Tổng hợp

CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG GIỐNG NHƯ CÁI THƯỚC

𝐌𝐨̂̃𝐢 𝐜𝐚̣̆𝐩 𝐯𝐨̛̣ 𝐜𝐡𝐨̂̀𝐧𝐠 𝐡𝐚̃𝐲 𝐜𝐡𝐮́ 𝐲́: 𝐦𝐮𝐨̂́𝐧 𝐡𝐚̣𝐧𝐡 𝐩𝐡𝐮́𝐜 𝐭𝐡𝐢̀ 𝐧𝐞̂𝐧 𝐠𝐢𝐮̛̃ 𝐤𝐡𝐨𝐚̉𝐧𝐠 𝐜𝐚́𝐜𝐡 𝐯𝐮̛̀𝐚 𝐩𝐡𝐚̉𝐢, 𝐯𝐢̀ 𝐠𝐚̂̀𝐧 𝐪𝐮𝐚́ 𝐭𝐡𝐢̀ 𝐜𝐡𝐚́𝐧 𝐜𝐨̀𝐧 𝐱𝐚 𝐪𝐮𝐚́ 𝐭𝐡𝐢̀ 𝐧𝐠𝐮𝐲!

Gần đây, Facebook chia sẻ một thời khoá biểu “đánh vợ”, theo đó ngày chẵn cô vợ bị đánh “trận nặng” còn ngày lẻ “trận nhẹ”, chỉ duy nhất Chủ nhật là “được tha”.

Tôi thấy nhiều gia đình sống địa ngục như thế!

Tôi đồng ý rằng, ai đó viết cái “lịch đánh vợ” đăng lên Facebook như vậy chỉ là trò đùa, nhưng tôi đã chứng kiến không ít cặp đôi người ngoài nhìn vào tưởng rất hạnh phúc, trong khi ông chồng cơm ăn có bữa chứ đánh vợ thì chẳng bữa nào, nó còn tệ hơn cả “lịch đánh vợ” đang chia sẻ tràn lan kia.

Nhiều người hỏi tôi: hôn nhân là gì?

Hôn nhân là kết quả của tình yêu, mà tình yêu thì như một hồ nước mát lịm giữ sa mạc khát khô, nó thu hút tất cả mọi người không ngừng tìm kiếm và theo đuổi, cho dù tình yêu và hôn nhân luôn kèm theo những đau khổ, luôn gặp phải những giông bão thử thách, nhưng nó mang ý nghĩa tốt đẹp nhất mà không mấy ai có thể bỏ qua.

Sở dĩ hai người yêu nhau quyết định kết hôn, quyết định gắn chặt tương lai với nhau, là vì cả hai đều tin người kia là cái nửa định mệnh hoàn hảo nhất cuộc đời mình, nên cả hai cùng khao khát đồng hành đến hết cuộc đời.

Nhưng khi kết hôn thì lại khác.

Ngay sau khi kết hôn, những điều tốt đẹp trước đó sẽ dần biến mất, cả hai đều bộc lộ bộ mặt thật của mình khi ở cùng nhau, trong điều kiện rất bình thường, không còn son phấn, không đeo khẩu trang, quần áo cũ và nhàu, nói chuyện thoải mái, vô tư ngồi ngủ, ngáy to trong khi ngủ, lười vệ sinh cá nhân, lười tắm rửa, lười giặt giũ, ngoáy mũi, xỉa răng cành cạch sau ăn, miệng hôi nách hôi, đi vệ sinh quên không xả nước và quên đậy nắp bồn cầu, thỉnh thoảng xì hơi thối um khắp nhà.

Tất cả những gì người này nhìn thấy, đó là khuyết điểm của người kia, cho dù người kia có làm gì cũng đều ngứa mắt, người kia có cố gắng đến thế nào cũng vẫn sai trái, cuộc sống tẻ nhạt và chán ngắt. Những câu thề non hẹn bể bỗng dưng tan biến. Thay vào đó là những tính toán, xem ai được lợi nhiều hơn, vợ chồng không còn yêu nhau và hiểu nhau như xưa, khoảng cách vợ chồng ngày càng xa.

Hôn nhân là một hành trình cùng nhau, nó khiến hai người ở bên nhau cảm thấy thú vị hơn là ở một mình, nhưng sau tất cả những điều thú vị thì vẫn gặp phải rất nhiều vấn đề nhưng cả hai đều có thể giải quyết tốt. Mọi cuộc hôn nhân, nếu chỉ nhìn từ bên ngoài thì luôn hạnh phúc, nhưng khi nhìn kĩ từ bên trong thì đang có rất nhiều uẩn khúc. Nói cho đúng, thì chẳng có cuộc hôn nhân nào là ngọt ngào cả, mà chỉ có những cuộc hôn nhân hai vợ chồng đều phải cố gắng bù trừ cho nhau, thì mới sống được với nhau.

Triết gia Hippolyte Adolphe Taine từng định nghĩa hôn nhân là: “tìm hiểu nhau trong ba tuần, yêu nhau trong ba tháng, cãi trong ba năm, chấp nhận nhau trong ba mươi năm, rồi sau đó con cái bắt đầu lặp lại”.

Trong một gia đình, vợ chồng vừa là mối quan hệ rất thân thiết nhất, vừa là mối quan hệ tẻ nhạt nhất. Bởi trên thực tế, trong các mối quan hệ của một gia đình cụ thể, thì chỉ duy nhất vợ chồng là mối quan hệ không cùng huyết thống. Ngược lại, bố mẹ với con cái, hay anh chị em ruột với nhau, nếu xét quan hệ của người này với người kia, thì đều cùng huyết thống nên có sự gắn bó khăng khít, dễ bỏ qua và dễ chấp nhận những nhược điểm của nhau. Nhưng vợ chồng thì khác. Bởi vợ chồng không cùng huyết thống, nên hoà hợp nhau thì yêu thương chia sẻ vui buồn, không hoà hợp thì trở thành xa lạ, xa lạ đến mức sẵn sàng li dị và chẳng bao giờ thèm nhìn mặt nhau.

👉

 𝐓𝐚̂𝐦 𝐥𝐢́ 𝐡𝐨̣𝐜 đ𝐚̃ 𝐜𝐡𝐢̉ 𝐫𝐚 𝐫𝐚̆̀𝐧𝐠, 𝐯𝐨̛̣ 𝐜𝐡𝐨̂̀𝐧𝐠 𝐦𝐮𝐨̂́𝐧 𝐡𝐚̣𝐧𝐡 𝐩𝐡𝐮́𝐜 𝐭𝐡𝐢̀ 𝐧𝐞̂𝐧 𝐠𝐢𝐮̛̃ 𝐤𝐡𝐨𝐚̉𝐧𝐠 𝐜𝐚́𝐜𝐡 𝐯𝐮̛̀𝐚 𝐩𝐡𝐚̉𝐢, 𝐯𝐢̀ 𝐠𝐚̂̀𝐧 𝐪𝐮𝐚́ 𝐭𝐡𝐢̀ 𝐜𝐡𝐚́𝐧 𝐜𝐨̀𝐧 𝐱𝐚 𝐪𝐮𝐚́ 𝐭𝐡𝐢̀ 𝐧𝐠𝐮𝐲!

Cuộc sống vợ chồng cũng giống như một cái thước.

Để có được hạnh phúc thì phải biết đo lường, nếu xa quá thì mối quan hệ vợ chồng sẽ nhạt phai, gần quá sẽ nảy sinh đầy rẫy những bất bình và oán giận.

Khoảng cách vợ chồng cũng giống như khuôn mặt.

Khuôn mặt quá xa sẽ chẳng nhìn thấy gì, xa vừa thấy mờ mờ ảo ảo nên rất đẹp, nhưng nếu quá gần thì mọi khuyết điểm hiện lên rõ ràng.

Tôi nói “gần” và “xa”, là cách nói ẩn dụ, chứ không đơn thuần là khoảng cách từ điểm A đến điểm B, mà là khoảng cách từ trái tim đến trái tim. Với một cặp vợ chồng, nếu trái tim quá xa nhau thì sẽ lạnh nhạt và thất vọng, quá gần thì sẽ tạo gánh nặng cho nhau và rất mệt mỏi.

Vì thế mới có câu nói: “cự li sản sinh mĩ – distance produces beauty – khoảng cách tạo nên vẻ đẹp”. Sự hoà hợp giữa hai vợ chồng là một khoa học, khoa học đó chính là giữ khoảng cách, để làm tốt việc giữ khoẳng cách chưa bao giờ là dễ dàng, nên mỗi cặp vợ chồng phải học giữ khoảng cách.

Hôn nhân chỉ hoàn hảo khi vợ mù chồng điếc!

Nhiều người nói vui như vậy, nhưng bản chất câu nói ấy là giữ khoảng cách, có những thứ nhìn thấy là hỏng, có những điều nói ra là không thể chấp nhận. Vợ chồng chỉ cần duy trì khoảng cách sẽ không bao giờ chán nhau. Hãy thử làm một thí nghiệm nhỏ sẽ thấy rõ điều này. Chỉ cần lấy hai thanh củi khô, chập chúng lại một, rồi đổ cho ngấm nước vào một vài đoạn trên thanh củi. Thế rồi châm lửa đốt. Nếu để hai thanh củi xa nhau, thì đến đoạn củi ướt, cả hai sẽ tắt mặc dù không tắt cùng nhau. Cũng như vậy chập hai thanh củi lại cũng chỉ cháy được đoạn đầu rồi tắt. Nhưng nếu để hai thanh củi không quá xa, cũng không quá gần, thì ngọn lửa ở thanh củi này sưởi ấm được thanh củi kia, cả hai cùng cháy hết thành tro tàn rồi trở về cát bụi.

Khoảng cách vợ chồng cũng giống hai thanh củi vậy, chỉ duy trì khoảng cách hợp lí, thì mới hạnh phúc đến khi đầu bạc răng long.

👉

 𝐆𝐢𝐚𝐨 𝐭𝐢𝐞̂́𝐩 𝐥𝐚̀ 𝐡𝐢̀𝐧𝐡 𝐭𝐡𝐮̛́𝐜 𝐠𝐢𝐮̛̃ 𝐤𝐡𝐨𝐚̉𝐧𝐠 𝐜𝐚́𝐜𝐡 𝐭𝐨̂́𝐭 𝐧𝐡𝐚̂́𝐭.

Tôi để ý và thấy rằng, nhiều cặp vợ chồng trở nên lạnh nhạt rồi xa lạ với nhau, là bởi họ chỉ xây tường chứ không xây cầu. Khi vợ chồng có khoảng cách, mà lại xây bức tường chắn giữa, thì chắc chắn sẽ bị xa nhau. Ngôn ngữ là cầu nối quan trọng nhất giữa hai người. Tôi có một anh bạn bị vợ bỏ. Lí do cô vợ đưa ra là anh chồng không yêu và không tôn trọng mình. Người bạn bối rối nói với tôi rằng, anh rất yêu vợ, rất có tình cảm với vợ, điều đó đâu nhất thiết cứ phải nói thành lời. Tôi giải thích cho anh bạn hiểu, rằng cãi nhau cũng là ngôn ngữ cực kì quan trọng, chỉ khi trong cuộc cãi nhau người vợ nói ra điều suy nghĩ không tốt về chồng, thì người chồng mới biết để để chân thành lắng nghe và sửa chữa. Cho dù hai người có cùng cảm xúc yêu thương nhau, nhưng nếu không nói ra một cách chân thành bằng lời nói, thì người đối diện sẽ không thể nhận ra, hai người cứ dần dần xa cách.

Hôn nhân xung đột đáng sợ hơn hôn nhân thiếu tình yêu.

Xung đột ấy sẽ càng trở nên nguy hiểm, nếu như ít nhất một trong hai bên không chịu mở lời, bởi đối thoại bằng ngôn ngữ là cách tốt nhất để giải quyết xung đột. Không có vấn đề gì là không thể giải quyết bằng giao tiếp, mọi sự kết thúc của mọi vấn đề đều đến từ giao tiếp, điều này đặc biệt đúng với hôn nhân.

Yêu là phải nói đói là phải ăn!

Nếu trong hôn nhân, một trong hai người không còn muốn giao tiếp, thì hai người sẽ càng xa nhau. Hãy nhớ rằng, tình yêu là rất quan trọng, nhưng nói ra tình yêu của mình còn quan trọng hơn nhiều. Nếu tính theo Taine, vợ chồng phải chịu đựng nhau trong suốt 30 năm, tức là hơn một vạn ngày, nghĩa là vợ chồng đang sống từng ngày trong sự chịu đựng với hàng vạn lần. Và ngược lại, nếu vợ chồng rất yêu thương nhau, thì cả hai đang sống trong một tình yêu kéo dài hàng vạn ngày.

👉

 𝐋𝐮́𝐜 𝐦𝐨̛́𝐢 𝐲𝐞̂𝐮 𝐧𝐡𝐚𝐮 đ𝐨̂𝐢 𝐦𝐚̆́𝐭 𝐩𝐡𝐚̉𝐢 𝐦𝐨̛̉ 𝐭𝐨, 𝐬𝐚𝐮 𝐤𝐡𝐢 𝐤𝐞̂́𝐭 𝐡𝐨̂𝐧 𝐭𝐡𝐢̀ đ𝐨̂𝐢 𝐦𝐚̆́𝐭 𝐩𝐡𝐚̉𝐢 𝐧𝐡𝐚̆́𝐦 𝐥𝐚̣𝐢 𝐢́𝐭 𝐧𝐡𝐚̂́𝐭 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐧𝐮̛̉𝐚, đ𝐚̂́𝐲 𝐜𝐮̃𝐧𝐠 𝐥𝐚̀ 𝐩𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐮̛́𝐜 𝐭𝐚̣𝐨 𝐧𝐞̂𝐧 𝐤𝐡𝐨𝐚̉𝐧𝐠 𝐜𝐚́𝐜𝐡 𝐠𝐢𝐮́𝐩 𝐭𝐢̀𝐧𝐡 𝐲𝐞̂𝐮 𝐦𝐨̛́𝐢 𝐛𝐞̂̀𝐧 𝐜𝐡𝐚̣̆𝐭.

Hãy nhớ rằng, hôn nhân là sự kết tủa của tình yêu, ai đúng ai sai không quan trọng, điều quan trọng là biết tiến biết lùi. Vợ chồng muốn có được hạnh phúc, thì hãy bao dung lỗi lầm của nhau bằng cách giả mù, giả điếc, giả ngu. Nhiều cặp đôi rất sai lầm khi nghĩ rằng, yêu là phải hiểu mọi chân tơ kẽ tóc về nhau, nên cứ mở to đôi mắt để nhìn thấy tất cả những điều tốt đẹp cũng như những thói hư tật xấu của nhau, vợ chồng như vậy thì từ li thân đến li dị sẽ là quãng đường rất ngắn.

👉

 𝐊𝐡𝐨𝐚̉𝐧𝐠 𝐜𝐚́𝐜𝐡 𝐯𝐨̛̣ 𝐜𝐡𝐨̂̀𝐧𝐠 đ𝐨́ 𝐜𝐡𝐢́𝐧𝐡 𝐥𝐚̀ 𝐧𝐠𝐡𝐢 𝐥𝐞̂̃, 𝐛𝐨̛̉𝐢 𝐧𝐞̂́𝐮 𝐡𝐨̂𝐧 𝐧𝐡𝐚̂𝐧 𝐥𝐚̀ 𝐧𝐚̂́𝐦 𝐦𝐨̂̀ 𝐜𝐮̉𝐚 𝐭𝐢̀𝐧𝐡 𝐲𝐞̂𝐮, 𝐭𝐡𝐢̀ 𝐤𝐞̉ 𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐪𝐮𝐲𝐞̂́𝐭 đ𝐨́ 𝐜𝐡𝐢́𝐧𝐡 𝐥𝐚̀ 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐜 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐮̛̣𝐜 𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐧𝐠𝐡𝐢 𝐥𝐞̂̃ 𝐠𝐢𝐮̛̃𝐚 𝐡𝐚𝐢 𝐯𝐨̛̣ 𝐜𝐡𝐨̂̀𝐧𝐠.

Một trường hợp khác mà tôi biết cũng bị vợ bỏ, bởi đúng ngày cưới, vợ muốn tổ chức bữa cơm thân mật để mời vài người bạn thân, nhưng anh lại tỏ ra khó chịu, rồi nhận lời đi ăn với người khác. Cô vợ đã thực sự thất vọng về điều này. Khi cô vợ đâm đơn ra toà, thì người chồng hoảng quá mới giải thích rằng xưa nay anh không muốn quan tâm đến những ngày ấy. Và dù không quan tâm, nhưng để vợ vui thì năm nào anh cũng vẫn tổ chức bữa ăn với gia đình, việc tổ chức như vậy thực ra chỉ giống như một thói quen. Điều anh quan tâm là tình yêu dành cho vợ, chứ không phải lễ nghi giữa hai vợ chồng, mà việc tổ chức kỉ niệm ngày cưới với anh đó chỉ là lễ nghi, nó như hai người đang có khoảng cách với nhau vậy.

Thực tế lễ nghi là khoảng cách cực kì quan trọng.

Ý thức về lễ nghi, đó là điều làm cho một ngày như ngày cưới trở nên khác biệt với những ngày khác, khoảnh khắc hai vợ chồng tổ kỉ niệm nó khác với những khoảnh khắc khác.

Trong hôn nhân, ý nghĩa của lễ nghi không phải chỉ như là chiếc áo cưới khoác lên người cô dâu, mà nó thực sự là điều không thể thiếu. Rõ ràng, việc anh chồng tổ chức những bữa liên hoan kỉ niệm ngày cưới, nhưng không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, thì đó chỉ là hình thức rất hời hợt, chứ hoàn toàn không phải là lễ nghi.

Không lễ nghi thì cầu nối vợ chồng sẽ ngày càng suy giảm.

Lễ nghi có thể là kỉ niệm ngày yêu nhau, kỉ niệm ngày cưới, kỉ niệm ngày sinh nhật, hay một khoảnh khắc nào đáng nhớ nhất giữa hai người. Lễ nghi có thể rất đơn giản, là trước khi người chồng ra khỏi nhà đến choàng tay ôm vợ, rồi đặt lên môi nụ hôn. Lễ nghi là khi vợ qua đường, chồng dắt tay và đi phía bên nguy hiểm, để bảo vệ sự an toàn cho vợ. Lễ nghi có thể chỉ rất đơn giản, đó là mỗi tối trước khi đi ngủ, vợ thì thào vào tai chồng với lời chúc ngủ ngon.

Một trong những lí do cuộc hôn nhân tan vỡ, đó là sự thiếu lễ nghi dành cho nhau, dẫn tới cảm giác tình yêu giữa hai người đã bị cuộc sống và thời gian bào mòn, không còn sự hấp dẫn, không đam mê nhau, không có sự lãng mạn.

Hãy nhớ rằng, đừng nghĩ vợ chồng đã quá gần gũi và hiểu hết về nhau, thì không cần những hành động tưởng chừng chỉ có ở những đứa trẻ mới đang yêu, nghi lễ chính là lực hút và nếu không có nó thì chính là lực đẩy làm cho vợ chồng xa lìa nhau./.

Trần Văn Phúc

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *