa.

Tôi chọn con đường trở thành “Y sư – Thầy thuốc”.

Để trở thành thầy thuốc, cả ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đều theo một nguyên tắc là sau khi tốt nghiệp, những năm đầu cần thiết phải làm việc ở các bệnh viện công lớn có chức năng đào tạo, bởi vì bệnh viện lớn tuy bận rộn vất vả, nhưng kiến thức sẽ thăng tiến nhanh chóng. Để thực hành khám chữa bệnh được tốt nhất, thì việc tích luỹ kiến thức lâm sàng trong những năm đầu tiên là cực kì quan trọng. Đường cong Pareto nổi tiếng chỉ ra rằng, nếu chia sự nghiệp của bác sĩ thành 4 phần theo thời gian kể từ lúc bắt đầu hành nghề cho đến khi về hưu, thì một phần tư đầu tiên sẽ phải tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm là 80%, ba phần tư còn lại chỉ 20% nữa thôi. Tuổi của một bác sĩ đủ năng lực chuyên môn để hành nghề độc lập là 30, trong 7 năm đầu tiên sẽ là quãng thời gian tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm nhanh và nhiều nhất, chiếm đến 80% trong tổng số, đến 37 tuổi bắt đầu bước vào đỉnh cao sự nghiệp. Vì vậy, để trở thành bác sĩ giỏi, thì trước 37 tuổi bác sĩ nào cũng “bận rộn”, cũng “làm việc chăm chỉ”, con đường phấn đấu ở giai đoạn này là đặt chuyên môn lên cao nhất, làm việc và rèn luyện tiếp thu kiến thức ngày đêm, không có thời gian nghỉ ngơi, cũng đừng nghĩ đến chuyện kiếm tiền.

Đến đây chắc mọi người đã hiểu tại sao tôi làm việc kinh khủng như vậy!

Có một câu chuyện, bây giờ mỗi lần nhớ lại tôi vẫn mỉm cười, chuyện xảy ra khi tôi đang là sinh viên Y4. Tết Nguyên Đán năm đó, như thường lệ mặc dù tôi ở quê nhưng lại có hộ khẩu Hà Nội, thành ra phải trực Tết cho các bạn ở tỉnh khác. Hồi ấy chưa có đường sá thuận lợi. Vì đi xe đạp, từ nhà tôi đến Trường Đại học Y Hà Nội đi mất nguyên ngày, nên tôi chỉ về Tết được chiều 30. Một cô bạn gái cùng tuổi mang lòng yêu tôi, mẹ cô cũng rất quý tôi, chỉ muốn hai đứa sau này thành vợ thành chồng.

“Anh yêu, anh sẽ cưới em sau khi học y về?”

Gặp nhau trước lúc giao thừa, cô đã hỏi tôi như vậy; và tôi đã thật thà trả lời rằng, chắc chắn tôi sẽ cưới cô sau khi học y xong với lịch trình cụ thể là một trong bốn con đường tôi sẽ chọn:

✔

 6 năm đại học + 1 năm ôn thi cùng với học chuyên khoa định hướng + 3 năm nội trú + 3 đến 8 năm tiến sĩ.

✔

 6 năm đại học + 1 năm chuyên khoa định hướng + 1 năm ôn thi + 3 năm thạc sĩ + 3 đến 8 năm tiến sĩ.

✔

 6 năm đại học + 1 năm chuyên khoa định hướng + 2 năm chuyên khoa I + 3 đến 5 năm chuyên khoa II.

✔

 6 năm đại học + 1 năm chuyên khoa định hướng + 7 đến 10 năm tự học với cường độ cao nhất có thể.

Nghe xong, tim cô đập thình thịch, con đường ngắn nhất 13 năm, cô nghĩ đây có lẽ là lời chia tay khéo nhất!

Kể từ đó chúng tôi xa nhau.

Chiều 30 Tết, ngồi viết lại một chút chặng đường tôi đã qua để các bạn thấy làm một bác sĩ chắc chắn không hề dễ dàng, bài viết muốn chia sẻ với bạn đọc ngoài ngành y, muốn động viên với các bác sĩ và các em sinh viên, cũng là để các em học sinh và phụ huynh tham khảo nếu muốn thi vào ngành y.

Chúc các bạn đón một năm mới hạnh phúc!./.

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *