Vừa thi xong tốt nghiệp đại học, nhà trường cấp cho một tờ giấy chứng nhận đã đỗ và đợi cấp bằng, tôi cầm về quê xin việc nhưng bị từ chối.
Thời của chúng tôi, sinh viên y ra trường phải có đủ 3 yếu tố mới xin được việc. Một là COCC. Hai là có người đứng ra bảo lãnh giúp đỡ. Ba là có nhiều tiền. Vì thế mà hầu hết đi làm trình dược viên. Có anh khóa trên nhớ nghề quá, sáng cặp nhiệt độ cho con, chiều đo huyết áp cho vợ, tối mang ống nghe ra khám tim phổi cho cả nhà. Hôm nào không làm được việc ấy, suốt đêm anh trằn trọc không ngủ, nếu tình trạng kéo dài cả tháng chắc anh sẽ héo rũ ra mà chết.
Tôi không có cả 3 yếu tố nên bị từ chối. Nghĩ quẩn, tôi đến 3 bệnh viện lớn nhất ở Hà Nội, gõ cửa phòng giám đốc và đề xuất nguyện vọng được vào làm việc. Cứ liều vậy, vì xác định ở bước đường cùng, tôi chẳng có gì để mất.
Rằm tháng 7 năm đó, tức ngày 15 tháng 7 năm 1999 theo lịch âm, tôi rời Hà Nội, khoác ba lô về một vùng nông thôn miền núi trung du, nơi có người bạn rất thân rủ tôi cùng mở xưởng trại trồng nấm mỡ xuất khẩu, vì tôi là một trong số những người đầu tiên biết nghề này và làm nó từ năm 1987.
Gần một ngày đường, xe ô tô hàng thả tôi xuống ven rìa quốc lộ, tôi phải tiếp tục đi bộ khoảng 5 cây số. Trời chập choạng tối. Tôi đi qua một rừng cây rậm rạp. Sải bước đến một ngọn đồi. Nhìn xung quanh, một dòng suối nhỏ bao quanh ngôi làng và những ngọn núi, nước suối đỏ quạch như máu. Đi tiếp đến một nghĩa địa thưa thớt mồ mả trên ngọn đồi cằn cỗi. Hơn chục con quạ đứng trên cành cây, chúng hướng những đôi mắt đỏ tươi nhìn chằm chằm vào tôi; gió rít, cùng những giọt mưa thu lất phất nhưng lạnh buốt, chúng cứ thể phả thẳng vào mặt.
Sau khi rẽ qua ngọn đồi nhỏ, tôi nhìn thấy ngôi làng tôi cần đến, nó nằm nép mình dưới chân một ngọn núi nghèo, bị kẹp bởi một khe giữa hai ngọn núi.
“Đợi tôi…!”
Nghe thấy một tiếng gọi từ phía sau. Tôi dừng lại quay đầu. Và tôi đột nhiên nhớ đến một điều cấm kị, khi đi bộ nơi đồi núi vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, không bao giờ được quay đầu lại. Người ta nói rằng, ngày 15 tháng 7 là ngày tết của ma, còn gọi là lễ xóa tội vong nhân. Ngày này ma đi theo người rất nhiều. Ngoài cúng tổ tiên, cúng bậc sinh thành bằng hoa quả và gia cầm, còn phải cúng cô hồn cho những hồn ma đói khát vất vưởng dọc đường.
Không thấy có ai ở phía sau tôi. Có thể đó chỉ là tiếng gió rít lên trong tiếng mưa. Mặc kệ, tôi vội vã bước tiếp, nhưng vừa đi được vài bước thì tiếng gọi lặp lại. “Đợi tôi…! Ngọn đồi này lạnh quá, hãy đợi tôi, cho tôi đi cùng một đoạn!”
Tôi nhắm mắt, rồi mở mắt, rõ ràng đây không phải là giấc mơ, ngọn đồi này là thật, những ngọn núi kia cũng là thật. Ngôi làng phía trước là nơi tôi cần đến, chỉ còn một khoảng cách rất ngắn nữa, tôi hít một hơi dài, cắm đầu chạy thục mạng dọc theo con đường núi, hi vọng không bị ma bám đuổi.
Bạn tôi ở cùng với người mẹ, bà chưa già hẳn nhưng đã lẫn, cả ngày bà ngồi trên tảng đá trước nhà để vạch quần áo và chải tóc bắt chấy rận. Nhìn người đàn bà nửa điên nửa tỉnh, với khuôn mặt đáng thương, cả ngày không có một nụ cười, quần áo tả tơi, thì người lạ thoáng nhìn có thể sẽ rùng mình vì cảm giác bẩn thỉu.
Nhưng không phải vậy, mẹ của bạn tôi là một người phụ nữ nông thôn rất đẹp, hàng ngày bà vẫn tắm rửa sạch sẽ, gội đầu bằng nước bồ kết nướng hòa với lá và hoa bưởi. Hương vị của thứ nước tắm gội đồng quê có sức hấp dẫn mạnh hơn rất nhiều so với mùi thơm lộn xộn của những phụ nữ thành phố bị ô nhiễm mĩ phẩm.
Bữa ăn tối đơn giản và nhanh chóng kết thúc.
Đêm ấy, những đám mây đen ảm đạm rắc xuống những hạt mưa đỏ như máu, gió ù òa rít qua khe núi, làm tôi cảm thấy lạnh, mệt và buồn ngủ.
Nửa đêm, trời nổi bão giông, đồng hồ treo tường đổ 12 tiếng chuông. Ngay sau đó là 3 tiếng kêu “bang – bang – bang”, tại sao lại là 3 tiếng, chẳng lẽ vừa mới giờ Tí đã chuyển ngay sang đầu giờ Dần, tôi ngạc nhiên nhưng vẫn nằm im.
“Bác sĩ!” – tôi nghe thấy có tiếng rên rỉ và rất lạnh – “bang, bang, bang”. Tôi tập trung giác quan, phát hiện thấy có ai đó gọi tôi ngoài cửa.
“Ai? Sao gõ cửa muộn vào giờ này?”
“Bác sĩ! Tôi ở làng bên, xin lỗi bác sĩ vì tôi làm phiền vào giờ quá muộn, nhưng vợ tôi đang sinh, bác sĩ có thể giúp tôi không?” – một giọng người đàn ông rên rỉ và lạnh buốt.
Tôi không nghĩ nhiều, vì biết phụ nữ đau đẻ cần phải rất khẩn trương, giữa đêm mưa bão ở một nơi xa như thế sẽ rất cần sự giúp đỡ của tôi. Cũng không có vấn đề gì khó khăn, vì hồi học năm thứ 3 và thứ 5, những sinh viên hộ khẩu Hà Nội như tôi phải ở lại trực sản các ngày tết, ngày lễ, ngày hè thay cho các bạn ở tỉnh xa. Bản thân tôi cũng đã đỡ đẻ nhiều nên không lo lắng, tôi quyết định nhanh chóng ra khỏi giường, mở cửa, đi theo người đàn ông.
Trời tối hơn dưới mưa. Đường miền núi trung du, gập gồ, quanh co, trơn trượt nên tôi rất khó giữ bước chân. Người đàn ông bước đi rất nhanh, như lướt trên mặt đường, mặc dù đường rất trơn nhưng không có vẻ gì của những bước đi bình thường.
Đi qua một khe núi dài và hẹp, chuẩn bị rẽ ra đường đồi, lúc này, có một ông già tóc trắng như cước, bộ quần áo của ông cũng trắng, cả người trắng bợt bạt hiện lên trong bóng đêm. Ông già chặn tôi lại và hét lên: “Dừng lại! Đừng đi! Không ai dám đến đó cả. Hãy quay đầu lại!”.
Tôi đang đi đỡ đẻ nên không thể dùng lại.
Người đàn ông dẫn đường vẫn im lặng vượt qua ông già tóc bạc trắng. Chúng tôi đi qua bãi tha ma, rõ ràng khi ban chiều, đó là ngọn đồi vắng vẻ lơ thơ vài ngôi mộ, vậy mà nửa đêm bỗng dưng có đầy người, họ họp chợ rất đông, những ngọn đuốc chập chờn di động người nọ đi tìm người kia, tiếng gọi nhau í ới, xen lẫn tiếng cười và tiếng nói, có cả những tiếng khóc rên rỉ.
“Anh gì ơi?” – tôi nghe thấy một giọng phụ nữ. Lại một giọng phụ nữ khác xúi hỏi tên tôi. Hai tiếng cười khúc khích mà tôi không hiểu nổi tại sao họ lại cười. Tôi lại nhớ đến một điều cấm kị khác, rằng đi trong đêm rằm tháng 7, không được gọi tên ai, vì sẽ bị ma nhớ tên và bám theo. Tôi tò mò dừng chân chỗ hai người phụ nữ, thấy họ lấy ra 2 chiếc lá mít lớn, gấp lại thành chiếc bù đài, thứ mà tôi biết người ở quê vẫn gấp làm bát đựng cháo thí trong lễ cúng cô hồn. Hai người phụ nữ bỏ vào bù đài những cánh hoa trắng, rồi cháo trắng, họ nhí nhảnh ăn, vừa nhấm nháp vừa cười đùa như muốn trêu chọc tôi.
Người đàn ông dẫn tôi đi tiếp đến ngọn đồi trước rừng cây. Ngọn đồi này rất vắng vắng vẻ. Bất chợt tôi bị vấp ngã. May mắn thay, người đàn ông quay lại, đỡ tôi. Nhưng kì lạ, tay của người đàn ông buốt lạnh như tuyết đá, ngay cả dưới mưa thì tôi cũng không thể tưởng tượng có một bàn tay lạnh đến như thế, cảm giác ớn lạnh nổi da gà chạy từ đỉnh đầu, dọc sống lưng, đến tận gót chân.
“Đây là nhà của tôi” – người đàn ông chỉ tay về phía trước và tôi nghe thấy vài tiếng hét đau đớn của phụ nữ.
“Này! Anh có đùa tôi không?” – tôi ngạc nhiên – “Anh nói nhà của anh đó sao? Lúc chiều tôi đã đi qua. Rõ ràng nơi đây không phải là bãi đất thổ cư, cũng không có nhà, vậy làm sao để có thể đó là nhà của anh!”
“Nhưng đây là nhà của tôi!” – người đàn ông vẫn giữ nguyên khẩu giọng rất lạnh buốt. Bóng đêm mờ ảo, tôi nhìn kĩ lại, có thể đó là ngôi nhà, hoặc tạm là như thế, ngôi nhà cô độc nằm trên một ngọn đồi hoang, không có hàng xóm. Tôi quan sát thấy ngay phía ngoài cửa, có một tấm bia, trên bia khắc chữ và khắc số, nhưng tôi không đọc được vì trời rất tối.
Chúng tôi bước vào bên trong. Không có đèn, chỉ có bóng đêm mờ mờ ảo ảo, tôi nhìn thấy một người phụ nữ nằm ngửa trên giường, hai tay đặt trên bụng, mặt đắp một tờ giấy trắng, giữa hai chân là một đứa trẻ vừa mới được sinh ra. Gọi là chiếc giường, nhưng đó là chiếc quan tài sơn màu đỏ, có máu đen rỉ ra từ các khe hở. Xung quanh người phụ nữ là những tấm vải xô trắng.
“Vợ tôi đã sinh” – người đàn ông thốt lên – “Ồ, đó là đứa trẻ gái, rất xinh xắn, nhưng nó không có xương hàm dưới và không có mắt!”
“Tại sao đứa trẻ không có xương hàm dưới và không có mắt?” – tôi ngạc nhiên. Trong 6 năm học ở trường y, tôi biết nhiều dị tật bẩm sinh, đã xem rất nhiều tiêu bản ở viện giải phẫu, nhưng việc một đứa trẻ không có xương hàm dưới và không có mắt thì rất lạ, nó không nằm trong những dị tật mà tôi được học.
“Bác sĩ, thử nhìn xem, đứa bé không có xương hàm dưới và không có mắt, bác sĩ nhìn xem tôi cũng không có xương hàm dưới và không có mắt, tôi không có cả trái tim” – người đàn ông nói thản nhiên với tôi bằng thứ giọng buốt lạnh.

Tôi quay lại nhìn vào khuôn mặt người đàn ông. Khuôn mặt ấy xanh tím. Toàn bộ cằm dưới không có. Chiếc lưỡi đỏ hỏn, thè ra, rủ xuống, rỉ những giọt máu đỏ tươi và máu đen. Tôi nhìn vào đôi mắt, thấy đó là 2 cái hố sâu hoắm, đột nhiên lóe lên màu tím, chấm sáng giống như con ngươi co lại ngay lập tức, đúng là người đàn ông bị mù.
Có phải đây là kẻ đã giết chết bố người bạn của tôi?
Nhiều năm trước, tôi nghe qua lời kể lúc nhớ lúc quên của mẹ bạn, rằng có một kẻ rất dã man, không có trái tim nên máu bị lạnh như kem, không có mắt để nhìn thấu đạo lí cuộc sống, không có miệng nên lưỡi giống như nọc rắn chỉ phun ra những thứ độc địa. Kẻ ấy gây ra cái chết của người chồng, làm bà hóa điên hóa dại, ngày ngày ngồi trên tảng đá trước cửa nhà.
“Bác sĩ, có muốn xem khuôn mặt của tôi, hãy lật tờ giấy trắng ra, vì tôi cũng không có xương hàm dưới, không có mắt. Hahaha!” – người phụ nữ nằm trong chiếc quan tài đột nhiên cất tiếng nói, tiếng nói và tiếng cười đều lạnh toát, làm cho tôi rùng mình.
“Bác sĩ, xin cám ơn!” – người đàn ông nói với tôi bằng một thứ giọng trầm trầm khác biệt – “Cám ơn vì đã đến đây! Cám ơn vì trần gian vẫn còn người không bỏ rơi gia đình tôi! Ngày mai, hãy quay về thành phố, có điều may mắn và tốt đẹp đang chờ bác sĩ ở đó.”
Tôi nhìn vào mắt người đàn ông, đúng hơn là nhìn vào 2 cái hốc đen trên khuôn mặt không có con ngươi, tôi bỗng thấy có 2 giọt máu lăn ra từ đó. Tôi biết, người đàn ông đã khóc, giọt nước mắt hiếm hoi chính là giọt máu. Tôi tự hỏi, liệu đây là giấc mơ, hay là viễn cảnh cho một thế giới khác.
Gần sáng, tôi lên cơn sốt cao, cơ thể rét run, đắp bao nhiêu chăn cũng không đủ ấm. Người mẹ nửa điên nửa tỉnh, bà lật đật nấu cho tôi một nồi nước xông, gồm lá chanh, lá sả, lá hương nhu, lá bưởi, tía tô, kinh giới, hoắc hương, quế, gừng, bạc hà, lá tre. Bà còn cẩn thận cho thêm cả nắm lá dâu để trừ ma.
Xông xong, tôi hết sốt, nhưng ngay lập tức có cảm giác thôi thúc phải quay về thành phố.
Chia tay gia đình bạn, người mẹ nửa điên nữa tỉnh vẫn ngồi trên tảng đá trước nhà, lần đầu tiên tôi thấy bà mỉm cười, rồi bà vẫy tay chào cho đến khi tôi đi khuất hẳn.
Tôi lại đi qua một bãi tha ma có những ngôi mộ thưa thớt trên quả đồi cằn cỗi. Đi qua con suối quanh co nước đỏ như máu. Rồi đến ngọn đồi trước cánh rừng rậm rạp, tôi dừng lại quan sát kĩ, chẳng có bất kì ngôi nhà nào cả, chỉ có 3 ngôi mộ chung một nấm mồ và một tấm bia, trên tấm bia có mấy hàng chữ nguệch ngoạc bị bụi thời gian xóa mờ, hơn chục con quạ đứng trên cành cây hướng cặp mắt đỏ như máu tò mò nhìn tôi.
Chắp tay trước mộ: tôi cầu mong cõi trần và cõi âm hãy bỏ qua mọi tội lỗi!
Về đến Hà Nội, tôi nhận được tin vui, 2 trong 3 bệnh viện đồng ý nhận tôi vào làm thử việc; hôm đó là ngày 16 tháng 7 năm Kỉ Mão tính theo lịch âm, tức là 26 tháng 8 năm 1999 tính theo lịch dương.
Có những chuyện kì lạ thế giới không giải thích nổi!./.