NẮM XÔI ĐỖ
=========
Bước qua tuổi năm mươi, nhiều thứ thời ấu thơ một phần bị tôi lãng quên theo năm, một phần do trí nhớ đã quá kém, nhưng vẫn còn những điều vương vấn trong tâm trí, không thể nào quên được.
Một trong số đó là câu chuyện nắm xôi đậu xanh.
Tôi nhớ kì thi tuyển sinh trung học, vào những năm 1980, cả huyện chỉ có hai trường cấp 3, số rất ít những học sinh tốt nghiệp cấp 2 mới dự thi vào lớp 10.
Thi vào cấp 3 hai môn văn toán đề khó hơn nhiều.
Nhà tôi ở nông thôn, cách trường 6 km, phải đến tận nơi để làm bài. Những đứa trẻ khác được bố mẹ đưa đón bằng xe đạp. Riêng tôi phải tự đi. Chiếc xe đạp dựng do tự tay tôi thực hiện, nó không phanh không chuông không gác đờ bu, bàn đạp “bút chì” nhọn hoắt, lại bị sang vành, săm lốp chửa vá chằng vá đụp và quấn dây cao su xung quanh.
Nó có thể bị nổ lốp hoặc đứt xích bất cứ lúc nào.
Đề thi phát 7 giờ, nên học sinh phải có mặt lúc 6 giờ 30, vì vậy ai cũng phải đi sớm. Mẹ sợ xe đạp của tôi bị hỏng ngang đường, nên nhờ một người cô tìm giúp một nhà trọ của họ hàng cô ấy, ở ngôi làng sát trường.
Chiều hôm trước mẹ cho tôi ăn bữa cơm độn sắn thật no.
Ăn xong, tôi đạp xe đến ngôi làng sát trường cấp 3, hỏi thăm vào nhà người cô đồng ý cho tôi ở trọ. Với một đứa trẻ ở nông thôn như tôi, đi quãng đường 6 km, mọi thứ đều mới lạ và háo hức. Chập choạng tối, từ nhà tôi đạp xe qua một phố thị mà thực chất là vài ngôi quán xá nho nhỏ bên cạnh một bãi tha ma rất lớn, rồi đến phố thị nhỉnh hơn một chút với bưu điện và đồn công an là hai công trình nổi bật bên cạnh trường cấp 3.
Người cô rất chu đáo lo cho tôi chỗ ngủ.
Buổi sáng tôi dậy sớm, thấy người cô đã dậy từ trước đó, cô chuẩn bị bữa sáng cho tôi. Một nắm xôi đậu xanh, miếng thịt kho mỡ khẩu, xôi thơm và thịt béo ngậy. Nếu là bây giờ, xôi và thịt mỡ chẳng có gì đặc sắc, thậm chí trẻ con rất ghét. Nhưng ở thời điểm đó, đối với tôi, thật là điều quá xa xỉ.
Gia đình tôi nông dân, nhưng bố quá già, mẹ lại bị tàn tật nên không được cấp ruộng, xôi đỗ thịt đã là thứ không thường thấy ở những gia đình nông thôn bình thường, nói gì đến gia đình nhà tôi.
Xôi đỗ tôi chỉ nhìn thấy ở những ngày tết Nguyên Đán.
Bữa sáng đó thực sự khiến trái tim tôi cảm động, vừa ăn vừa lẩm bẩm trong lòng, tôi sẽ phải làm bài thi tốt nhất. Ý tưởng lúc đó rất thơ ngây, tất cả mong muốn của tôi chỉ là thoát ra khỏi công việc đồng áng nặng nhọc ở làng quê, thoát khỏi cái đói nghèo đeo bám, được đến những phối thị như hai nơi tôi mới đi qua.
Năm đó tôi đã vượt qua kì thi với điểm 10 và 10 toán.
Vào cấp 3, tôi gặp muôn vàn khó khăn, phải đi làm kiếm tiền nuôi cả gia đình. Tôi không có điều kiện đến lớp thường xuyên như những bạn khác. Không có sách, chỉ một quyển vở duy nhất, bút cũng hết mực. Nhưng tôi đã giấu đi những giọt nước mắt để hoàn thành từng bài kiểm tra, vẫn tự hoàn thành những bài tập về nhà ở trong đầu thay vì viết ra giấy, tôi xoá bỏ những câu nói tục tĩu và những trò nghịch ngợm vô bổ. Tất cả những điều đó, một phần do tôi nghĩ tới nắm xôi đỗ, thức đã dệt lên trong tôi một giấc mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn, cho dù nó rất đơn giản.
Quan trọng hơn cả là tôi biết xây dựng một lịch trình chi tiết.
Tôi có một cây bút đỏ để ghi những điều tôi sẽ phải làm, đặc biệt là những thói hư tật xấu tôi cần tránh xa, bỏ qua những điều ngu dốt và kiêu ngạo, học cách kiềm chế bản thân, lập kế hoạch, xác định những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cần đạt được.
Để thi vào Đại học Y Hà Nội, tôi kiên trì học mười bảy tiếng mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ. Để trở thành bác sĩ có tay nghề vững, tôi học không dưới hai mươi tiếng mỗi ngày, học cả lúc đang làm thêm các công việc kiếm sống. Không có ngày nghỉ và không có lễ tết. Tốt nghiệp ra trường, tôi vẫn phải học và học, tự học bằng cách sáng đến bệnh viện từ 6 giờ đi buồng, khám xét lại bệnh nhân rồi ghi nhận xét và cho thuốc, đi mổ, đọc sách và các tài liệu đối chiếu kiến thức với thực hành; tôi chỉ rời bệnh viện sau 10 giờ đêm.
Tôi không được thông minh và giỏi giang, nhưng bù lại là sự cần cù chăm chỉ, sau nhiều tháng ngày kiên trì phấn đấu, cuối cùng tôi bắt đầu tự tin đối mặt với tương lai.
Nhiều bạn trẻ hỏi tôi làm thế nào để thành đạt?

Rất khó để có câu trả lời đúng, nhưng tôi vẫn nói với các bạn trẻ rằng, hãy lấy những kì thi vào cấp 3, tốt nghiệp phổ thông trung học và dự thi vào đại học, đó là những cái đích đầu tiên cần phấn đấu. Để có kết quả tốt trong các kì thi ấy, thì tôi phải học gấp nhiều lần, có nghĩa là sự chăm chỉ ở trường phổ thông và trường trung học là rất cần thiết, để giành được điểm số cao. Hãy nhớ rằng, trong cuộc đời không có ngọn núi nào cao hơn cái đầu con người, không có con đường nào dài hơn bàn chân con người; hãy thực sự bước đi bằng chính đôi chân và suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình.
Từ 15 đến 18 tuổi, tức là lúc thi vào cấp ba và bước vào đại học, đây là tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất. Thật tiếc, nhiều bạn trẻ đi con đường vòng trong thời gian này, có bạn còn không chịu bước đi, để sau này khi nhìn lại chợt nhận ra thì hối tiếc. Quãng tuổi thanh xuân này, tôi đồng ý rằng có thể yêu, có thể chơi bời và tham gia những bữa tiệc vui vẻ, nhưng quan trọng nhất vẫn là những ước mơ và từng bước hiện thực hoá ước mơ đó bằng những nỗ lực hết mình. Đừng dại dột nghe những lời xui dại rằng việc học là cả đời nhưng tuổi thanh xuân phải vui chơi thoả thích. “Ấu bất học – Lão hà vi”. Có nghĩa là trẻ không học thì già đừng trách tại sao suốt đời ngu dốt. Tôi đã từng đi nhiều quốc gia, ở đâu cũng thấy rằng, muốn thành đạt thì phải dành tuổi thanh xuân cho việc học hành, đừng quá coi trọng những thứ xung quanh mà bỏ bê kiến thức. Đôi khi, học sinh PTTH thực sự cần phải chịu đựng sự cô đơn, phải kiên trì chịu đựng sự cô đơn, đừng thấy hoa ven đường quá đẹp mà dừng lại để bỏ lỡ con đường đến thiên đường.
Lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ là, hãy dành nhiều thời gian cho việc học tập, khi có kiến thức trong bụng thì cuộc sống mới ấm no.
Câu chuyện nắm xôi đỗ của tôi năm xưa, các bạn trẻ hôm nay nghe lại, có thể như trò đùa. Nhưng với tôi đó là kỉ niệm không thể xoá nhoà. Và hôm nay, các bạn trẻ bước vào ngày đầu tiên của kì thi tốt nghiệp PTTH, cũng là kì thi lấy điểm xét tuyển vào đại học, nhớ lại câu chuyện nắm xôi với lòng biết ơn, tôi xin kể lại như một lời chúc các bạn trẻ thi đạt kết quả tốt.


P/s: Dự đoán đề văn năm nay, chủ đề về đất nước, về đoàn kết dân tộc và sự hi sinh để vượt qua thời khắc khó khăn, COVID-19 xuất hiện trong đề, khả năng có bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi hoặc “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên./.