“𝐇𝐚̆́𝐜 𝐥𝐨𝐧𝐠 𝐩𝐡𝐮𝐧 𝐯𝐚̀𝐧𝐠 𝐧𝐠𝐨̣𝐜, 𝐫𝐢́𝐮 𝐫𝐢́𝐭 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐞̂̉ 𝐧𝐠𝐮̛̀𝐧𝐠, đ𝐚̣𝐨 𝐧𝐡𝐚̂𝐧 𝐭𝐡𝐢́𝐜𝐡 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐬𝐚́𝐧𝐠, 𝐭𝐮 𝐝𝐨̛̉ 𝐭𝐡𝐢́𝐜𝐡 𝐭𝐢𝐞̂̀𝐧 𝐛𝐚̣𝐜.”
Hắc Long Tự là một ngôi chùa trên đỉnh núi Phượng Hoàng, có lịch sử hơn 1500 năm, trong chùa có nhà sư Thích Tiến Sĩ tốt nghiệp xuất sắc Đại học Harvery sau đó 2 năm lấy bằng PhD Luật, cùng với một nhà sư khác là Thích Cúng Dường tốt nghiệp Đại học Barkley lấy bằng PhD kinh tế.
Điều khó hiểu không chỉ dừng lại ở hai nhà sư xuất sắc hàng đầu, mà còn hàng chục nhà sư khác có trình độ học vấn rất cao, tại sao những con người lỗi lạc như vậy lại chọn đi tu ở một nơi xa xôi như vậy, để sống một cuộc sống biệt lập.
Chùa xây dựng trên một vách đá nên việc leo trèo rất khó.

Theo ghi chép lịch sử, Hắc Long Tự dược xây dựng vào thế kỉ thứ 4 Sau Công lịch, lần trùng tu cuối cùng do hai thầy Thích Tiến Sĩ và Thích Cúng Dường thực hiện, chùa trở nên to đẹp gấp vài chục lần so với trước. Hiện tại chùa là một công trình bê tông giả cổ. Trước khi trùng tu, Hắc Long Tự chỉ là ngôi chùa nhỏ sau hàng ngàn năm mưa gió vẫn sừng sững giữa một vùng đất đai khan hiếm, chùa như chỉ dấu thách thức lòng tham của bao kẻ sân si. Những cây bách trước chùa đã phát triển hơn 900 năm, còn những cây bạch quả, cây vạn tuế và cây tùng cổ thụ trong chùa đã có hàng nghìn năm tuổi. Năm 2011, sư Thích Tiến Sĩ và sư Thích Cúng Dường cùng các đệ tử chuyển đến tu tập, chùa cổ được đập bỏ, chùa mới được xây dựng, từ đó Hắc Long Tự trở nên nổi tiếng.
Sở dĩ có tên gọi Hắc Long, là vì quanh năm có dòng suối treo như con rồng lộn chảy từ khe đá đen ngòm trước cửa chùa, người xây chùa cho rằng đó là điều kì lạ, nên mới đặt tên chùa là Hắc Long Tự.
Chùa nổi tiếng linh thiêng.
Theo lời thuyết Pháp của hai sư Thích Tiến Sĩ và Thích Cúng Dường, thì vào thời Trinh Quan nhà Đường bên Trung Quốc, Hoàng đế Thái Tông nghe danh Hắc Long Tự quá nổi tiếng về sự linh thiêng, có vô số người đến cầu xin thần linh và thờ Phật, vì thế mà Hoàng đế Thái Tông quyết làm chuyến du hành về phương Nam. Lúc đến suối Hắc Long, dù thành tâm kính cẩn nhưng Thái Tông Hoàng đế vẫn không ngả mũ, một cơn gió lạnh ập đến, Hoàng để thổ ra một bãi huyết lớn, làm đen lòm cả một dòng suối. Quá sợ hãi, quan quân triều đình phải ném xuống suối rất nhiều tiền bạc để cúng dường, nhưng vẫn chưa đủ nên phải tổ chức cúng giải oan gia trái chủ, thì huyết của Hoàng đế mới cầm. Trước khi trở về Trung Hoa, Hoàng đế Thái Tông đã viết lên vách đá bốn câu thơ, rồi ra lệnh đóng cửa núi. Kể từ đó, Hắc Long Tự trở nên hiu quạnh, quanh năm suốt tháng hương trầm u uất hơn nhiều các ngôi chùa khác.
Ngày nay trên vách núi đá vẫn còn bốn câu thơ của Hoàng đế Thái Tông viết bằng kí tự Latin.
“Hắc long phun vàng ngọc
Ríu rít không thể ngừng
Đạo nhân thích trong sáng
Tu dở thích tiền bạc.”
Hắc Long Tự là ngôi chùa Phật giáo, mặc dù hầu hết người dân trong tỉnh đều vô thần, nhưng vẫn có hàng triệu khách thập phương đến viếng chùa mỗi năm. Trước đây Hắc Long Tự chỉ là ngôi chùa bình thường. Nhưng hiện nay chùa giữ rất nhiều kỉ lục, từ hai bức tượng cót ép khủng nhất, cho đến chuông chùa to nhất, bậc ván gỗ cổ xưa thay bằng bậc xi măng cao nhất, chùa có kích thước to cao nhất, cuốn kinh khổng lồ nhất… những kỉ lục nhất đếm không xuể.
Nhìn chung, Hắc Long Tự với cơ sở vật chất hiện đại nhất, đã trở thành một địa điểm du lịch khá hấp dẫn.
Điều đáng ngạc nhiên, là trong chùa có hai nhà sư tốt nghiệp PhD của Đại học Harvery và Đại học Barkley. Đối với nhiều người, lấy bằng Tiến sĩ từ hai trường đại học danh giá này, về cơ bản là một giấc mơ không thể nắm bắt. Bởi vậy, trong nhiều năm đại chúng hoan hỉ đến chùa cúng dường và cúng giải oan gia trái chủ, thì nhiều người đã đưa ra những suy đoán tại sao hai vị sư rất đẹp trai và tài giỏi này lại đi tu. Về cơ bản, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, hai vị sư đã gặp phải một sô vấn đề nan giải của cuộc sống, nên chọn cách xuống tóc.
Tuy nhiên, một số người có quan điểm khác, vì Phật giáo ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Ngoại trừ một số ít người thực sự muốn sống cuộc sống biệt lập, còn lại số đông các sư, họ coi chùa là nơi tìm đến nhằm giải quyết câu chuyện ăn uống. Nhưng với hai vị sư Thích Tiến Sĩ và Thích Cúng Dường, thì quả thực, tại sao hai vị đi tu sẽ rất khó lí giải.
Hắc Long Tự còn có nữ tu sĩ Hắc Tâm Hoàn Duyên vô cùng nổi tiếng, cô vốn xuất thân từ người ziết mổ cá ngoài chợ, nhưng trải qua ba a tăng kì kiếp đã thành quả, tu sĩ Hắc Tâm nay đang cai quản chuỗi hòm công đức khổng lồ của ngôi chùa.
Sự nổi tiếng của Hắc Long Tự không dừng lại ở đó, mà còn bởi hàng chục nhà sư trong chùa có trình độ học vấn cao, trình độ công nghệ rất cao. Hầu hết các nhà sư đều đến từ các đại học danh tiếng trên thế giới hoặc trong nước. Trong số các tu sĩ xuất chúng ở chùa, 1 sư có bằng tiến sĩ vật lí năng lượng hạt nhân, 1 sư có bằng tiến sĩ về cơ học chất lỏng, 1 sư là thiên tài đến từ khoa toán kinh tế của một trường đại học nổi tiếng và sư từng đạt huy chương vàng Olympic toán, 1 sư có bằng tiến sĩ vật lí. Không thể giải thích nổi tại sao những người có trình độ học vấn cao như thế này lại từ bỏ những cơ hội việc làm kiếm tiền rất hấp dẫn bên ngoài xã hội, để trốn sang Phật giáo, vào một ngôi chùa ở chót vót trên cao để thực hiện tu ẩn.
Ngay sau khi trùng tu xong ngôi chùa, Thích Tiến Sĩ và Thích Cúng Dường cho thành lập website, Facebook và Fanpage, sau này còn thành lập tài khoản Zalo, Tiktok và các mạng xã hội khác nữa bằng nhiều thứ tiếng. Hai sư liên tục cập nhật thông tin về Hắc Long Tự, thu hút một lượng lớn nhân tài, mỗi năm thu hút hàng triệu du khác thập phương lắm tiền nhiều của về chùa cúng dường và làm lễ giải hạn oan gia trái chủ.
Các sư trong chùa hàng ngày đọc kinh trên Ipad.
Kể từ khi Hắc Long Tự nổi tiếng trên không gian ảo, rất nhiều người đã tới đây, nên việc đếm tiền trở thành một vấn đề, bởi lượng người quá đông và số tiền quá nhiều nên khó đếm. Lúc này, sư Thích Cúng Dường với kiến thức kinh tế của mình, sư đã thiết kế hệ thống đăng kí cúng dường trực tuyến và tiền cúng dường chuyển từ các tài khoản với tin nhắn ting ting.
Trong số các sư, có Đại đức Thích Kiếm Tiền là lập trình viên, sư tốt nghiệp khoa máy tính một trường công nghệ nổi tiếng, thành thạo Linux và Mongodb. Đại đức Thích Kiếm Tiền được phân công dẫn dắt các tình nguyện viên IT, thành lập một nhóm, tự viết mã và thiết kế phần mềm, đồng thời áp dụng công nghệ hiện đại để kiếm tiền và quản lí tiền bạc cho ngôi chùa.
Trong hội nghị các nhà phát triển IT toàn cầu, Thích Kiếm Tiền được cử tham dự với tư cách một nhà sư, Đại đức toả sáng rực rỡ và nhanh chóng trở thành tâm điểm của hội nghị. Sau sự kiện này, rất nhiều nhân viên IT đã tìm đến Hắc Long Tự để thiền định và học hỏi Đại đức Thích Kiếm Tiền.
Ở Hắc Long Tự, Đại đức Thích Kiếm Tiền không chỉ là bậc thầy lập trình, sư còn là linh hồn công nghệ thông tin của ngôi chùa, Đại đức đã tự mình viết mã để xây dựng hệ thống quản lí chùa, điều này giúp cho tiền bạc chuyển vào tài khoản Hắc Long Tự ngày càng nhiều, nhiều như nước trong dòng suối Hắc Long treo như con rồng lộn trước cửa chùa.
Có một câu chuyện phiêu lưu khá li kì.
Đó là câu chuyện của Vương Tấn Tài, anh là cháu ruột của Thượng toạ Thích Tiến Sĩ, cha đẻ của nền Chat-GDP. Vương Tấn Tài đã gặp phải nút thắt trong quá trình phát triển Chat-GDP. Dù đã đầu tư khá nhiều công sức và trí tuệ, sau nhiều ngày miệt mài, Vương Tấn Tài đã không thể tạo ra bước đột phá. Quá mệt mỏi, Vương Tấn Tài đã tìm đến Hắc Long Tự để thiền định. Là người vô thần, Vương Tấn Tài không tin vào chùa chiền, càng không tin ở Hắc Long Tự các sư có trình độ CNTT. Vương Tấn Tài chỉ xác định tới Hắc Long Tự để thư giãn, thay đổi tâm tình, hi vọng trở về đầu óc thư thái để có thể hoàn thành đoạn mã khó nhất.
Vương Tấn Tài đến chùa Hắc Long đã hai tuần, nhưng vẫn không thu hoạch được gì, tâm trạng vẫn ám ảnh, đoạn code anh viết cứ luẩn quẩn không sao thoát ra được. Đến ngày cuối cùng của tuần thứ ba, Vương Tấn Tài quyết định trở về nhà tiếp tục suy nghĩ, trong lúc tức giận anh đã vo tròn những tờ giấy đã viết mã, ném nó xuống đất. Một cơn gió lạnh thoảng qua, cuộn giấy xoay tròn theo những chiếc lá vàng, nhảy lên nhảy xuống dưới ánh nắng vàng rực rỡ cuối hè đầu thu.
Một vị tu sĩ đang quét sân chùa bằng chổi che, nhìn thấy cảnh tượng này, tu sĩ bèn cúi xuống nhặt quả cầu giấy lên. Sau khi mở ra xem, tu sĩ từ tốn nói với Vương Tấn Tài, rằng đoạn mã anh viết khá tốt nhưng vẫn mắc phải những lỗi không thoát ra nổi. Sau khi nghe tu sĩ giải thích, Vương Tấn Tài quá kinh ngạc, anh không thể ngờ người quét chùa hôm đó là Đại đức Thích Kiếm Tiền.
Ngay sau đó, một cuộc hội thảo về IT được tổ chức tại Hắc Long Tự, Đại đức Thích Kiếm Tiền đã có bài tham luận rất sâu sắc, mở ra tất cả nhãn quan cho những người tham dự. Thực sự đó là một bài giảng thần tiên. Vương Tấn Tài bỗng nhiên ngộ đạo. Sau khi trở về từ Hắc Long Tự, đúng một tháng sau, thì Chat-GDP ra đời, trở thành sự kiện công nghệ chấn động nhân loại.
Kể từ đó Hắc Long Tự chiếm một vị trí quan trọng trong giới IT.
Đội ngũ IT của chùa tổ chức những khoa tu thiền, sau đó mở rộng ra các lĩnh vực, làm cả trại hè cho hàng vạn học sinh. Chùa liên tục tổ chức “Trại thiền Hắc Long Tự” rất bài bản và chuyên sâu, thu hút từ học sinh tiểu học đến sau đại học, các Phật tử, những tài năng khoa học, những giáo sư tiến sĩ và bác sĩ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân thành đạt, tất cả đổ dồn về tu tập, cúng dường, cúng giải hạn oan gia trái chủ.
Đó là lí do Hắc Long Tự thu hút quá nhiều nhân tài.
Ở những ngôi chùa khác, các sư chỉ tập trung vào việc tu hành, truyền bá đạo Phật, thanh lọc tâm trí, thanh lọc tâm hồn, loại bỏ tham sân si, nâng cao hiểu biết của con người, giảm bớt tạo nghiệp xấu, giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ.
Nhưng ở Hắc Long Tự, các sư có học vấn cao nên sẽ hoạt động chủ yếu ở nhiều lĩnh vực không thuộc tu tập, tất cả đổ đổ dồn vào làm kinh tế, đây là điểm khác biệt giữa Hắc Long Tự và những ngôi chùa khác.

𝐏/𝐬: 𝐂𝐚̂𝐮 𝐜𝐡𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐛𝐚̀𝐢 𝐯𝐢𝐞̂́𝐭 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐜𝐨́ 𝐭𝐡𝐮̛̣𝐜, 𝐜𝐡𝐢̉ 𝐥𝐚̀ 𝐭𝐫𝐢́ 𝐭𝐮̛𝐨̛̉𝐧𝐠 𝐭𝐮̛𝐨̛̣𝐧𝐠./.