𝐒𝐚́𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝐓𝐮̛, 𝐦𝐮̛𝐚 𝐛𝐮̣𝐢 𝐯𝐚̀ 𝐠𝐢𝐨́ 𝐥𝐚̣𝐧𝐡, 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐧𝐚̆́𝐧𝐠…
Một buổi sáng của 22 năm về trước, Hà Nội thời tiết rất khắc nghiệt, mùa Đông Xuân bệnh cúm A hoành hành, đe doạ sức khoẻ của tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi và người già.
Thời điểm đó, tôi mới chuyển từ bác sĩ ngoại khoa sang làm bác sĩ Xquang được một thời gian ngắn, tuổi đời và tuổi nghề quá trẻ. Nhiệm vụ của tôi các buổi sáng đầu giờ là đi hội chẩn. Ca bệnh hôm đó là một cháu bé 5 tuổi bị viêm phổi rất nặng sau cúm mùa. Đứa trẻ phải thở máy gần ba tuần, kháng sinh đổ vào như nước, nhưng phổi trái vẫn trắng xoá, lâm sàng không có dấu hiệu cải thiện. Bác sĩ lâm sàng cắm một loạt phim Xquang lên màn hình rồi trình bày bệnh án. Kết thúc phần trình bày của mình, bác sĩ lâm sàng nhận định bệnh nhi quá nặng, tiên lượng tử vong, chính bác sĩ điều trị và trưởng phó khoa đã giải thích cho bố mẹ. Gia đình bệnh nhi cũng đã buông xuôi. Việc chữa trị, theo bác sĩ lâm sàng, chỉ là còn nước còn tát, nhưng thực tế không có nước để tát nên cũng không hi vọng gì.
Buổi hội chẩn khá nặng nề, bác sĩ Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp ghi biên bản, Phó Giám đốc Bệnh viện phụ trách khối Nội – Nhi chủ toạ, cả hội trường có đầy đủ bác sĩ lâm sàng, tất cả đều im lặng cúi đầu.
Phó Giám đốc mời tôi cho ý kiến.
Từ cuối hội trường bước lên, tôi tiến lại gần màn hình đọc phim, rồi lùi ra xa, rồi lại tiến gần. Tôi bắt đầu phân tích dữ liệu tia X, tìm manh mối các cấu trúc giải phẫu, tìm kiếm sự logic và bất logic về mặt hình ảnh. Nhớ lại mỗi lần bị cúm, nước mắt nước mũi chảy giàn giụa, tôi hiểu được lí do virus cúm A tấn công gây hoại tử lớp niêm mạc đường hô hấp, từ đó gây xuất tiết dịch rất nhiều. Và tôi tưởng tượng, một khi virus cúm xâm nhập xuống đường hô hấp dưới, thì phổi sẽ ngập nước, bệnh nhân thực sự rơi vào tình trạng “chết đuối trên cạn”, tiên lượng tử vong rất cao.
Điều tôi chú ý đầu tiên là phổi phải bệnh nhi.
Tất cả các phim đều tồn tại rất giống nhau, thuỳ dưới phổi phải trắng xoá, nhưng thuỳ giữa và thuỳ trên vẫn còn thông khí tương đối tốt. Tôi chú ý các khoang liên sườn bên phải giãn rộng, tim không có bên lồng ngực phải, tia sáng bắt đầu le lói từ đây. Dường như phổi phải có thở bù, chức năng của phổi phải đủ duy trì sự sống trong 3 tuần, nếu có virus cúm xâm nhập thì phổi bên phải cũng sẽ ngập sũng nước và trắng xoá. Và tôi cố tìm vết tích cơ hoành phải, sau mỗi lần lùi xa và tiến lại gần, đậm độ tia X cho tôi biết cơ hoành có di chuyển qua các phim và bị đẩy xuống thấp. Ngược lại, toàn bộ phổi trái trắng xoá, nhưng các khoang xương sườm bị xẹp xuống, cơ hoành trái bị kéo lên cao, tim nằm toàn bộ bên trái.
Như vậy, phổi trái bị xẹp chiếm ưu thế nhiều hơn là đông đặc, phổi phải tăng thể tích để thở bù. Nếu virus cúm xâm nhập xuống phổi, thì cả hai phổi sẽ sũng nước, phổi đông đặc và tăng thể tích, trắng xoá, dẫn đến bệnh nhân tử vong sớm. Vì thế mà tôi lập luận, virus cúm không xâm nhập sâu xuống phổi, mà tình trạng viêm phổi chỉ do bội nhiễm vi khuẩn và nấm, nếu điều này đúng thì bệnh nhi có cơ hội sống sót rất cao, bằng cách điều trị kháng sinh.
Nhưng điều gì làm phổi phải thở bù và phổi trái xẹp?
Về mặt giải phẫu, nhánh phế quản gốc bên phải to hơn và dốc hơn, vậy khi đặt ống nội khí quản, có thể sự di lệch đã đẩy ống xuống phế quản phải. Tôi lại bắt đầu phân tích mật độ tia X, trong cái phim phổi trắng xoá thì cực kì khó, nhưng tôi nhìn kĩ thì nhận thấy điều phán đoán của tôi là đúng, ống nội khí quản đi sâu khoảng hơn 1cm xuống nhánh phế quản phải.
Tôi bắt đầu trình bày tất cả lập luận của mình.
Phó Giám đốc chủ toạ, cùng các bác sĩ lâm sàng, tất cả đều nhất trí với nhận định của tôi. Phương án là, rút ống nội khí quản lên cao hơn, đồng thời vỗ rung tích cực để nút nhày phế quản bên trái bật ra, giải phóng nhu mô phổi trái và cung cấp ôxy. Thời điểm ấy, có một chuyên gia phục hồi chức năng người Bỉ gốc Pháp, anh rất thân với tôi và đặt cho tôi cái biệt danh là “Romantic Doctor”, chính tôi trực tiếp tham gia vỗ rung cùng anh ấy.
Phim Xquang chụp ngay sau đó, chúng tôi đã thấy nhu mô phổi trái nở ra, tôi biết bệnh nhi sẽ được cứu sống. Buổi chiều bệnh nhi hạ sốt, bão hoà ôxy tăng lên, các chỉ số xét nghiệm cải thiện ngoạn mục. Ngày hôm sau sốt giảm, các dấu hiệu thay đổi một cách nhanh chóng, cuối cùng bệnh nhân cai máy thở, khỏi bệnh và ra viện.
Có rất nhiều câu chuyện tương tự như thế này.
Trong cuộc đời làm bác sĩ của tôi, mỗi khi nhìn thấy bệnh nhân hồi phục, nghe những lời nói và nhìn thấy ánh mắt biết ơn của chính họ và gia đình, tôi cảm thấy công sức của mình không hề uổng phí. Nhiệm vụ của bác sĩ là chữa bệnh và cứu người. Chỉ bằng cách thực hiện cẩn thận mọi cuộc khám và mọi thủ thuật hay phác đồ điều trị, dành trọn tâm huyết và sức lực để cứu sống và chữa lành vết thương, thực hành lòng nhân từ của một bác sĩ trong công tác, thì chúng tôi mới thực sự hồi sinh được những cuộc sống mong manh.
Với công việc bác sĩ Xquang hàng ngày, tôi sẽ sử dụng kinh nghiệm và kiến thức bệnh học tích lũy của mình để chẩn đoán bệnh, đồng thời giúp các bác sĩ lâm sàng điều chỉnh phương pháp chẩn đoán và điều trị bằng cách giải thích cho họ những điểm chính của chẩn đoán hình ảnh bệnh và chẩn đoán phân biệt, cũng như sự đồng thuận quốc tế hiện nay về chẩn đoán hình ảnh chuẩn hóa, cách tiếp cận các phương pháp điều trị. Các khoa lâm sàng cũng thường mời tôi tham gia các buổi hội chẩn và thảo luận liên chuyên khoa về các ca bệnh khó, những năm tháng tuổi trẻ tôi dành ra các buổi sáng thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, để hội chẩn khối với bác sĩ lâm sàng những ca phức tạp, trong các buổi ấy tôi sẽ đưa ra ý kiến và đề xuất dựa trên dữ liệu lâm sàng và hình ảnh. Bằng cách này, tôi giúp các bác sĩ lâm sàng đặc biệt là bác sĩ trẻ liên tục nâng cao kĩ năng y khoa, ở một mức độ nào đó sẽ thúc đẩy sự cải thiện trình độ y khoa của chính các chuyên ngành.
Nhiều người không hiểu bác sĩ Xquang chúng tôi.

Thực tế với bác sĩ Xquang, mọi vấn đề sức khoẻ liên quan đến cấu trúc bên trong cơ thể đều giải quyết được bằng cách phân tích tia X, phân tích tín hiệu từ trường hoặc sóng âm. Các vấn đề bệnh lí từ đó rất dễ giải quyết. Bác sĩ Xquang đã dành nhiều thời gian trong cuộc đời mình không chỉ để giải quyết các cấu trúc cơ thể, mà công việc của chúng tôi còn nhiều hơn hẳn các chuyên khoa khác, chúng tôi giải quyết người bệnh thay vì căn bệnh, chúng tôi giải quyết một đứa trẻ bị bệnh thay vì bác sĩ nhi khoa, giải quyết một người khuyết tật thay vì chẩn đoán và chữa một căn bệnh tàn tật.
Nhu cầu chẩn đoán và điều trị với bác sĩ Xquang ngày càng lớn.
Nó lớn đến mức, năm 2022 Hiệp hội X quang Châu Âu (ESR) phải tổ chức hẳn một diễn đàn quốc tế, để bàn về tình hình điện quang thế giới.
Diễn đàn này ngoài Hiệp hội X quang Châu Âu là chủ nhà còn có sự tham gia của: Hội X quang Hoa Kỳ (ACR), Hội X quang Châu Á – Châu Đại Dương (AOSR), Hội X quang Canada (CAR), Hội X quang Trung Quốc (CSR), Hội X quang Colombia (ACR), Hiệp hội X quang và Chẩn đoán hình ảnh Ấn Độ (IRIA), Viện X quang Liên Mỹ (CIR), Hội X quang Quốc tế (ISR), Hội X quang Nhật Bản (JRS), Hội X quang Hàn Quốc (KSR), Liên đoàn các Hội X quang và Chẩn đoán hình ảnh Mexico (FMRI), Hội X quang Bắc Mỹ (RSNA), Hội X quang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (RSE), Hội X quang Hoàng gia Úc và New Zealand (RANZCR), Hội X quang và Chẩn đoán hình ảnh Paulista (SPR), Hiệp hội X quang can thiệp và tim mạch Châu Âu (CIRSE).
Hội nghị này đưa ra đồng thuận rằng, trong suốt hơn một thập kỉ qua, việc sử dụng hình ảnh chẩn đoán công nghệ cao đã tăng lên gấp đôi mỗi năm. Lĩnh vực điện quang chia làm hai, bao gồm thứ nhất là hình ảnh học phục vụ chẩn đoán, thứ hai là điện quang can thiệp. X quang can thiệp có những bước đột phá mang tính cách mạng về các phương pháp điều trị ít xâm lấn ở bệnh nhân. Ngày nay, các phương pháp điều trị ít xâm lấn đối với nhiều cơ quan và hệ thống được hướng dẫn bằng hình ảnh y khoa đã cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân, giảm tỉ mạnh lệ mắc bệnh và tử vong, nó thay thế các thủ thuật phẫu thuật. Có thể khẳng định một cách chắc chắn, X quang can thiệp là một phần không thể thiếu của y học mạch máu, ung thư, cũng như rất nhiều lĩnh vực khác của chăm sóc sức khỏe hiện đại. Điều này đòi hỏi sự giáo dục và đào tạo chuyên biệt, nghiên cứu chuyên biệt, tình trạng chuyên khoa của can thiệp và mối quan hệ giữa X quang can thiệp và X quang nói chung trong thực hành lâm sàng, phân biệt thực địa với các chuyên khoa lâm sàng, mô tả lại công việc, xác định tỉ lệ thời gian các bác sĩ X quang dành cho công việc của họ.
Tại chính Hội nghị này, Điện quang can thiệp được coi là phổ biến trong hệ thống y khoa ở nhiều quốc gia, trở thành một chuyên khoa lâm sàng độc đáo, nó đang chi phối và thay đổi dần các phương pháp điều trị y tế.
Mô hình đào tạo bác sĩ Xquang trên thế giới hiện nay là, sau khi tốt nghiệp 9 năm hệ đào tạo bác sĩ đa khoa, để trở thành bác sĩ Xquang thì phải tiếp tục học 5 năm bác sĩ nội trú có được chính phủ trả lương. Trong 5 năm học nội trú, thì 3 năm đầu là chương trình đào tạo bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chung, 2 năm cuối là đào tạo về điện quang can thiệp với khoảng hơn 500 thủ thuật can thiệp phải qua thi cử để cấp chứng chỉ.
Ở thời điểm hiện tại, các trung tâm Xquang trên thế giới đã có các chuyên khoa sâu, có giường điều trị bệnh nhân nội trú. Và đương nhiên, bác sĩ X quang trên thế giới được xếp loại chỉ số hạnh phúc cao nhất, lương của họ cũng thuộc tốp cao nhất trong ngành y.
Hi vọng mọi người đã hình dung ra bác sĩ Xquang.
Trên thế giới, việc phân loại bác sĩ chuyên khoa, về cơ bản là dựa trên tính chất công việc và nhiệm vụ.
Phân loại theo khoa lâm sàng
Trong một bệnh viện, các khoa lâm sàng bao gồm ngoại trú, cấp cứu và các chuyên khoa điều trị nội trú.
① Theo phương pháp điều trị: lại được chia thành nội khoa (thần kinh, hô hấp, tim mạch, tiêu hoá, thận, huyết học, bệnh truyền nhiễm…), ngoại khoa (tiêu hoá, gan mật, tiết niệu, hậu môn trực tràng, vú…).
② Theo mục đích điều trị: chia thành phụ khoa, lão khoa, nhi khoa, nhãn khoa, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu…
③ Theo loại bệnh: chia thành ung thư, lao, bệnh truyền nhiễm, tâm thần…
④ Theo hệ thống cơ quan của cơ thể con người: nhãn khoa, răng hàm mặt, tai mũi họng, da liễu…
⑤ Theo cách ngành của một chuyên khoa: như y học cổ truyền lại phân ra câm cứu, vật lí trị liệu…
Phân loại theo năng lực
Hiện tại ở Việt Nam, bác sĩ được phân thành hai nhóm, một nhóm theo học hàm học vị, một nhóm là thứ hạng, tất nhiên là có sự giao thoa.
① Theo học hàm học vị:
– Giáo sư.
– Phó Giáo sư.
– Tiến sĩ (bằng tốt nghiệp).
– Thạc sĩ (bằng tốt nghiệp).
– Chuyên khoa 2 (bằng tốt nghiệp).
– Chuyên khoa 1 (bằng tốt nghiệp).
– Chứng chỉ định hướng chuyên khoa.
② Phân loại theo năng lực
– Chuyên gia đặc biệt
– Chuyên gia cao cấp
– Chuyên gia
– Bác sĩ chính
– Bác sĩ không được phân loại năng lực
③ Phân loại theo hạng
– Bác sĩ hạng 1
– Bác sĩ hạng 2
– Bác sĩ hạng 3
Về bản thân tôi, chỉ là bác sĩ Xquang với chứng chỉ chuyên khoa định hướng, xếp loại bác sĩ hạng 3; tức là mức thấp nhất trong hệ thống phân loại y tế.
Phim Xquang khác với ảnh tự sướng.
Ví dụ, khi nhìn vào phim Xquang lồng ngực của chính mình, một số người mặc định nó như bức ảnh tự sướng nên chỉ thấy trái tim là cái bóng đen – trắng lờ mờ, trái tim ấy hoàn toàn bất động vô tâm. Và họ sẽ không tránh khỏi suy nghĩ, rằng Xquang là công việc dành cho những bác sĩ “ngu dốt”, với họ thì bác sĩ Xquang “biết đếk gì”. Nhưng chúng tôi thì khác. Nhìn vào phim Xquang ngực của họ, tôi thấy một trái tim bệnh tật đang ngày đêm hối hả đập các nhịp đúng sai, qua đó tôi thấu rõ tâm can họ từ những vết đen hiện trên phim, cho dù vết đen ấy được che đậy cực kì kín đáo.
Đó chính là sự khác biệt trong cách nhìn./.