– Này bố ơi! Bạn Tiến đấm vào mắt con, nếu con cũng đấm lại bạn Tiến vào mắt; thì sao hở bố?
– Thì cả thế giới sẽ bị mù lòa. Bởi vì bạo lực chỉ thể hiện con và bạn Tiến là những kẻ bất tài. Trong một xã hội văn minh, không thể lấy bạo lực để giải quyết bạo lực.
Chiều qua đi học về, Cù Tăng buồn bã chào bố và em, rồi đóng cửa phòng và nằm im trong giường. Bố gọi dậy ăn cơm, Cù Tăng nói không. Sợ con buồn chuyện gì ở lớp, bố gặng hỏi thì biết là con bị Tiến đánh.
Cù Tăng kể Tiến đánh Cù Tăng nhiều lần lắm, đánh trong lớp, đánh trong nhà vệ sinh. Bữa cơm bán trú lúc trưa, Tiến lên gối vào bụng và ngực, đấm vào mắt, cùi trỏ nữa; và Cù Tăng rất đau, không thể nào ăn cơm được.
Bản tính Cù Tăng hiền lành và nhút nhát. Một con muỗi cắn, Cù Tăng cũng không nỡ đập vì sợ muỗi đau. Mỗi lần mắc lỗi, bố chỉ nói rằng bố rất buồn, đó là điều mà Cù Tăng rất sợ, không gì sợ hơn bố buồn.
Sau khi hỏi kĩ sự việc, bố quyết đinh gọi điện cho cô giáo, chia sẻ với các bậc phụ huynh, xin số điện thoại để liên lạc với bạn Tiến và gia đình.

Bố nói rõ quan điểm, rằng bố phản đối bạo lực, vì trong một môi trường bạo lực thì mọi việc làm tốt chỉ là tạm thời, cái xấu lại luôn áp đảo và trở thành chân lí hiển nhiên.
Ngay sau đó, các phụ huynh đã chia sẻ những câu chuyện của con họ ở trường, bằng cách Comments vào bài chia sẻ trên Group, hay Inbox trực tiếp với bố.
Mọi người giật mình, hóa ra tình trạng bạo lực trong trường của Cù Tăng là có thật, nó không hề đơn giản, nhưng chẳng ai dám nói ra vì sợ đủ thứ trên đời.
Mọi người xưa nay chỉ quan niệm, bạo lực học đường là thầy cô đánh học trò, hoặc học trò đánh nhau hội đồng rồi quay clip tung lên mạng, mà không quan tâm đến những câu chuyện học sinh bắt nạt nhau.
Nhà trường, thầy cô và các bậc phu huynh, xưa nay họ rất ít quan tâm đến chuyện một học sinh hung hăng dữ tợn, hay đánh các bạn. Khi sự việc trở nên ầm ĩ, thì các bên chỉ miễn cưỡng giải quyết đại khái qua loa, thậm chí giấu nhẹm đi cho xong, để không ảnh hưởng đến thành tích.
Đó là cách tư duy thực sự nguy hiểm, nó khuyến khích bạo lực phát triển. Cùng với đó là sự sợ hãi tập thể, nó kích thích bản năng gia súc; và đặc biệt là bản năng gia súc ấy có thể lây lan với tốc độ rất nhanh.
Mỗi đứa trẻ có một đặc tính riêng. Sẽ có trẻ do hoàn cảnh gia đình theo xu hướng bạo lực, trẻ lại có thể chất phát triển sớm, hàm lượng Hormon giới tính như Testosterol tăng cao; thì học sinh đó có xu hướng bạo lực, hung hăng, hay đánh bạn, dễ lập băng nhóm trấn lột…
Và đứa trẻ đặc biệt như thế, cách giải quyết không phải là kỉ luật và kỉ luật, mà phải tạo ra một môi trường giáo dục đặc biệt, phải có cách giáo dục đặc biệt phù hợp với đứa trẻ.
Bố của Cù Tăng có biết vài học sinh như vậy, cả cô và các phụ huynh đều lo lắng, nhà trường chỉ nhăm nhăm đuổi học cho nhẹ gánh.
Một trường hợp gần đây nhất, là một em học sinh cấp 2, lực học kém, đánh nhau với cả trường, tụ tập một băng nhóm học sinh cá biệt chuyên trấn lột tiền ăn sáng của các bạn.
Một hôm, em học sinh cá biệt ấy cầm côn nhị khúc vụt một bạn vì không chịu nộp tiền. Gia đình em học sinh bị đánh có ông bố nóng tính, thuê dân xã hội đến cổng trường, mang sẵn dây trói để bắt quẳng lên ô tô, sẽ đánh cho một trận thừa sống thiều chết rồi muốn đến đâu thì đến.
Có thể thông cảm với ông bố có tình trạng kích động vì con bị đánh. Nhưng rõ ràng người lớn tìm đánh một đứa trẻ con, thì chưa cần đánh cũng đã thua, nói gì đến rắc rối pháp luật.
Bố của phụ huynh cá biệt cũng không vừa, thấy người khác thuê đánh con, thì cũng vác dao đi xử. Và như thế, bạo lực cực đoan đã lan rộng, nó che mắt tất cả sự sáng suốt.
Câu chuyện đến tai bố của Cù Tăng, loanh quanh hai bên đều quen biết, vì thế mà bố của Cù Tăng phải đứng ra can ngăn, hứa sẽ đưa học sinh bị đánh đi khám cẩn thận, sẽ giải quyết để em học sinh cá biệt không như vậy nữa…
Thầy hiệu trưởng với thái độ rất kiên quyết, nhân sự việc ấy phải đuổi học em học sinh cá biệt. Cô giáo chủ nhiệm cũng mong như thế, vì cô quá mệt mỏi và bất lực.
Bố của Cù Tăng nói với thầy hiệu trưởng rằng, nếu thầy đẩy em học sinh cá biệt ra ngoài đường, rất nhiều khả năng em sẽ thành kẻ cướp. Khi chúng ta còn kiểm soát được, thì sẽ có cách để giáo dục đứa trẻ thành người tốt, hoặc ít nhất giữ ở trường cũng tránh nguy hại cho xã hội.
Và bố của Cù Tăng đề xuất sáng kiến, đợi em học sinh cá biệt ấy có một thành tích nhỏ, sẽ tuyên dương toàn trường, rồi bổ nhiệm em làm lớp trưởng phụ trách lao động.
Ngay sau khi làm lớp trưởng phụ trách lao động, em học sinh đã trở nên gương mẫu đặc biệt, không đánh bạn, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời giúp các bạn hoàn thành tốt công việc.
Tất nhiên, bố của Cù Tăng cũng góp ý với cô giáo, là số lượng bài tập quá nhiều, điều đó không phù hợp với em học sinh cá biệt ưa hoạt động. Việc học là cả đời, bây giờ quan trọng hơn cả là dạy em làm người, kiến thức chỉ cần làm được bài tập trong sách giáo khoa là đủ.
Cô giáo đồng ý, các bài kiểm tra cô sẵn sàng hướng dẫn riêng để em đạt điểm tốt. Đồng thời, cô khuyến khích em lao động, hoạt động thể chất, tham gia thi các môn thể dục để xả bớt năng lượng.
Ngay trong năm học ấy, em học sinh nhanh chóng đạt thành tích học tập cao. Và kì thi vào cấp 3, em đỗ trường điểm với số điểm ai cũng phải ngạc nhiên và không thể tin nổi.
Qua cuộc điện thoại với mẹ bạn Tiến, thì được biết ở nhà Tiến rất ngoan ngoãn, thậm chỉ nhút nhát, rất sợ mẹ và đặc biệt sợ bố. Điều đó làm bố Cù Tăng băn khoăn và đặt câu hỏi, liệu có điều gì đó ở nhà làm cho bạn Tiến quá sợ bố mẹ, để đến lớp bạn Tiến cũng lại muốn các bạn khác phải sợ mình?
Câu hỏi ấy, được bố mẹ bạn Tiến xin có buổi gặp trực tiếp bố Cù Tăng, để được trao đổi và tìm hiểu thêm, rút kinh nghiệm về những cách dạy con, để bạn Tiến trở thành học sinh tốt nổi bật, thay vì hung hăng như vừa rồi.
Các phụ huynh khác trong lớp của Cù Tăng cũng nhanh chóng vào cuộc, đặc biệt là ban phụ huynh của nhà trường đã lập tức trao đổi với trưởng phụ huynh các khối và các lớp, cùng với các thầy cô, nhanh chóng rà soát lại toàn bộ, quyết tâm ngăn chặn những tình huống bạo lực.
Điều đó làm bố Cù Tăng rất vui, vì để đẩy lùi được bạo lực học đường, chỉ một vài người sẽ không bao giờ làm nổi điều đó.
Bạo lực, thực tế là một người đào hố rồi kéo những người khác cùng nhảy xuống. Nhưng bạo lực không chỉ là những cú đấm đá của người xấu, mà còn có cả sự im lặng hay thờ ơ của rất nhiều người tốt.
Đêm qua Cù Tăng rất đau vì những đòn lên gối và thúc khuỷu tay của bạn Tiến. Nhưng bố đã xoa bóp vỗ về, nên nỗi đau cũng dần dịu lại.
Sẽ không có gì đau đớn mà lại cháy bỏng như cái lạnh của mùa đông…/.