Tổng hợp Văn học & Nghệ thuật

TU HÀNH

 𝐓𝐮 𝐡𝐚̀𝐧𝐡, đ𝐮́𝐧𝐠 𝐧𝐡𝐮̛ 𝐭𝐞̂𝐧 𝐠𝐨̣𝐢, 𝐥𝐚̀ 𝐯𝐞̂̀ 𝐭𝐡𝐮̛̣𝐜 𝐡𝐚̀𝐧𝐡.

Nhiều người quan niệm, chân tu là từ bỏ mọi thứ, từ bỏ tất cả những gì chúng ta có được; tôi thì lại không nghĩ chân tu là như vậy.

Cách nghĩ của tôi rất đơn giản, “chân tu” là đi nhiều để có thêm hiểu biết như mấy bạn trẻ thích du lịch, “tay tu” là làm nhiều việc tốt như bác sĩ ở bệnh viện công, cũng tương tự với hình tu, tiếng tu, tính tu, tâm tu, cảm tu, hồn tu… hay vân vân và mây mây tu.

“Thứ nhất là tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”

Câu nói của người xưa, tôi cũng không hiểu là tăng dần độ khó, hay hạ thấp độ khó theo thứ tự của việc tu hành. Người đời nay quan niệm khó nhất là tu ẩn trong núi. Tôi không nghĩ như vậy. Nếu phân ra ba cấp độ tu hành, bao gồm dễ, trung bình và khó, thì tu ẩn trong núi xếp vào loại dễ, tu ẩn trong thành xếp loại trung bình, khó nhất vẫn là tu ẩn chốn triều đình.

Chiến dịch đốt lò chứng minh rõ điều này.

Muốn ẩn tu được ở chốn triều đình, thì bắt buộc phải tu tâm, nếu không tu tâm thì sao mà gặt được thành quả.

Tu không phải là để giải quyết khó khăn khi gặp phải, mà là củng cố niềm tin và từ bỏ những ham muốn ích kỉ. Nếu chỉ là trốn tránh hiện thực, thì không thể gọi là tu hành, mà chỉ có thể là tu hú.

Tu phải bắt đầu từ những vấn đề của cuộc sống.

Mọi vấn đề của cuộc sống đều là cửa ngõ vào Pháp môn, vì vậy, đừng biến việc tu của mình thành nơi trú ẩn để trốn tránh những rắc rối của thực tại, bởi tu trốn tránh, thì sau những giây phút bình yên và thoải mái nhất thời, vẫn sẽ là sự đau khổ.

Nơi để thực hành tu, không nhất thiết phải là ngôi chùa, là thiền đường hay một nơi bình yên cho người tu hành. Đạo hiện diện trong mọi khoảnh khắc, mọi nơi, mọi lúc, mọi suy nghĩ trước mắt của mỗi chúng ta. Trong bất kì hoàn cảnh nào, nghĩ và làm những điều tốt, thì đó chính là tu.

Nếu chúng ta gặp vấn đề hôn nhân, thì hôn nhân là nơi tốt nhất để chúng ta thực hành tu, thông qua tình yêu và đạo nghĩa vợ chồng. Nếu chúng ta gặp vấn đề con cái, thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là nơi tốt nhất để chúng ta tiến hành tu luyện. Cứ như vậy, nếu chúng ta gặp vấn đề về tiền bạc thì tiền bạc là thử thách, chúng ta gặp vấn đề về bệnh tật thì sức khoẻ là cái đích để chúng ta tìm kiếm.

Tìm đến chùa chiền hay thiền đường, cùng tụ tập thực hành buông bỏ, điều đó mang lại sự thoải mái trước mắt. Nhưng trong sâu thẳm, đó chỉ là sự lừa dối, bản chất là sự chạy trốn.

Mục đích lớn nhất của cuộc sống không phải là biết mà là làm.

Một người phải đi ngàn vạn con đường, thì mới tìm thấy cho mình một con đường thực sự, để từ đó trở thành một con người thực sự. Trở về với bản ngã là một lí tưởng rất cao cả. Để có lí tưởng ấy, đòi hỏi chúng ta phải vượt qua bụi bặm của thế giới, trở về trạng thái tĩnh lặng, thực hành lối sống đơn giản, tự tâm tự tại, như một tảng đá trước giông bão.

Cuộc sống là một cuộc hành trình không có điểm quay trở lại, cuộc sống là một sự thực hành không bao giờ kết thúc, mỗi chúng ta sống trong thực hành và thực hành trong cuộc sống. Đó chính là tu. Việc tu tập không phải ở núi non, càng không phải ở chùa chiền, mà tu là thực hành các lối sống tốt đẹp ở trong xã hội.

Nếu hiểu tu theo cách tôi nói, thì trong thế giới phàm trần rộng lớn này, tất cả chúng ta đều là những người tu hành. Nhưng mỗi người chúng ta có thể đi được bao xa, còn tuỳ thuộc mức độ tu, cách mà mỗi người thực hành tu.

Thành công không bao giờ đến một cách ngẫu nhiên, bởi vậy, bài viết này tôi xin giới thiệu 6 pháp tu mà theo tôi là rất dễ thực hiện.

❶ 𝐏𝐡𝐚́𝐩 𝐭𝐮 đ𝐚̂̀𝐮 𝐭𝐢𝐞̂𝐧 𝐥𝐚̀ “𝐭𝐮 𝐧𝐠𝐨𝐚̣𝐢 𝐡𝐢̀𝐧𝐡”.

Tu ngoại hình là làm thế nào để chúng ta có được hình dáng đẹp nhất, đẹp là để tôn trọng người khác, nhưng quan trọng hơn cả, đẹp là để làm hài lòng chính mình.

Tục ngữ phương Tây có câu: “Người đẹp vì lụa, ngựa đẹp vì yên – A man depends on his clothes, and a horse depends on his saddle”. Nước chúng ta không nuôi ngựa, mà chỉ trồng lúa, nên tục ngữ của người Việt có sự thay đổi vế sau để trở thành “lúa tốt vì phân”.

Trong thực tế cuộc sống, cách ăn mặc của một người có thể phản ánh thái độ của người đó với cuộc sống, ăn mặc tươm tất không chỉ là một kiểu tôn trọng người khác mà còn là một thái độ.

Ví dụ nhắc đến Steve Jobs, chúng ta nghĩ ngay tới hình ảnh một người đàn ông mặc áo len cổ lọ màu đen, cùng với quần jean. Mặc dù Jobs thanh minh rằng, thay vì cứ phải mất thời gian và công sức để suy nghĩ mặc thứ gì mỗi ngày, thì ông chọn đúng một kiểu quần áo giống nhau. Thực ra Jobs không đơn giản như vậy. Ý tưởng của Jobs là trang phục ông mặc phải phù hợp với hình ảnh của Apple. Các sản phẩm của Apple có đặc điểm là sự đơn giản, nên trang phục của Jobs cũng phản ánh đặc điểm này, đó là áo len cổ lọ màu đen với quần jean.

Russell đã nói: “Vẻ bề ngoài của một người là vẻ bề ngoài giá trị của con người. Nó che giấu cuộc sống kỉ luật tự giác của bạn và cuộc sống mà bạn đang theo đuổi – A person’s appearance is the appearance of a person’s value. It hides your self-disciplined life and the life you are pursuing”.

Y phục thường quyết định số phận.

Ăn mặc đẹp có thể giúp cải thiện sự tự tin, nâng cao hình ảnh, thể hiện rõ hơn sức mạnh và khả năng của một người, đồng thời giúp chúng ta dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống.

Giản dị khác với tuềnh toàng.

Cách ăn mặc của nhiều người không phải là giản dị, mà là quá ẩu, họ không chú ý tới hình ảnh của bản thân. Sự ẩu tả của họ làm cho người khác cảm thấy rằng họ không đủ chuyên nghiệp, điều này để lại ấn tượng không tốt, nó ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của họ.

Những người này thường bỏ lỡ cơ hội.

Shakespeare đã nói: “Quần áo là hình dáng bên ngoài của một con người người – Clothing is the appearance of a man”.

Ăn mặc vẫn chỉ là bề ngoài.

Tu ngoại hình, quan trọng nhất vẫn là thể chất, nếu một người có ngoại hình xấu xí và ốm yếu, thì những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ dần trôi xa khỏi người đó. Rất ít người được trời phú cho thân hình nổi bật. Còn lại đa số chúng ta, để có ngoại hình đẹp, không cách nào khác chúng ta phải có sự hiểu biết về sức khoẻ, thực hành lối sống lành mạnh và chăm chỉ luyện tập thể dục.

Làm thế nào để có sự hiểu biết về sức khoẻ?

Câu trả lời rất đơn giản, là hãy nghiêm túc đọc những bài viết của tôi trên Fanpage này, đặc biệt là hãy kiên nhẫn xem hết các chương trình trên kênh youtube “Bác sĩ Trần Văn Phúc Official”.

❷ 𝐏𝐡𝐚́𝐩 𝐭𝐮 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝐡𝐚𝐢 𝐥𝐚̀ “𝐭𝐮 𝐧𝐠𝐨̂𝐧 𝐯𝐚̀ 𝐭𝐮 𝐡𝐚̀𝐧𝐡”.

Ngoại hình đẹp, khí chất rạng rỡ và cách ăn mặc sang trọng, điều đó dễ dàng khiến người ta yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Nhưng sau tình yêu bất chợt, để mọi người có ở lại với mình lâu dài hay không, thì còn phụ thuộc nhiều hơn vào cách trò chuyện và lối ứng xử của bản thân.

Có người khiến người khác cảm thấy rất khó chịu khi ở cạnh họ, trong khi có người lại luôn khiến người khác cảm thấy như cục nam châm, cứ hút những người xung quanh vào mối quan hệ sâu hơn.

Lời nói và hành động của một người là tấm danh thiếp tốt nhất của người đó.

Tôi từng đọc một câu: “Think good, speak good and do good: a way of life – Suy nghĩ tích cực, nói lời hay, hành động tốt: đó là một pháp tu tuyệt vời”.

❸ 𝐏𝐡𝐚́𝐩 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝐛𝐚 𝐥𝐚̀ “𝐭𝐮 𝐤𝐡𝐢́ 𝐜𝐡𝐚̂́𝐭”.

Mọi người vẫn nói: “Mất bình tĩnh là bản năng, kiểm soát cảm xúc là một khả năng – Losing temper is an instinct; Controlling emotions is an ability”.

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn gặp phải những người mình không thích và những thứ mình không muốn. Một số người dễ dàng bị nổi nóng. Ngọn lửa bắt đầu từ trái tim, sự tức giận dâng lên trong lòng, nó đi kèm với những thay đổi về sinh lí, sinh học. Trong cơn tức giận, hormone tuyến thượng thận adrenaline và noradrenaline tăng đột ngột, làm cho nhịp tim và huyết áp cũng tăng dữ dội.

Những người mạnh mẽ họ kiểm soát rất tốt.

Bởi họ hiểu rằng, nóng nảy quá mức không giúp ích gì trong việc giải quyết vấn đề, mà sẽ phản tác dụng với cơ thể. Những lời nói, hành động và việc làm khi tức giận thường khiến người ta phải hối hận sau khi thức tỉnh, lúc đó đã quá muộn.

Thực tế cho thấy, nếu chúng ta không chịu được người khác, thì không có đủ lòng bao dung. Tính khí nóng nảy rất dễ trở thành nạn nhân của những cảm xúc xấu. Chỉ khi học cách rèn luyện tính nóng nảy, chúng ta mới có thể gặt hái được nhiều phước lành.

❹ 𝐏𝐡𝐚́𝐩 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝐭𝐮̛ 𝐥𝐚̀ “𝐭𝐮 𝐧𝐡𝐚̂𝐧 𝐜𝐚́𝐜𝐡”.

Khi bước đi trên thế giới, chân thành và tử tế, đó là tấm hộ chiếu tốt nhất của một con người.

Một kẻ có tài năng xuất chúng, nhưng lại bị hạnh kiểm xấu, sẽ chỉ thành công nhất thời và có nguy cơ mất mạng mãi mãi. Chỉ bằng sự trung thực và tử tế, chúng ta mới có thể tiến về phía trước, tiến vững chắc và an toàn.

Tài năng tạo nên sự khác biệt.
Nhân cách mới tạo nên cuộc đời.

Cây sợ rỗng, con người sợ không có tâm căn, nhân cách xấu là thảm hoạ cho chính mình, thảm hoạ cho người thân và xã hội.

Người ta thường nói đánh giá một người bắt đầu từ ngoại hình, tài năng và lòng trung thành với nhân cách.

Khi bước đi trên thế giới, nhân cách cao đẹp, đó là tấm hộ chiếu tốt nhất của một con người.

Ngược lại, người có hạnh kiểm xấu có thể thành công nhất thời, nhưng sẽ mất mạng mãi mãi. Chỉ khi chúng ta trung thực và tử tế trong cuộc sống, thì mới có thể tiến về phía trước một cách vững chắc và an toàn.

Người có nhân cách tốt sẽ không bao giờ chạy theo đám đông, không làm theo những điều người khác xui khiến, mà họ luôn giữ tấm lòng chân thật của mình, làm người có trách nhiệm, hành động theo trí tuệ và trái tim của họ mách bảo.

❺ 𝐏𝐡𝐚́𝐩 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝐧𝐚̆𝐦 𝐥𝐚̀ “𝐭𝐮 𝐭𝐚̂𝐦 𝐭𝐡𝐚́𝐢”.

Người xưa có câu: “Cảnh do tâm tạo – Vật do tâm chuyển – Phiền não do tâm sinh”.

Con người ai cũng có trái tim, trái tim ấy không phải để đau khổ, mà để cảm nhận cuộc sống. Muốn có một cuộc sống ung dung tự tại, chúng ta phải học cách trau dồi tâm thái, nếu tâm đầy mây mù thì khắp nơi sẽ có đau khổ, nếu tâm trong sáng thì bầu trời khắp nơi sẽ có cảnh sắc. Mọi thứ thường không khiến con người choáng ngợp. Điều khiến chúng ta choáng ngợp nhất chính là cảm xúc. Nếu tâm thái tốt thì mọi việc sẽ được giải quyết một cách tự nhiên, nếu tâm trạng không tốt thì mọi việc sẽ được xử lí kém.

Giữ tâm thái là cực kì quan trọng.

Khi gặp mất mát hãy bình tĩnh mỉm cười, khi gặp nghịch cảnh hãy bình tĩnh đón nhận, thận trọng với những việc được và mất. Điều gì chúng ta nhận được là một phước lành, những gì không nhận được chỉ là một đám mây, là cơn gió nhẹ thoảng qua. Hãy để tâm thái lạc quan về mọi thứ, khi đó sẽ không có ngọn núi nào mà chúng ta không thể leo lên được.

Cuộc đời quá ngắn ngủi, sẽ là thảm hoạ nếu cuộc sống làm mất đi tâm thái của mình, dù phía trước có tối đến thế nào thì hãy thắp một ngọn đèn trái tim, khi ấy mọi thứ sẽ chợt trở nên sáng rõ hơn.

Sự ổn định tâm thái của một người thực sự quý giá hơn bất cứ điều gì khác!

❻ 𝐏𝐡𝐚́𝐩 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝐬𝐚́𝐮 𝐥𝐚̀ “𝐭𝐮 𝐭𝐚̂𝐦 𝐡𝐨̂̀𝐧”.

Mức độ tu cao nhất của một người là tu luyện tâm hồn.

Tu tâm hồn thực chất là tu luyện sức khỏe thể chất và sức khoẻ tinh thần! Khi đã đạt tới cảnh giới, sẽ không bị bận tâm bởi tất cả những vấn đề tầm thường của thế giới.

Hiểu các quy tắc, quy luật và nguyên tắc của tự nhiên,

Với cái tâm đúng đắn, cái nhìn đúng đắn về cuộc sống với những kiến thức đúng đắn và những giải pháp đúng đắn! Lời nói và việc làm đúng đắn!

Hiểu biết mà không oán giận, bao dung và tha thứ mọi lỗi lầm, tâm hồn rộng mở và tu dưỡng!

Thái độ lạc quan và tích cực với cuộc sống!

Hãy tuân theo niềm tin về công lý tự nhiên và sống một cuộc sống phi thường, độc đáo, tuyệt vời và lạc quan!

☸

 𝐓𝐫𝐨̛̉ 𝐭𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐭𝐮 𝐬𝐢̃ 𝐤𝐡𝐚́𝐜 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐭𝐫𝐨̛̉ 𝐭𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐯𝐢̣ 𝐏𝐡𝐚̣̂𝐭.

Câu chuyện những năm gần đây, hàng ngàn thậm chí hàng vạn người đi theo những ông sư mà thực sự chẳng phải là sư, nó bộc lộ một hiện tượng phổ biến trong xã hội VN, đó là với rất nhiều người, chất lượng văn hóa tương đối thấp và khả năng tồn tại xã hội tương đối kém. Tất nhiên, điều này không đáng xấu hổ, vì đó chỉ là điều hiển nhiên trong cuộc sống. Một vấn đề nữa là, nhiều người rất muốn đi tu, thậm chí có những người muốn dấn thân vào con đường tu hành để trở thành một vị Phật, nhưng ngoài việc đi chùa hàng ngày hoặc thỉnh thoảng, họ không biết phải tu cái gì, nói thẳng ra là họ chỉ biết ăn rồi chờ ngày đến cõi Niết bàn. Vì thế mà, một số vị tu hành thực chất chỉ là đi xin ăn cho qua ngày, họ có thể chỉ đơn giản là ăn xin miếng cơm hay mẩu bánh mì, hay ăn xin hàng triệu hàng tỉ bạc, bản chất là ăn xin nhưng họ đang nhầm tưởng mình đi theo con đường Niết bàn, nhầm tưởng mình thấu hiểu sự trống rỗng của tâm trí, thực chất họ đang thực hành một cách duy nhất là cố gắng pha loãng những ham muốn của mình trước đồng tiền.

Tu hành, đúng như tên gọi, là về thực hành.

Một khi đã theo con đường tu hành, thì đừng bắt chước lời giảng của người khác về Pháp, mà hãy thực hành theo những Pháp để có được sự giác ngộ.

Mỗi chúng ta dù ở nhà hay đi tu, thì con đường đều được thực hiện từng bước một, phải có căn cơ bài bản.

Nếu không sẽ trở thành tu hú./.

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *