Văn hóa xã hội

Tết này lại nhớ Tết xưa…

Đ𝐚̃ 𝐪𝐮𝐚 đ𝐞̂𝐦 𝐠𝐢𝐚𝐨 𝐭𝐡𝐮̛̀𝐚, 𝐭𝐚̣𝐦 𝐛𝐢𝐞̣̂𝐭 𝐧𝐚̆𝐦 𝐜𝐮̃ 𝐯𝐚̀ 𝐤𝐡𝐨̛̉𝐢 đ𝐚̂̀𝐮 𝐧𝐚̆𝐦 𝐦𝐨̛́𝐢 𝐛𝐚̆̀𝐧𝐠 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐧𝐠𝐚̀𝐲 𝐦𝐨̛́𝐢, 𝐧𝐠𝐚̀𝐲 𝐦𝐮̀𝐧𝐠 𝟏 𝐓𝐞̂́𝐭 𝐜𝐮̛̣𝐜 𝐤𝐢̀ 𝐪𝐮𝐚𝐧 𝐭𝐫𝐨̣𝐧𝐠 đ𝐨̂́𝐢 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭, 𝐭𝐚̂́𝐭 𝐜𝐚̉ 𝐦𝐨̣𝐢 đ𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐭𝐨̂́𝐭 đ𝐞̣𝐩 𝐛𝐚̆́𝐭 đ𝐚̂̀𝐮.

Mùng 1 Tết năm nay tôi dậy sớm khai bút.

Với tôi, 365 ngày trong năm thì tôi thích ngày 30 Tết hơn cả, bởi ngày 30 Tết là ngày tất niên đáng hi vọng nhất, mỗi giây trôi qua của ngày này đều vô cùng gần gũi với sự xuất hiện của một năm mới, với bao nhiêu ước mơ và bao nhiêu niềm hi vọng mới. Nó giống như đêm trước chiến thắng, như ánh sáng le lói trước bình minh, mang đến cho con người cảm giác tự tin, vững chắc, đặc biệt là niềm hạnh phúc vô bờ.

Những năm tháng tuổi thơ của tôi, ngày 30 Tết có quá nhiều hoạt động dân gian về văn hóa truyền thống được đưa vào cuộc sống, nó khiến tôi cũng như tất cả mọi người cảm nhận được trọn vẹn nét quyến rũ và phong phú của nền văn hoá Việt. Ngày cuối năm bao giờ cũng vậy, những nghi lễ truyền thống tạo nên cảm giác thăng hoa tình cảm mà con người đã tích luỹ suốt cả một năm trời, để cuối cùng đưa họ trở về với hơi ấm đoàn tụ gia đình. Sức hấp dẫn của 30 Tết vô cùng lớn. Tôi nhận thấy lực hấp dẫn này, cuối cùng hội tụ thành sự gắn kết không chỉ gia đình hay dòng họ, mà nó vượt lên tất cả để trở thành sức mạnh đoàn kết dân tộc, cho phép nền văn hoá Việt trường tồn để vượt qua tất cả những khó khăn, đặc biệt trong những công cuộc chống ngoại xâm kéo dài hàng ngàn năm để bảo vệ tổ quốc Việt Nam, giành lại độc lập, tự do, mang lại nền hoà bình cho thế hệ chúng tôi bây giờ.

Đ𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐩𝐡𝐨̂́ 𝐜𝐡𝐢𝐞̂̀𝐮 𝟑𝟎 𝐓𝐞̂́𝐭 𝐢𝐦 𝐥𝐚̣̆𝐧𝐠…

Nhà tôi đang ở thuộc khu đô thị mới, có thể coi là một trong những nơi phồn hoa nhất Thủ đô Hà Nội, với quy hoạch hiện đại và đường phố rộng rãi. Nhưng bất kì ngày thường nào, trên mọi cung đường là những đám đông chen lấn nhau, xe cộ di chuyển chậm chạp như đàn trâu bò đủng đỉnh trở về nhà lúc xế chiều, đủ thứ tiếng ồn ào khiến tai tôi lúc nào cũng muốn ù đi.

Chỉ đến chiều 30 Tết, những ồn ào, náo nhiệt mới thực sự lắng xuống. Tất cả những cửa hàng cửa hiệu đều khoá ngoài im ỉm. Những chợ cóc, chợ tạm, hay chợ truyền thống sầm uất đều lau chùi sạch sẽ, cửa đóng then cài. Khoảng 3 giờ chiều tôi ra phố, thỉnh thoảng có chiếc ô tô chạy qua, xe máy và người đi bộ cũng gần như tuyệt chủng. Tôi đã quen với sự hối hả lộn xộn của ngày thường, nên khi đứng trên con đường vắng, tự dưng cảm thấy lạ lẫm và như đang ở trong mơ.

Tôi đặc biệt thích cảm giác này.

Khi con trai tôi lớn một chút, chiều 30 Tết con xin phép đến nhà bạn, lúc về hào hứng kể với tôi rằng ngoài đường cực kì yên tĩnh, chẳng có ai. Thấy con quá hứng thú nên tôi giả vờ ngạc nhiên như không biết. Điều đó làm cho con cảm giác như phát hiện điều gì đó quan trọng, rồi con trịnh trọng kể cho tôi đi đường như thế nào, gặp và thấy những gì.

Tôi rất hiểu cảm giác của con.

Bởi 6 năm đầu về Hà Nội học đại học, tôi luôn phải trực Tết, trực kiểu “giã giò”, tức là trực một ngày 24 tiếng rồi ngủ một ngày để lại trực tiếp cho hết Tết. Tất cả các chiều 30 Tết và các đêm giao thừa, Hà Nội khi đó rất yên tĩnh, đường phố gần như không có bóng người. Không biết tự khi nào, sự yên tĩnh dành riêng cho ngày cuối năm dần bị phá vỡ, ngày càng nhiều các hoạt động kinh doanh với giá cắt cổ. Chiều 26 Tết tôi đi rửa xe giá 300 ngàn, chiều 28 đã lên tới 500 và phả chờ đợi cả tiếng mới đến lượt, cho đến chiều 30 muốn rửa xe giá tận trên trời. Đêm giao thừa, các cung đường hướng về Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ đông nghẹt, tại đó người người chen chân, giá một que kem với chỗ ngồi đẹp là 1,8 triệu đồng. Tôi hiểu đây là quy luật phổ quát của hoạt động kinh tế, là quyền tự do của con người, đặc biệt là giới trẻ hôm nay theo đuổi cuộc sống vật chất, thì sự đông đúc và đắt đỏ cũng là lẽ thường tình.

Nhưng đối với tôi, đó là sự tiếc nuối, tiếc nuối về những kỉ niệm và nỗi khao khát một quá khứ thuần khiết, quá nhiều thứ đã qua đi và không bao giờ có thể quay trở lại.

𝐓𝐞̂́𝐭 𝐛𝐚̂𝐲 𝐠𝐢𝐨̛̀ 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐜𝐨̀𝐧 𝐭𝐮̣𝐜 𝐝𝐚́𝐧 𝐜𝐚̂𝐮 đ𝐨̂́𝐢 𝐱𝐮𝐚̂𝐧.

Ở những ngôi làng cổ như làng tôi, dán câu đối Tết là phong tục truyền thống cực kì quan trọng, được thực hiện trong ngày 30 Tết.

Buổi sáng thức dậy, bố đã giục anh trai và tôi, nhanh chóng đi lấy câu đối Tết. Vào thời điểm đó, tất cả câu đối viết bằng chữ Hán, trong làng chỉ có vài người viết được nên các gia đình phải đi xin chữ bắt đầu từ tháng Một. Câu đối cũng có thể mua ngoài chợ. Những gia đình không muốn đi xin chữ, cũng không muốn mua, họ cố gắng tự viết. Những câu đối tự viết luôn vụng về, nét chữ cong vẹo nguệch ngoạc, nhưng đó cũng là câu đối Tết, khiến mọi người mỉm cười vui vẻ mà chẳng hề ảnh hưởng gì tới không khí Tết với lễ hội cát tường. Bây giờ nhiều người cũng mua câu đối và mua chữ về treo, họ mua ở Quốc Tử Giám hay ở các “phố ông đồ”, nhưng lại viết bằng chữ quốc ngữ như giun như rắn, nó chẳng ra làm sao.

Hai anh em tôi hì hụi lấy ra câu đối Tết, còn mẹ lấy ra cái xoong bột, xúc một thìa bột rồi đổ nước vào. Mẹ đặt xoong bột lên bếp lửa, dùng đũa khuấy liên tục, nếu không khuấy bột sẽ lắng xuống đáy nồi và bị cháy. Khi bột sôi, sủi bọt, trở nên sánh dính, đó là hồ sẵn sàng để dán câu đối.

Câu đối Tết có thể dán từ ngoài cổng, dán ở cửa ra vào, dán hai bên cột nhà, dán ở khu bàn thờ nếu như gia đình không có sẵn hoành phi câu đối.

Tôi luôn tìm chỗ bậc thềm bằng phẳng, thoáng đẹp và sạch sẽ, để trải câu đối và phết hồ. Câu đối Tết trên giấy mỏng, khi gặp hồ dán, sẽ mềm và dễ bị rách khi nhấc và dán, nếu bóc ra dán lại thì khả năng sẽ hỏng và rất xấu. Ví khó dán câu đối, nên anh trai chịu trách nhiệm dán, tôi đứng “chỉ huy”, bố giám sát việc làm của hai anh em để nếu sai sót kịp thời sửa. Tại sao lại phân công như vậy? Tại vì câu đối Tết được chia làm câu đối trên và câu đối dưới, cách dán phải tuân theo quy định, chứ không được dán ngẫu nhiên. Trước hết, vị trí của câu đối trên và câu đối dưới phải chính xác, nhìn từ ngoài vào thì phải trên trái dưới. Tiếp theo, phải phân ra đâu là dòng thứ nhất, đâu là dòng thứ hai, các âm đối theo quy luật bằng trắc. Tôi bập bẹ phân biệt được những điều đó. Khi phết hồ xong, anh trai dùng hai tay nhấc hai góc trên câu đối, rồi hỏi tôi “phải hay trái”? Tôi nhìn vào câu đối và nói “bên tay trái của anh”. Rồi tiếp, câu đối dán bên phải, anh tôi sẽ hỏi “lên hay xuống”, tôi nói “xuống tí nữa xuống tí nữa”.

Bố nhìn tôi rất mãn nguyện.

Với tôi, niềm vui chỉ huy dán câu đối trong những năm tháng tuổi ấu thơ, nó nhỏ thôi, nhưng chẳng khác gì một người chỉ huy trong những sự việc lớn lao, tôi chẳng bao giờ quên những cảm giác hạnh phúc như thế.

Ngoài câu đối, chúng tôi còn dán các chữ, ví dụ chữ “phúc” là tên tôi, hay chữ “phúc đáo” ý là điềm lành đã đến, hoặc “xuân đáo” tức là mùa xuân đã đến. Một số những dòng chữ cũng hay được dán, ví dụ như “xuất môn hiện hỉ”, tức là vừa ra cửa đã gặp niềm vui.

𝐓𝐚̆́𝐦 𝐭𝐚̂́𝐭 𝐧𝐢𝐞̂𝐧.

Người Việt luôn coi trọng các nghi lễ trước ngày lễ, đặc biệt là vệ sinh, nên trước Tết Nguyên đán người Việt bắt buộc phải “tẩy trần”. Tẩy trần có nghĩa là mỗi hộ gia đình phải lau chùi ban thờ, dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ. Tất cả giường chiếu, chăn màn, quần áo, đều giặt sạch và phơi khô. Cắt tóc cũng là một nghi lễ bắt buộc. Đặc biệt, chiều 30 Tết, bất kì người Việt nào cũng phải thực hiện nghi lễ tắm gội, gọi là “tắm tất niên”.

Miền Bắc 30 tháng Chạp lạnh thấu xương.

Chiều 30 Tết, mẹ tôi nấu một nồi nước gội đầu bằng bồ kết chanh sả, một nồi nước tắm lá mùi già.

Bồ kết là trái cây có tính xà phòng, quả thu hoạch vào tháng 10, mang phơi khô gác bếp. Đến khi dùng thì mang bồ kết ra nướng chín, cho vào nước đun sôi ngâm, rồi lấy tay vò quả để tạo ra nước xà phòng có màu vàng óng, cho thêm sả và chanh để tăng hương liệu. Nước bồ kết để mẹ, chị và hai em gái tôi gội đầu, còn tôi và anh trai cùng bố thì tắm gội bằng xà phòng 72.

Làng quê Bắc Bộ những năm thời bao cấp, mỗi gia đình có một giếng khơi hoặc bể chứa nước mưa, để phục vụ ăn uống tắm gội. Nhà tắm xây bằng gạch ngay bên cạnh. Nhà nghèo thì không xây mà xếp gạch quây gạch tạm bợ, đặt vài viên gạch dưới nền đất làm chỗ đứng, nghèo hơn nữa thì lấy cót, thậm chí lá chuối quây để cho đàn bà con gái lấy chỗ che thân.

Chiều 30 Tết sau khi thăm mộ về, bố kéo hai anh em tôi vào nhà tắm, nước nóng mẹ pha sẵn ra chậu thau đại làm bằng nhôm. Bố lột quần áo vắt lên bể. Tất nhiên là vẫn mặc quần đùi. Thời ấy ở quê, đàn ông khi tắm dù kín đáo nhưng vẫn mặc quần đùi, đàn bà mặc quần áo mỏng. Chỉ đến khi ra Hà Nội học trường y tôi mới biết trong nhà tắm tập thể tất cả đều cởi truồng. Bố lấy gáo dừa trên tường nhà tắm, múc nước dội từ đầu trở xuống, rồi kì cọ. Anh trai và tôi cũng làm theo. Tường nhà tắm không có chỗ để xà phòng, mọi người tự tìm chỗ thích hợp như bờ tường, hay đục một lỗ thủng. Vào thời điểm đó, hầu hết mọi người dùng nhãn hiệu “Xà phòng 72”, mua bằng tem phiếu mậu dịch. Sau khi xoa xà phòng lên đầu, rồi thoa lên mình, tóc và da sẽ khô cứng và không có mùi thơm cao cấp. Thực ra, xà phòng 72 là loại xà phòng lưu huỳnh, nên bánh xà phòng màu vàng lục, tắm xong chỉ có mùi khen khét. Nhưng đó là thứ rất quý hiếm. Nhiều khi hàng xóm hết xà phòng, chỉ cần xách quần chạy sang hỏi mượn của nhà khác, mọi người sẽ giúp đỡ nhau nhiệt tình, không ai nghĩ tới chuyện vệ sinh hay không. Loại tình huống này bây giờ không có khả năng xảy ra, không phải vì người ta keo kiệt, mà vì không có ai chạy sang hàng xóm hỏi mượn xà phòng để tắm gội. Con người ngày nay chú ý hơn đến vệ sinh cá nhân, lo lắng nguy cơ lây truyền bệnh tật và chú ý hơn đến quyền riêng tư cá nhân, nên không đi hỏi mượn xà phòng như vậy. Ở góc độ xã hội, thì đây là một sự tiến bộ, nhưng ở góc độ tình làng nghĩa xóm với ự tin tưởng và tương tác giữa mọi người, thì đây là sự thụt lùi.

Như tôi đã nói, Miền Bắc năm nào cũng vậy, chiều 30 Tết rét lạnh thấu xương, đêm 30 Tết tối đen như mực, tối hơn cả cái âm hộ chị Dậu nơi xó giường mà cụ Ngô Tất Tố miêu tả. Nước tắm không đủ nóng, dội lên người một lúc, nước bay hơi làm tôi rét run cầm cập, hai hàm răng đập vào nhau. Thảm hại nhất là cái quần đùi, ướt sũng nước, nơi đó rét sun cả lại. Tôi nhanh chóng bước ra khỏi nhà tắm. Bố hỏi sạch chưa? Tôi bảo sạch rồi! Bố kéo tay tôi lại, dùng tay xoa lưng tôi, một lớp ghét vẫn bong ra. Bố lại dội nước, tôi cố chồng tay vào tường nhà tắm, cúi xuống để bối dội và kì cọ. Tôi mím chặt môi lại, không phải vì rét, mà vì đau. Cơ thể tôi khi ấy, chỉ có da bọc xương, chỉ cần bố dùng lực mạnh một chút, hoặc chà sát vào xương sườn, thì tôi sẽ không chịu nổi.

Tắm xong bố bảo tôi vào nhà ngồi đợi.

Thời ấy làm gì có khăn tắm, quần áo đã mặc rồi thì không được phép lau vào người, quần áo sạch sẽ càng không được lau để tiết kiệm xà phòng giặt. Để không bị chết rét, tôi chỉ biết nhảy lên nhảy xuống, nhưng cái lạnh buốt thấu xương chiều 30 Tết làm cho tôi không thể nào quên sau mỗi lần tắm. Mặc quần áo xong, tôi chạy vội đến bàn uống nước, nơi có ấm trà nóng mẹ pha sẵn, được ủ kĩ trong giỏ. Tôi rót ra một chén, hai bàn tay nhỏ ôm lấy, hơi ấm bắt đầu lan toả, tôi áp chén trà lên môi và lên má, nhấp từng ngụm từng ngụm.

Trong lúc chờ đợi bữa cơm Tất niên, chúng tôi hoặc cùng bố mẹ làm việc, hoặc lấy bộ bài ra chơi. Anh em chúng tôi hay kể cả có người lại, chơi vui vẻ chứ không có hình phạt gì, không tranh giành cao thấp. Đây là khung cảnh giống đời sống nhất, mọi người đều thật lòng với nhau, đều cùng trút bỏ gánh nặng và áp lực. Lớn hơn một chút, chúng tôi mới biết đến tú lu khơ, nhưng trò chơi chính vẫn chỉ là “tiến lên”. Sau này chơi trò “ba cây” thì mới bắt đầu biết sử dụng hình phạt quỳ gối, rồi búng tai, sau đó là bôi nhọ nồi; nhưng sự thực trong gia đình tôi không bao giờ chơi những hình phạt này.

𝐆𝐢𝐮̛̃ 𝐥𝐮̛̉𝐚.

Tắm xong, tôi cảm thấy dễ chịu và khoan khoái, không thể nào tả được. Tôi mặc một bộ quần áo sạch sẽ, nhưng vẫn nóng lòng muốn được mặc bộ quần áo mới, nhưng mẹ xếp riêng và dặn tôi để mặc cho sáng mùng 1. Gọi là bộ quần áo mới, nhưng kì thực nhà tôi nghèo quá không có tiền mua, chỉ là bà ngoại chọn cho tôi một bộ tươm tất nhất để may vá lại. Ví dụ chiếc quần, bà sẽ khâu những chỗ đứt chỉ, bích kê lại miếng vá ở hai bên mông và hai đầu gối, vá những vết rách cho lành lặn. Bà tôi rất khéo tay, cẩn thận và tỉ mỉ, đường kim mũi chỉ của bà rất đẹp, bà lại chọn miếng vá khéo, nên tôi rất thích dù vẫn là bộ quần áo vá chằng vá đụp.

Trong lúc tôi vui với bộ quần áo mới, thì bố lo một công việc quan trọng khác, đó là giữ lửa. Đây là một phong tục. Bố nói với tôi rằng, đốt lửa ngoài sân vào đêm giao thừa trước hết là để ngăn chặn những yêu quái, sau là để đốt đi những xui xẻo trong năm, đặc biệt là để có được sự may mắn thịnh vượng trong năm mới.

Bố tìm những viên gạch vỡ, quây thành cái lò ở góc sân, dùng đất sét hoàng thổ trộn với rơm rồi trát vào khe mạch giữa các viên gạch. Bằng cách này, một bếp đơn giản được tạo ra. Bố lấy những thanh củi sẵn có, nhét chéo chúng vào bếp, rồi bẻ than bánh xếp lên trên, sau đó đốt lửa. Than bánh thực ra là than bùn Thái Nguyên, bố lấy bùn dưới ao, trộn với than theo tỉ lệ 1:3 rồi đóng bánh phơi khô. Bố tôi nhóm bếp rất tài. Chỉ cần vài tờ giấy dưới đáy, bố bật diêm châm lửa, rồi bố thổi bằng miệng mà không cần ống thổi, chẳng mấy chốc lửa đã bén đượm. Khi than đã cháy, ngọn lửa phía bên trên không còn, bố dùng que cời than chọc từ trên xuống, tôi nhìn thấy than bánh màu đỏ bên trong. Đừng lo bếp lụi tàn. Ngọn lửa này có thể cháy cho đến sáng, bố dùng đun nước uống, om nồi cá kho, mẹ nấu chè lam và chè kho, thậm chí còn làm cả món kẹo lạc cũng từ cái bếp này.

Và cứ thế, ngọn lửa trong cái bếp lò đơn sơ của bố tôi, nó cháy cho đến sáng, cháy hết ngày mùng 1 đầu tiên của năm mới. Năm nào cũng vậy, đêm 30 Tết rét lạnh thấu xương, cả gia đình tôi quây quần bên bếp lửa hồng, cùng nhau chờ đón giao thừa trong cái giá lạnh của mùa đông phương Bắc.

𝐁𝐮̛̃𝐚 𝐜𝐨̛𝐦 𝐭𝐚̂́𝐭 𝐧𝐢𝐞̂𝐧.

Có lẽ đây là bữa cơm mà tôi chờ đợi nhất trong năm, bởi nhà tôi quanh năm ăn ngô khoai sắn, thậm chí nhiều bữa ăn trừ rau lang, thậm chí chẳng có rau lang để ăn nên phải ăn rau sam rau má. Nhiều năm đói quá, bữa trưa 30 Tết chúng tôi vẫn phải ăn khoai ăn sắn, chỉ đến bữa cơm tất niên mới được ăn bánh chưng, ăn cơm trắng, thịt mỡ dưa hành, cá kho và thêm các món khác.

Đói vậy, nhưng thứ tôi mong mỏi nhất trong bữa cơm tất niên, lại là chương trình đó xuân của Đài Tiếng nói Việt Nam, chờ đợi nghe Chủ tịch nước chúc tết, ban đầu là bác Tôn Đức Thắng, sau này là bác Trường Chinh. Thời đó cả làng tôi mới có 1 cái tivi. Gia đình tôi chỉ có thể nghe đài radio. Tôi đan lát đủ thứ, mua được cái đài Sông Hồng cũ kĩ, chiết áp tậm tịt, ăng ten lúc bắt được lúc không. Lên cấp 2, tôi tự mày mò, lắp được cái đài bán dẫn “3 tụ – 3 bóng – 3 trở”, sau này có phong trào lắp đài bán dẫn. Điện nghe đài, tôi dùng những quả pin cối cũ phơi khô, rồi cho vào bình nước muối bão hoà, mắc nối tiếp để có nguồn điện vừa đủ chạy đài, lại có thể thắp sáng pun đèn 6 – 12 vôn. Vì thế, đêm giao thừa nhà tôi đầy ắp âm thanh vui vẻ, tràn ngập ánh sáng.

Gọi là bữa cơm tất niên, nhưng chúng tôi có rất nhiều việc phải làm, có rất nhiều niềm vui để thưởng thức. Tôi lấy ví dụ, như việc chuẩn bị pháo đốt, đây là công việc tôi luôn ưu tiên. Những năm tháng tuổi ấu thơ, tôi đạp xe về tận làng Bình Đà mua thuốc pháo, rồi cuộn thành những bánh pháo đủ cỡ. Pháo tôi nổ rất to, tiếng đanh và giòn, nên ai cũng thích. Tôi cuộn khá nhiều pháo, đóng thành bánh, rồi bán cho những người dân trong làng. Số pháo tôi giữ lại, thường là 6 bánh, dùng để đốt vào ngày 23 đi tảo mộ, chiều 30 trước bữa cơm tất niên, đêm giao thừa, sáng mùng 1, thêm hai ngày Tết sau đó, bánh cuối cùng đốt vào mùng 7 khi ăn tết lại. Công việc chuẩn bị đốt pháo rất vui, bữa cơm tất niên của gia đình tôi kéo dài từ tối cho đến tận giao thừa, không gì vui tả xiết bằng.

Khi tiếng chuông đồng hồ điểm năm mới vang lên, trong dạ tiệc mừng xuân, ngoài trời đã có một biển pháo. Bánh pháo của tôi treo ở cây mít trong sân, nơi gần cánh cổng, phía trê bánh pháo tôi làm chữ “vạn”, chiều dài bánh pháo tới gần ba mét, chấm sát đất. Tôi cầm một que củi, chọc vào bếp lửa đang bùng lên ở cuối sân, ánh sáng toả ra đỏ rực, giống như núi lửa đang phun trào. Tôi nhấc đầu bánh pháo lên, dí vào que lửa, ngòi nổ phát ra tiếng “xì” kéo dài. Tôi vội vàng ném que lửa xuống đất, hai tay bịt tai lại, rồi chạy vào nhà.

Tạch

Tạch… tạch…

Tạch… tạch… tạch…

Đùng….

Trong sân nhà tôi vang lên tiếng nổ giòn giã, ngọn lửa loé lên như tia chớp, khói pháo bốc lên khoan thẳng vào mũi. Tiếng pháo đủ các loại, từ hàng trăm hộ gia đình trong thôn, tạo thành một bản giao hưởng đẹp nhất của đất trời.

Đó là thời khắc 0:00:00

Trong tiếng pháo mừng năm mới, gia đình tôi quây quần bên đĩa chè lam, cắn hạt dưa, nghe tiếng pháo nổ gần xa và tiếng bác Tôn Đức Thắng chúc tết, bố mẹ và anh chị em chúng tôi bắt đầu chúc mừng năm mới.

🎆 𝙓𝙞𝙣 đ𝒖̛𝒐̛̣𝙘 𝙜𝒖̛̉𝙞 𝙡𝒐̛̀𝙞 𝙘𝙝𝒖́𝙘 𝙢𝒖̛̀𝙣𝙜 𝙣𝒂̆𝙢 𝙢𝒐̛́𝙞 đ𝒆̂́𝙣 𝙩𝒂̂́𝙩 𝙘𝒂̉ 𝙢𝒐̣𝙞 𝙣𝙜𝒖̛𝒐̛̀𝙞!

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *