Việt Kiều về nước chữa bệnh và than thở: Y tế Việt Nam thật tuyệt vời!
Ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn là một ngày trước đêm giao thừa, trong khi đội ngũ y bác sĩ của chúng tôi đang chiến đấu trên tuyến đầu lâm sàng, sau 24 giờ trực toàn thời gian họ đã hoàn thành vô số ca cấp cứu và rất nhiều những ca phẫu thuật khó, giờ này các đồng nghiệp của tôi đang viết báo cáo và chuẩn bị bàn giao tua trực, còn tôi may mắn được nghỉ ở nhà nên tranh thủ dậy sớm để viết đôi dòng tổng kết về y tế Việt Nam trong năm qua.
Năm 2024 là một năm phi thường.
Tất cả người dân, đặc biệt là bệnh nhân, đều có rất nhiều trải nghiệm khám bệnh và chăm sóc sức khoẻ trong năm nay. Hệ thống y tế của chúng tôi cũng đã học được rất nhiều điều trong năm nay. Năm nay, chúng tôi học được cách tiến về phía trước mạnh mẽ, tự chủ, tích cực và trân trọng mọi điều tốt đẹp. Năm Ất Tị đang tới, chuẩn bị cho một năm mới và một bầu không khí mới, tôi xin được chúc tất cả người dân về sức khoẻ và hạnh phúc, chúc các đồng nghiệp của tôi năm mới gặp nhiều may mắn và thành công hơn nữa!
Nhìn lại một năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của “đại dịch” thiếu thuốc và thiếu vật tư y tế từ những năm trước, nhưng đội ngũ y bác sĩ lâm sàng đã vượt qua tất cả thử thách, luôn duy trì động lực mạnh mẽ trong thực hành khám chữa bệnh, các đồng nghiệp cùng nắm tay nhau tiến lên phía trước.
Về ngoại khoa, đội ngũ phẫu thuật của chúng tôi đã tập trung vào các ca phẫu thuật khó, phương pháp phẫu thuật ưu tiên xâm lấn tối thiểu, phẫu thuật triệt căn, thời gian phục hồi nhanh. Để làm được như vậy, các bệnh viện phải đầu tư mạnh mẽ trang thiết bị và thuốc, thực hiện đa phương thức chẩn đoán, đặc biệt là áp dụng đa phương thức điều trị.
Tôi lấy ví dụ, một ca mổ diễn ra trong những ngày cuối năm, bệnh nhân bị ung thư xương chậu, các bác sĩ đã “trồng lại xương chậu – pelvic retransplantation” để điều trị triệt để ung thư xương cho bệnh nhân. Trưởng ê kíp phẫu thuật là Gs – Ts Trần Trung Dũng đã mô tả kĩ thuật đơn giản như thế này: “xương chậu của bệnh nhân được tháo nguyên vẹn ra khỏi cơ thể, xử lí Nito lỏng diệt hết tế bào ung thư, rồi đặt trở lại cơ thể người bệnh.” Để làm được điều đó, thì phải kiểm soát hàng chục cấu trúc giải phẫu phức tạp trong và ngoài ổ bụng, bảo tồn hệ thống các dây thần kinh, mạch máu, đó là những công việc quá khó khăn. Ca mổ kéo dài 15 giờ. Bệnh nhân chỉ truyền 2000mL máu đã minh chứng cho trình độ của bác sĩ Việt Nam. Để thực hiện ca mổ này, các phẫu thuật viên là cựu bác sĩ nội trú xuất sắc của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cùng Bệnh viện VinUni. Trực tiếp phẫu thuật có 9 bác sĩ gồm: chấn thương chỉnh hình 2, phẫu thuật cột sống 1, phẫu thuật mạch máu 2, phẫu thuật tiêu hoá và tiết niệu 1, phẫu thuật ung thư 1, điện quang can thiệp 2; chưa kể gây mê hồi sức và một ê kíp nhiều bác sĩ ở phía sau.
Ở vị trí ranh giới giữa ngoại khoa và nội khoa, đó là điện quang can thiệp, lĩnh vực này thường đòi hỏi bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm và nhiều sự kiên nhẫn. Đó là những ca bệnh vô cùng khó như phình mạch não đe doạ tính mạng, bác sĩ điện quang can thiệp điều trị bằng cách rạch một vết khoảng 4mm ở bẹn, đưa dụng cụ lên não để nắn dòng chảy, làm tắc hoàn toàn túi phình. Hay những ca bệnh đơn giản như điều trị u xơ tử cung bằng cách luồn dụng cụ từ cổ tay xuống tiểu khung, làm tắc các mạch máu nuôi dưỡng để loại bỏ nhân xơ giúp bảo tồn toàn bộ tử cung, ngay sau khi kết thúc thủ thuật bệnh nhân tự đứng dậy đi về phòng điều trị. Rò bạch huyết hay các bệnh lí tương tự, là nỗi sợ hãi không chỉ của bệnh nhân, mà còn là nỗi ám ảnh không lối thoát cả tất cả các bác sĩ trên toàn thế giới. Hãy tưởng tượng, một bệnh nhân rò bạch huyết có thể sụt cân 5 – 10kg mỗi tháng, kéo theo bao nhiêu hệ luỵ từ dinh dưỡng đến tình trạng bệnh tật, bác sĩ điều trị bó tay thở dài. Nhưng ở Việt Nam, những ca bệnh như vậy được Ts Nguyễn Ngọc Cương ở Trường ĐHY Hà Nội nút tắc các lỗ rò, đặt stent, thậm chí tắc stent phải tái thông lại, những kĩ thuật khó như lên trời này đều thành công ngoạn mục.
Hệ nội khoa, tức là điều trị bằng thuốc, những thành tích âm thầm không sao kể siết.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cứu sống một trẻ 14 tuổi, người Úc, bị suy đa phủ tạng do sốt rét ác tính, rơi vào tình trạng nguy kịch. Trước khi nhập viện 2 tuần, trẻ cùng gia đình đã đi du lịch ở Indonesia. Hai ngày trước khi nhập viện, trẻ xuất hiện tình trạng sốt, nôn ói, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, người trực tiếp điều trị bệnh nhi cho biết: “Trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, có biểu hiện vàng da rất rõ, suy tuần hoàn, suy chức năng thận, các phản ứng viêm tăng cao. Chẩn đoán ban đầu là ‘Theo dõi nhiễm khuẩn huyết, có suy chức năng các cơ quan’. Tuy nhiên, qua khai thác dịch tễ, trước khi khởi phát bệnh, trẻ đi du lịch ở vùng núi rừng nên chúng tôi nghi ngờ trẻ bị sốt rét và đã chỉ định làm xét nghiệm tìm kí sinh trùng sốt rét trong máu. Sau 18 giờ nhập viện, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính với ký sinh trùng sốt rét do chủng Plasmodium falciparum gây ra”. Sau khi có kết quả xét nghiệm, ngay lập tức, bệnh nhi được dùng thuốc điều trị sốt rét theo phác đồ của Bộ Y tế, nhưng sau 1 ngày điều trị trẻ vẫn tiến triển nặng lên, rơi vào tình trạng nguy kịch. Biện pháp khẩn cấp được đưa ra, các bác sĩ đã thay huyết tương, lọc máu liên tục cho bệnh nhi để hỗ trợ các tạng, cùng với sử dụng thuốc chống sốt rét. Sau 2 ngày điều trị bệnh nhi thoát cơn nguy kịch. Đến ngày thứ 5, bệnh nhi đã cắt sốt, sức khỏe ổn định và có thể xuất viện trong dịp Tết Nguyên đán này. Xúc động khi thấy con trai hồi phục từng ngày, người mẹ chia sẻ: “Thấy con khó thở, sốt cao tôi thật sự rất sợ hãi, chưa bao giờ con tôi gặp tình trạng bệnh nặng và diễn biến nhanh như vậy. Thời gian ủ bệnh cũng quá lâu, nên gia đình tôi không có cảnh giác và rất bất ngờ… Qua đây, tôi vô cùng trân trọng những gì Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm cho con tôi và gia đình. Khi con phải cách ly trong khu vực chăm sóc đặc biệt, mỗi ngày tôi chỉ được gặp con 1 lần, con hoàn toàn đã được các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện chăm sóc rất tốt. Chỉ có rào cản ngôn ngữ là khó khăn duy nhất, tuy nhiên hàng ngày các bác sĩ đều gửi cho tôi báo cáo y tế bằng tiếng Anh để tôi hiểu được tình trạng bệnh của con. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ, điều dưỡng, chúc mọi người luôn mạnh khỏe, hạnh phúc”.
𝙑𝙞𝒆̣̂𝙩 𝙠𝙞𝒆̂̀𝙪 𝙫𝒆̂̀ 𝙣𝒖̛𝒐̛́𝙘 𝙘𝙝𝒖̛̃𝙖 𝙗𝒆̣̂𝙣𝙝 𝙫𝒂̀ 𝙩𝙝𝙖𝙣 𝙩𝙝𝒐̛̉: 𝙔 𝙩𝒆̂́ 𝙑𝙞𝒆̣̂𝙩 𝙉𝙖𝙢 𝙩𝙝𝒂̣̂𝙩 𝙩𝙪𝙮𝒆̣̂𝙩 𝙫𝒐̛̀𝙞!
Thông tin ca bệnh nhi được cứu sống, vừa đăng tải trên Website Bệnh viện Nhi Trung ương cách đây 1 ngày, làm tôi nhớ lại một ca phẫu thuật u nang ống mật chủ ở chính bệnh viện tôi công tác, cách đây tròn một năm.
Điều đặc biệt ở ca phẫu thuật này, đó là kĩ thuật mổ nội soi 1 lỗ, hiện chỉ có 2 quốc gia trên thế giới làm được. Người thực hiện ca mổ là PGS.TS Trần Ngọc Sơn, anh là 1 trong 2 phẫu thuật viên hàng đầu Thế giới về mổ nội soi 1 lỗ nang ống mật chủ. Bệnh nhi 4 tuổi là người Australia, gia đình đến công tác tại Indonesia, phát hiện con gái 4 tuổi bị đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân nhạt màu. Gia đình đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện ở Bali. Kết quả siêu âm chẩn đoán trẻ bị nang ống mật chủ cần phải phẫu thuật. Bác sĩ giải thích cháu bé nên mổ càng sớm càng tốt. Nhưng Bác sĩ Indonesia chỉ có thể mổ mở. Người bố tìm hiểu kĩ phương pháp điều trị tại quê nhà Australia, tìm hiểu cả ở Singapore, Pháp và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, tại những quốc gia này, phương pháp điều trị vẫn là mổ mở giống Indonesia, hiện chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là mổ được nội soi.
Tại sao chỉ 2 nước phẫu thuật được nội soi nang ống mật chủ?
Bởi vì, phẫu thuật nang ống mật chủ là một trong những phẫu thuật lớn nhất, khó nhất, có nhiều biến chứng nhất.
Phương pháp phẫu thuật là cắt bỏ toàn bộ ống mật chủ, kèm theo cắt bỏ túi mật, nối hỗng tràng với ống gan chung theo phương pháp Roux-en-Y, đây là phẫu thuật triệt để. Ống mật chung chạy bên trong dây chằng gan tá tràng, nhưng trong dây chằng này có 3 thành phần cực kì quan trọng dính vào nhau, đó là tĩnh mạch cửa, động mạch gan và ống mật chủ. Đó là chưa kể ống bạch huyết. Hãy tưởng tượng, với 3 sợi dây bó lại thành 1, nên khi nang ống mật chủ to ra, động mạch gan và tĩnh mạch cửa bị chèn ép, gây viêm nhiễm, bám dính vào nhau nghiêm trọng, nên khi thực hiện phẫu tích nang sẽ rất nguy hiểm, nếu không có nhiều kinh nghiệm và sự khéo léo tỉ mỉ, thì tỉ lệ tử vong sẽ rất cao, nên đây cũng là một trong những phẫu thuật khó và nguy hiểm nhất trong phẫu thuật Nhi khoa.
Để bạn đọc dễ hình dung, hãy tưởng tượng tĩnh mạch cửa mỏng như tờ giấy, dính chặt vào nang ống mật chủ, phẫu tích chẳng may gây thủng, máu chảy ra ồ ạt gây tử vong ngay trong hoặc sau cuộc mổ.
Trường mổ mở luôn khó khăn cho phẫu thuật viên.
Với kĩ thuật mổ mở, ống mật chủ nằm khá sâu, xung quanh là gan, tụy, tá tràng, nên phẫu thuật viên sẽ cực kì khó tiếp cận tổn thương, rất dễ xảy ra tai biến. Với những nang vượt qua đầu tụy, ví dụ như trường hợp của cháu bé người Australia này, sẽ quá khó để Bác sĩ phẫu tích. Các bác sĩ trên thế giới, vì không được rèn luyện phẫu thuật nội soi, nên họ chỉ có thể mổ mở. Để giảm bớt khó khăn và giảm nguy cơ tai biến, đôi khi bác sĩ trên thế giới phải chấp nhận không cắt bỏ được hết nang, không cắt được hết ống mật chủ. Hậu quả là, nang và phần ống mật chủ vẫn còn tồn tại, nên có thể bị viêm nhiễm tái diễn, đặc biệt là ung thư đường mật. Đó là chưa kể các biến chứng trong mổ mở, như rò mật, biến chứng chảy máu trong và sau mổ có thể đe doạ tính mạng, biến chứng tắc ruột, biến chứng hẹp miệng nối.
Mổ nội soi thực sự là cuộc cách mạng.
Nếu như mổ mở là phẫu thuật với đường rạch quá rộng, xâm lấn nhiều, thì mổ nội soi 1 lỗ chỉ có một vết rạch nhỏ 2cm ở rốn, trường mổ an toàn hơn nhiều. Một ca mổ mở khoảng 6 giờ, bệnh nhân thường phải truyền máu, gây mê và hậu phẫu rất phức tạp, có nhiều tai biến trong mổ và biến chứng sau mổ, trẻ đau đớn và lâu hồi phục. Phẫu thuật nội soi 1 lỗ ngược lại, mỗi ca PGS.TS Trần Ngọc Sơn thực hiện khoảng 3 giờ, quá trình mổ gần như không bị chảy máu, trẻ hồi phục rất nhanh.
Người bố tìm hiểu kĩ hơn thì được biết, PGS.TS Trần Ngọc Sơn là một trong 2 chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật nội soi 1 lỗ điều trị nang ống mật chủ, anh thực hiện kĩ thuật từ năm 2011, đến nay đã mổ thành công cho hơn 300 trẻ. Qua tìm hiểu này, cặp vợ chồng đã quyết định đưa con tới Việt Nam, tìm đến bệnh viện nơi tôi công tác. Kết quả phẫu thuật ngoạn mục, sau mổ 4 ngày cháu bé đã có thể chạy nhảy vui vẻ. Đặc biệt, vết mổ duy nhất dưới 2cm nằm ở vị trí tự nhiên của rốn, không có sẹo, phẫu thuật vừa nhanh lại vừa đẹp; điều này đã tạo nên ấn tượng bất ngờ không kể siết cho cặp vợ chồng người Australia.
Trên thực tế, việc những bệnh nhân người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh không phải là hiếm, Việt kiều trở về nước để điều trị y tế ngày càng đông. Riêng năm 2024, tôi trực tiếp chứng kiến rất nhiều người tìm về chữa bệnh, tạo nên hiện tượng mà tôi tạm gọi là “ngược dòng”.
Bản thân tôi chỉ là bác sĩ Xquang hạng 3, nhưng mỗi ngày vẫn có những Việt kiều từ Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đăng kí khám bệnh ở chỗ tôi công tác, mọi người còn đề nghị tôi trực tiếp thăm khám. Xúc động trước dịch vụ y tế giá rất rẻ so với nước ngoài, nhanh chóng và chính xác, trong khi thu nhập của tôi còn eo hẹp, nhiều bà con đã cám ơn tôi bằng phong bì nhưng tôi từ chối nhận. Trước khi rời khỏi phòng khám, bà con Việt kiều lưu luyến, còn xin chụp ảnh lưu niệm.
Việt Nam với dân số hơn 100 triệu, không thể là quốc gia nhỏ mà chỉ có thể là quốc gia mạnh hay yếu, nền y tế Việt Nam cũng vậy. Trải qua chiến tranh, rồi đến thời kì bao cấp và cấm vận, rất nhiều người Việt đã ra nước ngoài định cư. Sau đổi mới, đất nước phát triển, nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng ngoạn mục, nhưng vẫn có thêm nhiều người giàu có và tài năng ra đi. Những quốc gia có nhiều người Việt nhập cư nhất, bao gồm Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại sao kinh tế Việt Nam phát triển mà người Việt vẫn ra đi?
Có rất nhiều lí do, nhưng lí do chính vẫn là, họ muốn tận hưởng nền giáo dục tốt hơn, môi trường tốt hơn, xã hội tốt hơn, kinh tế tốt hơn, nền y tế tốt hơn. Trong số đó, giáo dục và y tế là quan trọng nhất, đây là động lực chính để người giàu có và người tài giỏi ra đi.
Rõ ràng, về y tế chúng ta nhìn thấy, ngành dược phẩm và công nghệ sinh học hiện đại, thì Mỹ và châu Âu dẫn đầu sự phát triển toàn cầu.
Nhưng sau đại dịch COVID-19, tôi thấy có một sự thay đổi khá tinh tế mà tôi gọi là “dòng chảy ngược”, đó là rất nhiều Việt kiều ở những quốc gia phát triển quay trở lại quê hương để tìm gặp bác sĩ giỏi, xu hướng ngày càng tăng.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao nền y học các nước phương Tây đang rất phát triển, mà Việt kiều lại tìm về quê nhà khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ, họ không phải chỉ quay lại một lần, mà có thể nói là thường xuyên quay lại?
Có phải vì dịch vụ y tế của phương Tây không tốt?
Tất nhiên, câu trả lời là không, mà ngược lại có thể khẳng định dịch vụ y tế của phương Tây quá tốt. Bằng chứng là, vẫn có những bệnh nhân hiểm nghèo ở Việt Nam nhưng có nhiều tiền, họ vẫn mua vé máy bay sang Mỹ và châu Âu điều trị.
Tôi thử chọn một bệnh viện ở Mỹ, ví dụ Trung tâm Y tế Mayo, doanh thu mỗi năm 11 tỉ đô la Mỹ. Con số doanh thu đã nói lên sự sang trọng. Chỉ những người rất giàu có mới vào được bệnh viện này. Những người thuộc tầng lớp lao động bình thường, thậm chí người Mỹ cổ cồn trắng, đừng mơ tưởng khám chữa bệnh ở Mayo. Hoa Kỳ, với tư cách là một quốc gia tư bản, đặc điểm rõ ràng nhất là tiền, nếu người bệnh có tiền sẽ được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, không có tiền thì ngoan ngoãn đi xếp hàng ở bệnh viện công.
Và ở Mỹ, những người bình thường đi khám bác sĩ, ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp đe doạ tính mạng, còn lại sẽ nhận được lịch hẹn chờ đợi. Thời gian chờ đợi trung bình một ca chụp cộng hưởng từ là 65 ngày. Các dịch vụ khác, như nội soi, siêu âm, chụp Xquang, CT thì chờ 2 – 3 tháng là bình thường. Chi phí khám bệnh ở Mỹ rất cao. Nếu có bảo hiểm y tế, dù chỉ cảm lạnh thông thường, bác sĩ cũng cho khám xét tổng thế toàn bộ, tiền túi bỏ ra chênh lệch bảo hiểm vài ngàn đô la. Bạn học cùng lớp đạp học với sang đó học tiến sĩ, cô bị nhức đầu, khám xét mất một ngày, hoá đơn tính ra tiền Việt gần 1,4 tỉ đồng, may mắn có bảo hiểm chi trả nhưng cô vẫn phải đóng hơn trăm triệu, kể từ đó cô không bao giờ dám đau đầu.
Để có bảo hiểm y tế ở Mỹ, người dân phải tham gia nhiều cuộc điều tra xem có mắc bệnh tật gì không, sau đó mỗi năm phải đóng khoảng 6000 đô la, hợp đồng sẽ kèm theo rất nhiều điều khoản mà bảo hiểm không chi trả.
Tại sao Việt kiều lại chấp nhận về nước khám chữa bệnh?
Tất nhiên, lí do đầu tiên là chi phí khám chữa bệnh ở Việt Nam quá thấp, nhiệm vụ của y tế Việt Nam trước hết là cứu sống và sau đó mới chữa lành, doanh thu do nhà nước quản lí và chỉ được phép thu đủ duy trì hoạt động bệnh viện. Ngược lại, y tế phương Tây có yếu tố lợi nhuận, đặc biệt các bệnh viện tư đề cao yếu tố thương mại.
Thứ hai, Việt Nam là quốc gia có dân số đông, tỉ lệ bác sĩ trên dân số thấp, người dân có ý thức phòng bệnh rất kém, nên bác sĩ Việt Nam có kinh nghiệm vô cùng phong phú trong chẩn đoán và điều trị. Hãy tưởng tượng, số bệnh nhân một bác sĩ phương Tây mổ cả năm, chỉ bằng bác sĩ ở Việt Nam mổ trong vài tua trực, như vậy tay nghề sẽ khác nhau một trời một vực. Tôi chứng kiến một ca phẫu thuật nội soi ung thư đại tràng, giáo sư hàng đầu ở phương Tây mổ mất 6 tiếng và truyền 2 lít máu, trong khi bệnh nhân tương tự nếu bác sĩ tuyến tỉnh ở Việt Nam phẫu thuật khoảng 3 tiếng và chỉ mất vài giọt máu, nhưng nếu các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trung ương phẫu thuật chỉ hơn tiếng và không mất giọt máu nào.
Thứ ba, khám chữa bệnh ở Việt Nam không cần chờ đợi. Tôi lấy phẫu thuật làm ví dụ, bệnh nhân khám đầu tuần, thứ 4 hoàn tất thăm khám, thứ 5 thông qua mổ ở khoa, thứ 6 thông qua mổ ở bệnh viện để xếp lịch mổ trong tuần tiếp theo. Với bệnh nhân muốn mổ sớm đóng khoản tiền dịch vụ nho nhỏ, sẽ được mổ trong vòng 2 – 3 ngày, thậm chí sáng khám chiều đã mổ không phải là quá khó. Nhưng ở nước ngoài, lịch hẹn chồng lịch hẹn, thời gian khám, xét nghiệm và chụp chiếu đều hẹn, sau đó là hội chẩn, từ lúc bắt đầu bước chân vào bệnh viện cho đến khi thực hiện ca mổ có khi kéo dài tới hàng năm trời.
Từ “dòng chảy ngược” mà tôi phân tích, những nhà hoạch định chính sách y tế nên xem xét, có chiến lược thu hút bệnh nhân đến Việt Nam khám chữa bệnh, ví dụ như dịch vụ du lịch chăm sóc sức khoẻ, chính sách bảo hiểm y tế cho Kiều bào, đó là điều rất đáng suy nghĩ trong những ngày đầu năm. Y tế Việt Nam, năm qua có gặt hái được những thành tựu, nhưng chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Và điều tôi mong muốn, đó là các lĩnh vực khác, ví dụ như giáo dục, hãy thực sự đổi mới và phát triển, để người Việt không còn phải tìm đường ra đi./.