Bệnh lí và các biện pháp phòng ngừa Thể dục và lối sống lành mạnh

RƯỢU VÀ LỄ HỘI

Những ngày đầu tiên của mùa xuân âm lịch nhiều năm trước, tôi cùng đám bạn trong làng thường rủ nhau đi lễ hội đền Sóc.

Lễ hội đặc trưng bởi màn rước những cành lộc nhuộm phẩm màu, làm bằng tre bánh tẻ, cắm lên thân cây chuối. Khi tiếng hò reo lên đến đỉnh điểm trở thành tiếng la hét, thì người ta lao vào cây lộc để tranh cướp. Họ giẫm đạp và đánh nhau, co giật cộng đồng là điều hết sức hiển nhiên.

Quần thể đền Sóc gắn với truyền thuyết Thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc Ân nên người  quê tôi coi là chốn đặc biệt linh thiêng. Lễ hội tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.

Vào những ngày diễn ra lễ hội, bạo lực xảy ra bất kể sáng hay tối. Một số đàn ông, trong đó có nhiều thanh niên, mang theo vũ khí thô sơ như gậy gộc, dao kiếm để tăng cường sức mạnh. Tôi quan sát rất kĩ những cuộc ẩu đả, trong đó hầu hết là những người say rượu. Nhóm say rượu này đánh nhau với nhóm say rượu kia, trai làng này say rượu đánh nhau với trai làng khác cũng say rượu. Họ tung những nắm đấm cực mạnh vào mặt đối thủ để gây tổn thương tối đa. Họ dùng dao chém hoặc dùng gậy bổ vào đầu nhau không thương tiếc, dù nạn nhân đã gục đổ.

Khi mọi chuyện trở nên quá tầm kiểm soát, lực lượng giữ gìn an ninh trật tự sẽ kéo những kẻ đánh nhau ra, đưa họ đến các cơ sở y tế để chăm sóc vết thương. Đôi khi, sự can thiệp quá muộn, cái chết có thể xảy ra trong khoảnh khắc điên cuồng.

Là người sinh ra và lớn lên ở Sóc Sơn, tôi băn khoăn nhiều năm với câu hỏi, tại sao người quê tôi rất hiền hòa, nhưng chỉ trong một vài ngày đáng sợ của năm, họ bỗng trở nên hoang dã và hiếu chiến?

Để tìm kiếm câu trả lời, tôi đã đi rất nhiều lễ hội. Và dù ở lễ hội nào, tôi cũng thấy nhiều người say rượu. Hầu hết các đám gây gổ, đánh nhau xuất phát từ những người say rượu ấy.

Tôi cũng đã dự lễ hội truyền thống ở các quốc gia phương Tây. Tìm hiểu, tôi thấy chính quyền họ cũng gặp phải những vấn đề khó khăn khi quyết định cho phép người tham dự lễ hội mang theo đồ uống gì. Có lễ hội thoải mái uống, nhưng cũng nhiều lễ hội quy định nghiêm ngặt về loại thức uống được phép mang theo. Người phương Tây cho rằng, nếu mọi người có thể uống rượu bia thoải mái không bị hạn chế, thì sẽ có nhiều lễ hội không tồn tại.

Làm bác sĩ, tiếp xúc trực tiếp với nhiều bệnh nhân đánh nhau do say rượu trong những dịp lễ tết, thông qua kiến thức y học, tôi hiểu rằng, rượu khi uống vào sẽ làm cho não bộ giải phóng chất dopamine “hạnh phúc”. Nó làm cơ thể cảm thấy thư giãn nên nhiều đàn ông thích uống. Nhưng nạp rượu vào đến ngưỡng quá khả năng chịu đựng của cơ thể, thì rượu sẽ làm giảm khả năng “suy nghĩ thẳng” (suy nghĩ theo logic với lý trí thông thường), thu hẹp sự chú ý và tạo nên tư duy đường hầm, giảm mức độ thấu cảm.

Rượu cũng dễ gây nên sự bực bội, kéo khả năng kiểm soát bản thân xuống thấp, làm cách xử lí thông tin bị ảnh hưởng, dễ diễn giải sai lệch về hành vi của người khác và hiểu sai về xã hội. Người say dễ có cảm giác bị nhạo báng, dễ trở nên hung dữ, muốn chiến đấu với những người xung quanh. Đó là lí do rất nhiều trận đánh nhau xảy ra chỉ từ “cái nhìn đểu”.

Khi người uống rượu bị khiêu khích, do hệ thống cảnh báo mất tác dụng, họ trở nên nhầm lẫn và liều lĩnh, không có khả năng tính đến những yếu tố khác, ví dụ như hậu quả. Điều này dễ dẫn đến phản ứng dữ dội, ẩu đả hay đâm chém nhau.

Sẽ có nhiều người giật mình khi nhìn vào con số 6.000 bệnh nhân vào viện cấp cứu vì đánh nhau khi say rượu trong dịp Tết Nguyên Đán, đó là chưa tính số thương vong do đánh nhau trong các lễ hội sau Tết. Nhiều người đặt câu hỏi với tôi: “Có nên cấm uống rượu bia trong dịp Tết và trong lễ hội, thậm chí cấm luôn cả một số lễ hội?”

Nhưng các nghiên cứu về rượu đã chỉ ra rằng, rượu không gây nên hành vi, mà những hành vi hung hăng có sẵn trong bản chất của một con người cụ thể. Nghĩa là, trong cuộc sống hàng ngày, một người có tính hiếu chiến vì nhiều lí do kìm nén được, nhưng khi họ uống rượu vào, tố chất tiềm ẩn này dễ dàng bùng phát khiến họ thích bạo lực. Ngược lại, những người có bản chất hiền lành, nếu uống rượu say cũng chỉ im lặng hoặc ngủ. Chính vì lẽ đó mà pháp luật ở nhiều quốc gia không chấp nhận lí do say rượu để bao biện cho hành vi phạm tội.

Say rượu và bạo lực chưa bao giờ là đại diện cho văn hóa lễ hội. Đánh nhau là bất hợp pháp, nhưng chính quyền không thể cấm lễ hội, vì lễ hội là một phần quan trọng của văn hóa địa phương đã có từ hàng trăm năm. Đó là một truyền thống mà người dân địa phương sẵn sàng tìm mọi cách để bảo tồn. Vì thế mà mỗi năm trên đất nước ta, ngoài Tết Nguyên Đán còn có tới gần 8.000 lễ hội truyền thống, chưa kể những lễ hội khác như thể thao, văn hóa, hay các ngày lễ kỉ niệm.

Tôi không ủng hộ cho một nền văn hóa lễ hội mà ở đó tuyệt nhiên không có một giọt rượu nào. Nhưng tôi cũng muốn được thấy những lễ hội không có nguy cơ do bia rượu gây ra. Vì thế mà quan điểm của tôi là không cấm bia rượu, mà hãy giáo dục từng con người, từ các học sinh trên ghế nhà trường đến người lớn; hãy cung cấp thông tin đầy đủ để mỗi người tự xác định nên uống rượu bia hay không và dừng lại ở ngưỡng nào./.

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *