𝐐𝐮𝐞̂ 𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝐭𝐨̂𝐢 𝐛𝐚̆́𝐭 đ𝐚̂̀𝐮 𝐭𝐫𝐨̛̉ 𝐧𝐞̂𝐧 𝐯𝐚̆𝐧 𝐦𝐢𝐧𝐡 𝐭𝐮̛̀ 𝐧𝐚̆𝐦 𝟏𝟗𝟖𝟔, 𝐧𝐡𝐮̛𝐧𝐠 𝐢́𝐭 𝐚𝐢 𝐧𝐠𝐨̛̀ 𝐫𝐚̆̀𝐧𝐠 đ𝐞̂𝐦 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛́𝐜 Đ𝐨̂̉𝐢 𝐌𝐨̛́𝐢, 𝐧𝐠𝐨̂𝐢 𝐥𝐚̀𝐧𝐠 𝐪𝐮𝐞̂ 𝐭𝐨̂𝐢 𝐥𝐚̣𝐢 𝐜𝐨́ 𝐧𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐬𝐮̛̣ 𝐤𝐢𝐞̣̂𝐧 𝐥𝐨𝐧𝐠 𝐭𝐫𝐨̛̀𝐢 𝐥𝐨̛̉ đ𝐚̂́𝐭.
1 trong số đó là câu chuyện “rồng lộn” năm 1985.
Xã tôi có một con sông chảy qua ngôi làng cổ, sông có tên gọi Cà Lồ, là chi lưu của sông Hồng, đổ vào sông Cầu ở ngã ba Xà. Sông có chiều dài 89km, lưu vực 880 km², chảy theo hướng tây bắc xuống đông nam, lấy nước chủ yếu từ các dòng suối trên dãy núi Tam Đảo, nước mạch ngầm và nước từ sông Hồng. Hạ lưu sông Cà Lồ quanh co uốn lượn 9 khúc, một con sông có nhiều khúc cua như vậy, thật hiếm có ở nước ta.
Sông Cà Lồ giống hệt một con rồng khổng lồ.
Nhìn từ xa, sông Cà Lồ hẹp và quanh co, chỗ rộng nhất chỉ 50 mét. Nhìn từ trên cao, sông uốn lượn như dải ruy băng, thấy cát và sỏi trên dòng sông chảy suốt ngày đêm hàng ngàn năm, thấy những ngôi làng cổ nằm dọc hai bờ sông tạo nên một thuật ngữ u sầu, thuật ngữ ấy chính là “lịch sử”.
Tôi rất yêu con sông Cà Lồ, bởi sông như con rồng bay xuống từ đỉnh núi cao, dòng nước xoáy vào nhau, đoạn thượng lưu hùng mạnh tuôn trào, đoạn hạ lưu từ từ đi xa, đi xa, đi xa hơn, mang theo dòng nước lấp lánh, mang theo những con sóng sống động đầy màu sắc, nhưng sông cũng tràn ngập sự im lặng của tháng năm vô tận, sông truyền cho tôi cảm hứng, dẫn dắt suy nghĩ của tôi đi xa.
Đoạn chảy qua làng tôi, dài và rộng, nhưng rất sâu, dòng nước vô cùng trong xanh và tĩnh lặng, chảy chậm qua eo làng với những gợn sóng nhẹ. Trong làn nước trong vắt bao la, chỉ có một vài chiếc thuyền đánh cá nhỏ neo đậu, sông tưởng như đứng yên bất động. Vậy nhưng năm nào cũng xảy ra lũ lụt kéo dài 30 – 40 ngày. Để thoát lũ, từ những năm đầu thế kỉ 20, người Pháp đã nỗ lực tìm đủ mọi giải pháp, trong đó có bịt cửa chỗ phân lưu với sông Hồng, dùng đầm Vạc làm hồ chứa nước đầu nguồn, vậy nhưng không hiểu vì lí do gì mà dòng nước trên sông Cà Lồ mỗi năm vào mùa thu vẫn dâng cao đột ngột, nhanh chóng, nhấn chìm bao nhiêu nhà cửa mùa màng.
Trận lũ lịch sử vào năm 1985.
Đó là năm Ất Sửu, lũ đạt đỉnh từ mùng 7 tháng Tám đến mùng 3 tháng Chín âm lịch, tương đương với trận lũ năm Ất Dậu 1945. Mực nước cách mặt đường Quốc lộ 18 đúng nửa mét, cao bằng nóc nhà 3 tầng, vì theo quy định đối với nền đường Vtt ≥ 80 km/h thì tần suất đỉnh lũ chấp nhận là 2% trong vòng 100 năm, nền đường phải cao hơn mực nước đỉnh lũ nửa mét, cũng vì thế mà đường 18 thi công tốn rất nhiều đất làm cốt nền.
Những người lớn tuổi nói rằng, dòng sông Cà Lồ có điều gì đó bất thường, họ sợ có rồng gây hoạ. Nhưng đó chỉ là phỏng đoán vu vơ. Chưa một ai nhìn thấy rồng, cũng không ai quan tâm điều này, phải đến khi có lũ lụt thì mọi người mới chống mắt lên, họ thấy những câu chuyện rất khó tin.
Vào ngày 30 tháng Bảy âm lịch năm Ất Sửu, ngày cuối cùng của tháng Ngâu, nhưng thời tiết bỗng đẹp lạ lùng. Buổi sáng, mặt trời mọc từ phía đông và dòng sông thức dậy. Nắng vàng rực rỡ chiếu xuống mặt sông, khu rừng ven sông lộ ra những mảng đỏ lớn của lá mùa thu, tựa như khuôn mặt thiếu nữ xinh đẹp ửng hồng. Ba ngôi đền cổ bên bờ sông, nơi có ba cây gạo đại thụ cạnh tảng đá lớn cúi xuống nhìn dòng nước chảy, những cơn gió heo may thổi, bông gạo trắng muốt phủ đầy mặt sông, những chiếc lá nhẹ nhàng trôi trên nước như những con thuyền nhỏ, chầm chậm xuôi dòng. Nước sông trong trẻo gợn sóng, giống như một tấm dải lụa khổng lồ đầy màu sắc, đàn ngỗng trời từ phía bắc đậu xuống làm khách, bầu trời trong xanh, những áng mây trắng nối tiếp nhau bay đến. Hôm đó là một ngày lịch sử. Đất nước thống nhất tròn 10 năm, cuộc cải cách giá – lương – tiền đã gây lạm phát 700%, chính phủ bắt buộc phải thực hiện đổi tiền. Buổi sáng hôm ấy thức dậy, khi nghe được thông báo đổi tiền, mẹ đưa tôi 10 đồng mang ra điếm thôn, tôi xếp hàng đến trưa thì đổi được 1 đồng mang về. Suốt một tuần diễn ra đổi tiền, thời tiết vô cùng đẹp, cái đẹp của mùa thu Miền Bắc luôn xao xuyến và rất buồn.
Nhưng đến mùng 6 tháng Tám âm lịch, tức là vừa đổi tiền xong, thì trời tối sầm lại. Mọi thứ dường như mờ mịt và đầy khói. Bố tôi thở dài. Mẹ tôi nhìn những những đám mây mỏng bí ấn, nhìn mối rời tổ, nhìn kiến vàng bò khắp mặt đất, mẹ nói với tôi rằng sắp có bão to, khả năng xảy ra lũ lụt. Mưa lớn bắt đầu trút xuống. Ngôi làng tôi nằm ở vị trí trũng thấp, ngay bên bờ sông, nên khi mưa lớn dễ xảy ra lũ lụt, người dân làng tôi chịu thiệt hại đầu tiên.
Kì thật trận mưa hôm đó khá lớn, nhưng đến nhanh và tan cũng rất nhanh, mọi người trong làng không để ý nhiều, vì những trận mưa như thế quanh năm đếm không hết đầu ngón tay. Sau mưa trời quanh mây tạnh. Dòng sông Cà Lồ rực sáng trong ánh hoàng hôn tĩnh lặng, nước sông lại trong xanh như thuỷ tinh, trăng lạnh đầu tháng mọc lên sớm như lá lúa, dòng sông như con mãng xà bạc uốn khúc, lung linh với những đợt sóng lấp lánh, lặng lẽ bò về phía xa.
Đến 9 giờ tối thì trời nổi gió giông.
Cơn bão kéo dài cho đến trưa hôm sau, tức là mùng 7 tháng Tám âm lịch, diễn biến cũng tựa như các cơn bão khác, không có gì đặc biệt. Mưa tạnh, mọi người biết ơn vì mọi chuyện đã qua, dường như không có gì đe doạ từ cơn bão. Nhưng không ngờ tai hoạ đang bắt đầu ập đến, dòng sông Cà Lồ đột nhiên dâng lên dòng nước mạnh không rõ nguyên nhân, ào ạt đổ về, nước sông nhanh chóng tràn vào thôn.
Mọi người trước đó mải mê với câu chuyện đổi tiên, không ai có cơ hội chuẩn bị cho sự thay đổi khí tượng thuỷ văn đột ngột này, khi dân trong làng phản ứng, thì nước đã dâng tới quá đầu gối, cứ dâng lên từng giờ từng phút, chẳng mấy đã ướt hết đũng quần. Với người trẻ tuổi thì không có gì đáng ngại. Nhưng người già di chuyển khó khăn, phụ nữ và trẻ em, việc sơ tán khẩn cấp là rất nan giải. Những cây chuối được đốn làm bè, tre và gỗ, sô chậu và thùng, tất cả được trưng dụng để phục vụ cho việc sơ tán. Ban đầu dân được di tản đến những xóm cao, nhưng lũ lụt không những không rút, mà ngày càng dâng lên với tốc độ rất nhanh, những xóm cao nhất cũng bắt đầu ngập.
Xóm tôi cao nhất làng, dân tập trung hết ở đấy, tất cả nhốn nháo như ruồi mất đầu. Qua rằm Trung thu nước vẫn tiếp tục dâng đến thắt lưng. Mọi người không biết phải làm gì tiếp. Cho đến khi trưởng thôn nói: “Chúng ta không thể ở đây chờ đợi nước rút được nữa. Chúng ta phải sơ tán bọn trẻ đi trước, rồi quay lại đón người già, sơ tán những người còn lại theo từng đợt, tất cả phải sơ tán lên làng trên.”
Các cụ bô lão chỉ biết lắc đầu.
Cuối tháng Tám, mua lớn trút xuống, đất trời tối tăm mù mịt, nước ngập tới nóc nhà ba tầng, cả làng tôi chìm trong biển nước đục ngầu.
Năm Ất Sửu mùng 3 tháng Chín
dưới trần gian mưa bụi mịt mùng…
Đêm mùng 3 tháng Chín âm lịch, một cơn bão khủng khiếp, ngôi làng chúng tôi đang trú ngụ có những vườn chuối như bị dao chém ngang cây, tre xoan đổ gục tả tơi. Nước vẫn dâng lên cuồn cuộn. Chẳng ai biết chuyện gì đang xảy ra. Trong lúc mọi người đang ngơ ngác, có hai thanh niên khoẻ mạnh nhất làng tìm cách trở về xem sự thể ra sao, họ đóng bè chuối, kết những khúc tre khúc gỗ thành bè lớn vững chắc, theo dòng nước xuôi về phía sông Cà Lồ. Khi tới khúc sông chảy xiết, đúng vị trí ngôi đền giữa làng, nước ngập gần tới đỉnh cây gạo cổ thụ. Tại đây, hai người thanh niên nhìn thấy bóng dáng một con vật khổng lồ màu trắng, cứ lộn lên lộn xuống, nước sông quá đục nên có nhìn kĩ cũng chẳng biết đó là con gì, nhưng chắc chắn không phải là cá, rùa, tôm, cua…v.v. Con vật màu trắng đó, không phải là thứ ai cũng có thể nhìn thấy, ai cũng cảm được thấy và sở hữu được.

Hai thanh niên quay trở lại, họ thấy dân làng sốt ruột đứng đợi từ trên đường Quốc lộ 2, rất đông. Trưởng thôn và một số cụ già đáng kính trong làng mặc áo mưa, đội nón lá rách, đứng trên mô đất cao hơn, đang cùng nhau bàn bạc nếu nước tiếp tục dâng thì phải sơ tán người dân đi đâu và như thế nào. Gặp người dân, gặp trưởng thôn và các bô lão, hai thanh niên kể lại những gì nhìn thấy trong dòng nước. Mọi người bắt đầu phỏng đoán, người nói đó là cá, người nói đó là con giải, người lại bảo là thuồng luồng. Thế rồi một cụ già râu tóc bạc phơ, ở đâu tới cũng không ai rõ, cụ xuất hiện và nói đó là con rồng lộn.
Rồng lộn mới sinh ra trận lũ kì quái như thế!
Trưởng thôn nghe vậy, tay cầm điếu thuốc lá cuốn nguyên tàu đang rít trên miệng, đột nhiên dừng lại, trong mắt loé lên tia sáng. Trưởng thôn đề nghị hai thanh niên dẫn đi xem. Một số người cũng đi theo, các bô lão cũng đi, một số dân làng trên đường nghe thấy cũng tò mò, họ làm bè đi ra xem rồng lộn.
Tôi cũng theo và thấy cảnh dưới nước vô cùng kì lạ.
Mặt nước cuồn cuộn nhưng không có gì, phía dưới có một con vật màu trắng dài, có những chiếc sừng, đang lộn vòng tròn. Tôi nghĩ đúng là con rồng. Một bô lão đứng cạnh tôi trên bè chuối đã thốt lên: “Cái quái quỷ gì vậy? Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tôi không mù, con vật gì đang ở trong nước, tôi bằng này tuổi đầu chưa từng thấy điều kì lạ như vậy trong cuộc đời. Thật kì lạ, thật kì lạ, địa ngục đây sao!”
Nhất thời mọi người đều vô cùng kinh ngạc.
Quay trở lại thôn nơi dân làng trú ngụ, chúng tôi tìm ngay đến ông già râu tóc bạc phơ, ông ngồi trên mô đất cao nhất, mắt nhắm lại nghe chúng tôi kể. Trưởng thôn và các bô lão tiến lên nói: “Lũ lụt có lẽ do con vật nghịch ngợm này gây ra, lão thần, người biết nhiều hơn chúng tôi, chuyện này nên xử lí như thế nào?”
Ông già vẫn im lặng, nhắm mắt cẩn thận suy nghĩ một lúc, rồi đột nhiên mở mắt. Ông lão quay lại nói với mọi người: “Trong thôn có cô con dâu nào mới sinh con không, phải là sinh con đầu lòng, sinh con gái là tốt nhất?”
Trưởng thôn nói: “Trong làng vừa có một phụ nữ sinh con hôm qua, bé gái, hai mẹ con đang ở cữ”.
“Được rồi, nhanh lên, đưa ta đến nhà người phụ nữ đó!’
Dân làng đưa ông lão đến nhà người phụ nữ mới sinh con, ai cũng vội vã, tâm trạng lo lắng và tò mò. Người phụ nữ ở cuối thôn. Khi tới nhà, ông lão nhìn quanh một lúc, rồi bước tới góc vườn ở phía sau, nơi có hai chậu nước tiểu. Ông lão chỉ vào đó, bảo hai thanh niên trai tráng bê chậu nước tiểu theo ông lão, lên bè và hướng về phía sông Cà Lồ.
Tôi bắt đầu hiểu ra vấn đề.
Đến nơi, ông lão mỉm cười, đứng trên bè chuối cầm chiếc gáo dừa múc nước đái, từng gáo một ông dội thẳng xuống. Bình thường, sông Cà Lồ nước trong và mát, trong làng có ai ốm đau, chỉ cần múc gáo nước sông đặt lên bàn thờ, thắp ba nén hương, đồ cúng là quả trứng bát cơm, sau tuần hương thì ăn hết bát cơm quả trứng và uống gáo nước sông, ba ngày sau khoẻ mạnh trở lại bình thường. Nước sông ít người uống, nhưng không vì thế mà dân làng đổ những thứ ô uế xuống dòng sông, ngược lại họ luôn bảo vệ nguồn nước trong mát, cá tôm trai hến sò ốc hết nhiều vô kể xiết. Sau khi đổ gáo nước tiểu thứ ba, ông lão bê luôn cả chậu đổ hết các thứ rác rưởi bẩn thỉu xuống nước.
Trong phút chốc, mặt nước sông thay đổi ngoạn mục, một chuỗi bong bóng nổi lên, con rồng lộn đang cuồn cuộn trong nước bỗng ngừng lộn trong nháy mắt rồi biến mất. Ngay sau đó, lũ rút rất nhanh, mái đền lộ diện, cửa sông bắt đầu hiện ra trước mắt mọi người.
Các bô lão ôm nhau cổ vũ rơi nước mắt.
Trưởng thôn bước tới trước mặt ông lão nói: “Nhờ có lão thần mà chúng tôi thực sự được cứu thoát, cám ơn lão thần, xin cám ơn rất nhiều!”
Nói chưa dứt câu, trưởng thôn ngẩng mặt nhìn lên, tôi cũng quay lại nhìn, mọi người cùng nhìn, nhưng không ai thấy ông già đầu tóc bạc phơ đâu nữa, chỉ thấy ngọn gió heo may thoảng qua, mang theo làn khói khô làm cho sống lưng của tôi ớn lạnh.
Nhiều năm suy nghĩ và tôi nghiệm ra rằng, con vật dưới sông Cà Lồ không biết là gì, chắc chắn không giống những con vật tôi thấy như cá, rùa, tôm và cua. Có thể chỉ là một con cóc ghẻ. Những sinh vật này sống rất lâu, rất quái quỷ, chúng phát triển nhiều khả năng, trong đó khả năng gây ra những thảm hoạ cho cuộc sống con người là vượt trội. Tôi đoán con vật đó thuộc loài cóc nhái. Người làng thì bảo là con rồng lộn. Lúc đầu tôi cũng nghĩ là con rồng lộn nhưng về sau thì tôi tin đó là cóc nhái mà thôi. Nhưng dù là con vật gì đi chăng nữa, thì với khả năng lợi hại như vậy, tại sao nó lại sợ nước tiểu của phụ nữ mới sinh con so, lại là sinh con gái. Trước đây tôi đã từng nghe nói, những con vật thành tinh chỉ thích của ngon vật lạ, thích sạch sẽ, đặc biệt sợ bẩn thỉu, nếu để bẩn thỉu dính vào sẽ ảnh hưởng lớn đến thành quả tu luyện của chúng. Ai cũng biết, phụ nữ khi sinh con phải ở cữ, máu đọng lại trong tử cung gọi là sản dịch, khi ra ngoài trộn với nước tiểu, mùi sẽ nồng nặc, vài giờ sau sẽ hôi và rất thối. Nhiều người còn sợ xui xẻo nên phải tránh xa. Huống hồ những con vật tu luyện thành tinh, nếu bị dội nước tiểu phụ nữ mới sinh lên đầu, chúng sẽ lặn mất tăm không còn dám nổi lên gây hoạ.
Dòng sông Cà Lồ thay đổi kể từ đó.
Khi viết bài này, tôi trở về thăm dòng sông tôi yêu thích cách đây không lâu, lội qua sông nước không quá bụng chân, chiều rộng mặt nước không quá vài bước nhảy, trơ cả đáy. Ngày xưa trước năm 1985, mùa khô nước vẫn ngập ba đầu người, quanh năm nước đầy ăm ắp. Từ năm 1986 đến nay quê tôi không bao giờ bị lũ lụt. Bây giờ đã khác hẳn, sông thực sự hoang tàn, dòng nước cạn kiệt, nước thải trong các ngôi làng tân cổ giao duyên đổ hết cả ra sông rất hôi hám.
Chưa kể đến rồng, bây giờ hiếm nhìn thấy con cá con cua, nghêu sò ốc hết cũng không còn như xưa, dặt dẹo vài con ốm đau bệnh tật.
Thỉnh thoảng về làng, tôi lại tìm đến những người già, để cùng kể lại câu chuyện con rồng lộn. Vài bô lão còn sống nói với tôi, con rồng chưa bao giờ bị tiêu diệt, nhưng bây giờ nó đã khác trước, sông ít nước sạch nên rồng nhiễm rất nhiều thứ dơ bẩn, nó lặn sâu xuống đáy sông để tu luyện những chiêu hiểm độc hơn nhiều. Có người còn khẳng định với tôi rằng, họ nhìn thấy con rồng đó bơi ra sông Cầu, rồi ra biển trở thành quan chức cấp bộ trưởng, chuyên đục khoét gì đấy nên bị biến thành củi nhóm lò.
Tôi thì vẫn nghĩ, cũng có thể là con rồng lộn, nhưng khả năng cao hơn là cóc ghẻ xuống nước tu luyện, hoặc tôm cua ốc ếch gì đó, rồng lộn chỉ là những con vật tu luyện đội lốt mà thôi, vì ngoài cá chép hoá rồng thì chưa con vật nào tu luyện đạt mức thành rồng được.
Chỉ biết ngày xưa, chất lượng nước sông quê tôi rất tuyệt vời, nước ở đây nấu rượu hảo hạng, cuối năm 1985 nhà máy rượu quốc doanh bao cấp đã cử kĩ sư giỏi về khảo sát, định lấy nước để tạo sản phẩm “Rượu thần Rồng Lộn”, nhưng qua thời Đổi Mới thì nước sông bỗng trở thành nước độc.
Mùa đông năm 1985 nhà tôi suýt chết đói…/.