Bệnh lí và các biện pháp phòng ngừa

ĐỐI MẶT VỚI TRẦM CẢM

TRẦM CẢM
========

Những vấn đề tâm lý không bao giờ xảy ra đột ngột, mà nó được tích lũy từ nhiều ngày, nhiều tháng, hoặc nhiều năm.

Trầm cảm cũng vậy.

Khái niệm trầm cảm, hay còn được gọi là rối loạn trầm cảm, là một loại rối loạn tâm trạng, đặc trưng bởi tâm trạng thấp đáng kể và dai dẳng. Rối loạn trầm cảm có thể xếp thành ba loại: trầm cảm nặng, trầm cảm dai dẳng, trầm cảm theo mùa.

Mặc dù có nhiều trường hợp trầm cảm xuất hiện đột ngột, ví dụ như ngôi sao Hàn Quốc xinh đẹp đang rất thành công bỗng tự tử, nhưng đa số trường hợp việc xuất hiện trầm cảm là kết quả của quá trình tích tụ lâu dài. Trong cuốn tiểu thuyết trầm cảm kinh điển “Rừng Nauy” của Haruki Murakami, hàng loạt nhân vật bị rối loạn tâm lí được tích tụ qua nhiều năm, hệ quả dẫn đến trầm cảm và tự tử.

Nếu chúng ta để ý, sẽ có nhiều manh mối nhắc nhở bản thân đang rơi vào trạng thái trầm cảm, phải tự mình nhận ra để phòng tránh kịp thời.

Vậy những manh mối đó là gì?

① TRẠNG THÁI CHÁN NẢN KÉO DÀI

Con người chúng ta, ai cũng gặp phải những điều chán nản trong cuộc sống, nhưng có sự khác biệt lớn giữa chán nản giải thích được và chán nản không giải thích được.

Chán nản giải thích được sẽ gắn với những lí do cụ thể.

Hàng loạt những lí do, như áp lục công việc cao, áp lực cuộc sống, những người xung quanh làm mình bị tổn thương. Ví dụ, nhân viên ngân hàng chạy KPI, y bác sĩ khám và điều trị quá đông bệnh nhân, học sinh phải giành thành tích cao trong học tập, lãnh đạo muốn thăng chức, một nhân viên bị đồng nghiệp nói xấu và hãm hại sau lưng. Có rất nhiều ví dụ. Thậm chí, chỉ đơn giản là chúng ta vào Internet mỗi ngày, đọc và xem quá nhiều các thông tin tiêu cực, dần dần thành nghiện, nhìn tất cả mọi chuyện bi quan, liên tục chia sẻ lên trang Facebook cá nhân những vấn đề bức xúc.

Tất cả sự kiện tiêu cực như thế trong cuộc sống, nó khiến chúng ta lo lắng, cáu kỉnh, buồn chán. Nếu kéo dài nhiều ngày tháng, nhiều năm, sẽ khiến chúng ta bị trầm cảm.

Trong những tình huống ấy, chúng ta biết lí do làm cho mình buồn chán, chỉ cần sớm nhận ra và tìm cách khắc phục, sẽ không bị rơi vào trạng thái trầm cảm.

Chán nản không giải thích được lí do mới nguy hiểm.

Trong cuộc sống, có những lúc, hoặc đối với một số người, họ bị rơi vào cảm giác không vui mà chẳng hiểu tại sao. Cảm giác đó giống như tâm trí bị che phủ bởi lớp sường mù dày đặc, không giải thích được, làm cho tâm trạng lúc nào cũng thấp thỏm, không tự chủ được, nhưng không thể nói ra lí do cụ thể; đây là biểu hiện của tâm trạng thấp thực sự, nếu diễn ra trong thời gian dài, tức là cảm giác bất hạnh rõ rệt và dai dẳng, thì vấn đề trở nên nghiêm trọng.

Mọi người sẽ làm gì khi tâm trạng chán nản?

Một số người sẽ tìm ai đó để trò chuyện, trong khi người khác lại chọn cách trốn trong phòng và ở một mình, hoặc ngủ.

Nhân vật Naoko trong “Rừng Nauy” là ví dụ.

Nako không chỉ họ giỏi từ nhỏ, cô bé còn có tính cách rất đáng yêu, luôn tỏ ra vui vẻ, lạc quan. Chỉ thỉnh thoảng Naoko có tâm trạng không vui, khi đó cô bé nhốt mình trong phòng ngủ, có thể ngủ liền một mạch hai ba ngày, tự tạo ra những thương tích, cảm giác chán nản và bất hạnh. Trạng thái ấy cứ lặp đi lặp lại cho đến năm 17 tuổi, Naoko thấy bế tắc, cô bé kết thúc cuộc đời mình bằng cách tự sát.

Naoko là nhân vật điển hình cho tâm lí cực đoan.

Trong cuộc sống đời thực, có nhiều người đang đối mặt với những cảm xúc tiêu cực giống như Naoko, họ âm thầm chịu đựng và thể hiện với những người xung quanh hoàn toàn bình thường, giống như một người điềm tĩnh và tốt bụng. Sau một thời gian dài, tình trạng chán nản ngày càng nhiều hơn, cơ thể cảm giác nặng nề, mệt mỏi, không có sức lực.

Trầm cảm thường xảy ra theo cách này.

Khi sức chịu đựng quá giới hạn, tức là cơ thể không mang được gánh nặng tâm lí, thì cái giá phải trả sẽ rất lớn, hầu hết là tự sát. Chia sẻ là giải pháp quan trọng nhất. Hãy nhớ rằng, niềm vui khi được sẻ chia với người khác sẽ được nhân đôi, nỗi buồn khi sẻ chia với người khác sẽ giảm đi một nửa; vì thế đừng tự mình mang nỗi buồn.

② MẤT HỨNG THÚ VỚI NHIỀU THỨ

Tiền đề giúp một người có được hạnh phúc, là cảm nhận được mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhưng tiền đề của những cảm nhận tốt đẹp, đó là mối quan tâm đến những người và những sự vật xung quanh chúng ta. Bài viết “Đi bộ” và bài viết “Hồng tự chữa trầm cảm”, tôi đã nói rất rõ về sự cảm nhận này.

Trầm cảm có một từ rất đơn giản là “mất vui”.

Có nghĩa là, chúng ta mất hứng thú với nhiều thứ, mà nếu ở người bình thường sẽ cảm thấy rất vui. Bình thường một người luôn có những sở thích. Sở thích giúp chúng ta cảm nhận và trải nghiệm cuộc sống bên ngoài, là niềm vui, là nguồn sức sống của con người. Nhưng khi sở thích không còn, thì sự quan tâm đến những người và những sự vật xung quanh sẽ giảm đi, tâm hồn luôn cảm thấy xơ cứng và chán nản, trái tim mất đi nhiệt huyết cuộc sống.

Người ta chỉ làm những gì mình thích.

Khi niềm vui không có, việc tương tác với mọi người không thể khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, thì mọi giao tiếp sẽ đóng lại, người trầm cảm không còn muốn bước chân ra thế giới bên ngoài. Ngay cả tình dục cũng vậy. Làm tình không cảm thấy hạnh phúc, vì vậy, đời sống tình dục của người trầm cảm ngày càng ít đi.

Hãy theo đuổi sở thích, tìm cho mình niềm vui, để không bị trầm cảm.

③ GIẢM HOẶC TĂNG CÂN NGOÀI Ý MUỐN

Ăn uống luôn phụ thuộc vào cảm xúc, mọi người ăn để thưởng thức, và thứ cơ bản nhất để giải quyết mọi rắc rối chính là thực phẩm; nhưng một người không hài lòng khi ăn uống, thì đó là dấu hiệu của trầm cảm.

Thông thường, đa số người trầm cảm thường chán ăn, không ăn được gì, việc ăn uống chỉ là miễn cưỡng để duy trì các chức năng sống; trong tình huống này cơ thể sẽ giảm cân nhiều.

Trầm cảm cũng liên quan đến mức serotonin thấp.

Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh trong não, nó có tác dụng làm giảm lo lắng, là chất ổn định tâm trạng. Người trầm cảm mức serotonin luôn thấp. Mà serotonin còn có một chức năng khác, là kích thích tiêu hoá, gây cảm giác thèm ăn; vì thế mà người trầm cảm không muốn ăn.

Serotonin cũng cho biết khi nào phải ngừng ăn.

Tức là cảm giác no bụng, nhưng nếu serotonin thấp có thể dẫn đến mất cảm giác no bụng, làm cho người bị trầm cảm không biết dừng, cứ ăn liên tục, ăn vô độ, dẫn đến bị tăng cân.

④ MẤT NGỦ HOẶC NGỦ QUÁ NHIỀU

Rối loạn giấc ngủ là một trong những biểu hiện của trầm cảm, nó cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm; và ngược lại mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều cũng làm cho trầm cảm trở nên nặng hơn.

Mất ngủ có 4 hình thức:

✓ Khó ngủ

✓ Thức dậy sớm khoảng 3 đến 4 giờ sáng, sau khi thức dậy không thể ngủ lại, dù rất buồn ngủ cũng phải thức dậy vào khung giờ đó, sau đó chỉ có thể thức đến tận sáng.

✓ Thức dậy nhiều lần vào ban đêm.

✓ Mất ngủ cả đêm, thậm chí rất mệt và buồn ngủ nhưng vẫn không thể ngủ.

Ngủ quá nhiều của trầm cảm được đặc trưng bởi lúc nào cũng buồn ngủ, ngủ hơn 10 giờ mỗi ngày, thậm chí ngủ cả ngày, trong giấc ngủ thường gặp ác mộng, thức dậy cảm thấy kiệt sức.

⑤ THAY ĐỔI HÀNH VI (KHÓ CHỊU, CHẬM CHẠP)

Điểm nhấn mạnh ở đây là “sự thay đổi” hành vi mà người xung quanh có thể nhìn thấy được. Ví dụ, một người trước đây luôn gọn gàng, ngăn nắp bỗng trở nên luộm thuộm, nhếch nhác. Một người trước đây rất thông minh, nhưng tự dưng suy nghĩ chậm chạp, khó hiểu.

⑥ MỆT MỎI THIẾU NĂNG LƯỢNG

Trầm cảm là một tình trạng bệnh lí có liên quan đến thể chất. Khi bạn bị trầm cảm, các chất hóa học trong cơ thể sẽ thay đổi, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt.

Con người là động vật quan hệ, mọi người cần phải kết hợp với nhau để có được cảm giác thân thuộc, từ đó tìm ra những thú vui.

Nhưng nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi vì phải đối mặt với mọi người, không muốn nói chuyện hay giao tiếp với ai, dần dần bạn chọn cách rút lui khỏi các mối quan hệ, thu mình lại, không đi ra ngoài, suốt ngày trốn ở nhà, chui vào phòng riêng, quấn mình trong không gian nhỏ hẹp như con tằm, không làm việc và cũng không ra ngoài, thậm chí ít giao tiếp với cha mẹ hay con cái bởi chỉ mỗi việc nói thôi cũng cảm thấy mệt.

⑦ LUÔN LUÔN BI QUAN

Cuộc sống của mỗi người được tạo nên từ = 5% niềm vui + 5% nỗi buồn + 90% sự khó chịu.

Người bình thường sẽ nhận thức được điều đó và chấp nhận. Nhưng đôi khi chúng ta bị rơi vào trạng thái phi lí trí, không chấp nhận sự thật đó, dù chuyện gì xảy ra chăng nữa thì tâm trí vẫn luôn nghĩ theo hướng bi quan.

Ví dụ, con đi học luôn lo lắng hệ thống giáo dục kém chất lượng, bạo lực học đường. Hoặc khi đi chơi, luôn cảm giác đường phố hỗn loạn xấu xí, tai nạn giao thông rình rập. Những người nhìn nhận sự việc theo hướng này, giống như đeo một cặp kính râm, mọi thứ họ thấy đều màu xám xịt.

Đó là cách tạo ra sự không hạnh phúc cho bản thân.

Cách nhìn vấn đề toàn màu đen như thế, không những làm cho điều tồi tệ có cơ hội xảy ra, mà còn tạo ra những điều tồi tệ khiến bản thân không vui; nó là kết quả của việc nhìn nhận một sự việc hiện tượng theo hướng tiêu cực quá mức, dần dần khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi và chán nản về những gì đã trải qua, cảm thấy thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng.

Khi tâm hồn không vui, cơ thể sẽ không tiết ra được các hormone hạnh phúc như dopamin, serotonin, oxytocin, estrogn, progesteron; sự tác động hoá học này sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, nhìn sự việc hiện tượng luôn bi quan, đánh giá thấp bản thân, luôn tự trách mình, suy nghĩ tiêu cực.

Tự trách bản thân dễ nhầm với tốt bụng.

Có nghĩa là khi gặp xung đột với người khác, thì luôn trách bản thân, đổ lỗi cho bản thân, họ luôn tự nhục, luôn ngẫm nghĩ tại sao mình không thể tốt hơn với người khác. Với mọi xung đột bên ngoài cũng thế, họ đặt mình vào hoàn cảnh, tự nhận và rồi tự nhục tự xấu hổ.

Nhiều người tự nhận lỗi, tự nhục và tự xấu hổ, tự cảm thấy mình không thể hạnh phúc khi bản thân hay xã hội đang xảy ra những chuyện bất bình thường, đây là cách chủ động đưa mình vào trạng thái trầm cảm nhanh nhất.

⑧ SUY NGHĨ CHẬM VÀ THIẾU TẬP TRUNG

Người khoẻ mạnh bình thường, có thể suy nghĩ mọi thứ thông suốt, thậm chí cùng lúc tư duy nhiều vấn đề vẫn thuận lợi sáng tỏ. Nhưng với người có tâm trạng chán nản, chỉ có thể suy nghĩ một việc nhưng chẳng đâu vào đâu, suy nghĩ nửa vời nửa chừng và bị mắc kẹt trong đó.

⑨ NGHĨ VỀ CÁI CHẾT

Trầm cảm là một rối loạn cảm xúc có tính hung hăng cao, nhưng lại không hướng ra ngoài, mà tập trung hướng vào bản thân.

Nếu một người luôn cảm thấy không vui, nhưng cách thể hiện sự bất hạnh là kể với mọi người để giải toả, thậm chí tìm cách đổ lỗi cho người khác; những người như vậy không dễ bị trầm cảm, bởi họ đã hướng nỗi phiền muộn ra bên ngoài, chuyển nỗi buồn sang người khác gánh chịu hộ. Thực tế cuộc sống chúng ta hay gặp những người bạn nói xấu mình. Đó là điều họ muốn, mục đích của họ của họ là làm bạn không hài lòng, để họ giảm bớt nỗi bất hạnh.

Ngược lại, có người không bộc lộ cảm xúc hung hăng ra bên ngoài, mà để nó tấn công bản thân, tức là cảm giác tội lỗi, xấu hổ, tự nhục, bi quan và tuyệt vọng. Sau một thời gian dài, những người này thấy rằng cuộc sống đang trở nên thừa thãi vô nghĩa, họ bắt đầu nghĩ đến tự sát.

Vơi người trầm cảm, tự sát không còn là sự tổn thương trong lòng, mà là một sự giải phóng, giải phóng để thoát khỏi nỗi đau.

💔

 TÓM LẠI

Trầm cảm là vấn đề tâm lí được tích tụ theo thời gian.

Cụ thể là trên 2 tuần, khi bạn mắc từ 5 dấu hiệu trở lên, thì phải nghĩ đến khả năng bị trầm cảm. Cuộc sống luôn có những niềm vui và nỗi buồn. Nhưng niềm vui thì ít và nỗi buồn thì nhiều. Không thiếu những chuyện trong cuộc sống mà bạn khóc không thành giọt nước mắt. Ví dụ, chỉ đơn giản như các triệu chứng trong chu kì kinh nguyệt, nó cũng hao hao giống 9 biểu hiện tôi đã liệt kê trên đây. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng ấy kéo dài trên hai tuần, thì bạn phải đặt vấn đề mình có bị trầm cảm hay không, hãy nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ. Đối mặt với trầm cảm, cách tốt nhất là bạn nên giải quyết sớm, tức là khi gặp chuyện không vui trong cuộc sống thì hãy tìm cách thoát khỏi nó càng sớm càng tốt, đừng để nỗi buồn kéo dài trên hai tuần./.

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *