
𝐊𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐜𝐡𝐢̉ 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐭𝐫𝐞̉, 𝐦𝐚̀ 𝐧𝐠𝐚𝐲 𝐜𝐚̉ 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐠𝐢𝐚̀ 𝐜𝐡𝐞̂́𝐭 đ𝐨̣̂𝐭 𝐧𝐠𝐨̣̂𝐭, 𝐭𝐡𝐢̀ 𝐜𝐮̃𝐧𝐠 đ𝐞̂̀𝐮 𝐥𝐚̀ 𝐧𝐨̂̃𝐢 𝐬𝐨̛̣ 𝐡𝐚̃𝐢 𝐜𝐡𝐨 𝐛𝐚̂́𝐭 𝐜𝐮̛́ 𝐚𝐢, 𝐛𝐨̛̉𝐢 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐜𝐡𝐞̂́𝐭 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐜𝐨́ 𝐭𝐡𝐨̛̀𝐢 𝐠𝐢𝐚𝐧 𝐧𝐨́𝐢 𝐥𝐨̛̀𝐢 𝐭𝐚̣𝐦 𝐛𝐢𝐞̣̂𝐭, 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐤𝐡𝐢 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐬𝐨̂́𝐧𝐠 𝐜𝐮̃𝐧𝐠 𝐜𝐡𝐮̛𝐚 𝐜𝐨́ 𝐭𝐡𝐨̛̀𝐢 𝐠𝐢𝐚𝐧 đ𝐞̂̉ 𝐭𝐡𝐢́𝐜𝐡 𝐧𝐠𝐡𝐢 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐜𝐚̉𝐧𝐡 𝐬𝐞̃ 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐜𝐨̀𝐧 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐭𝐡𝐚̂𝐧 𝐲𝐞̂𝐮 𝐜𝐮̉𝐚 𝐦𝐢̀𝐧𝐡 𝐭𝐫𝐞̂𝐧 𝐜𝐨̃𝐢 đ𝐨̛̀𝐢 𝐧𝐚̀𝐲.
Một nghiên cứu khám nghiệm tử thi 427 trường hợp người trẻ từ 5 – 35 tuổi chết đột ngột ở Sydney (Australia), nghiên cứu được công bố vào năm 2005, kết quả cho thấy:

71% nam giới.


56% nguyên nhân tim mạch: Bao gồm rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim cấp, viêm cơ tim, bệnh cơ tim phì đại, bóc tách động mạch chủ.

32% đột quỵ não: Bao gồm động kinh, xuất huyết nội sọ, nhồi máu não, tắc động mạch cảnh do xơ vữa, bóc tách động mạch cảnh.

12% do nguyên nhân khác: Nhồi máu phổi, hen suyễn.
Chủ đề “Người trẻ chết đột ngột” phát sóng trên kênh youtube “Bác sĩ Trần Văn Phúc Official”, tôi đã phân tích rất kĩ về các nguyên nhân, bạn đọc có thể vào đường link dưới commemt để theo dõi.
Bài viết này tôi nói về tắc động mạch cảnh.
Thực ra với nhiều người, cái chết chẳng là gì cả, bởi chết còn sướng hơn là sống thất bại, Chúng ta sống thọ khoảng 2×50 = 100 tuổi. Nhưng trong thực tế tôi quan sát thấy, có rất nhiều người chết ở độ tuổi 20 và họ tiếp tục chết từng ngày, vậy mà phải đến mãi 80 tuổi mới được chôn cất.
Những người như vậy sống chẳng để làm gì.
Ngược lại, có người sống mãi trong kí ước của người thân, nhưng họ lại chết đi, thì cái chết đó thật là uổng phí, thật là đớn đau với chính những người sống đang tưởng nhớ họ. Vì thế, bài viết của tôi muốn chuyển đến những kiến thức cơ bản về tắc động mạch cảnh dẫn đến cái chết, để mọi người biết mà phòng tránh.
Hệ thống động mạch cấp máu cho não là một dự án siêu lớn và siêu tinh tế.
Động mạch cảnh là con đường chính ngạch duy nhất đưa máu từ tim lên trên não. Phạm vi cấp máu của động mạch cảnh trong bao gồm toàn bộ não trước, toàn bộ não giữa, cùng với 3/5 não sau. Vì vậy, nếu con đường chính ngạch này mà bị tắc, thì sự nguy hiểm có thể nhìn thấy rõ, đó là cái chết.
Còn một con đường tiểu ngạch, đó là động mạch đốt sống, cấp máu cho 2/5 não sau, cùng với tiểu não và thân não.
Nếu con đường tiểu ngạch bị tắc, thì còn hi vọng con đường chính ngạch hỗ trợ, nhưng chiều ngược lại thì không, đó là lí do tắc động mạch cảnh hầu hết đối diện với cái chết.
Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện.
Tôi có một người bạn, anh ấy là lãnh đạo của một cơ quan, trung niên 42 tuổi đầy triển vọng. Anh rất chăm chỉ chịu khó, hết giờ hành chính anh tranh thủ đi làm ngoài, làm cả thứ Bảy và Chủ nhật, nên anh kiếm được rất nhiều tiền. Ngày nào anh cũng phải giao lưu. Đặc thù công việc của anh là phải giao lưu, cả tuần giao lưu, may lắm mới được một bữa cơm ở nhà cùng vợ con. Một buổi tối mùa đông lạnh, hôm ấy là trong Tết, anh đang giao lưu như thường lệ, bỗng đột nhiên tay phải đang cầm chén rượu hô “trăm phần trăm dô” thì rơi thẳng xuống mâm, cảm thấy choáng váng, mắt bắt đầu tối sầm rồi suýt ngã đập đầu vào tường. Ban đầu mọi người tưởng anh bị say rượu, sau đó thì phát hiện có điều không ổn, mọi người đã vội đưa anh tới bệnh viện. Kết quả chụp CT cấp cứu trong đêm, anh bị tắc 85% động mạch cảnh bên trái, gây ra tình trạng thiếu máu não. Tình trạng của anh ổn định, nên bác sĩ cho nằm viện theo dõi, dự kiến có thể can thiệp phẫu thuật hay đặt stent động mạch cảnh. Nhưng một tuần sau chụp CT, MRI và DSA kết quả động mạch cảnh không còn bị hẹp, anh được ra viện. Nhưng kể từ đó, ai gọi đi giao lưu là anh tìm cách trốn, anh cũng không đi làm thêm ngoài giờ nữa.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như anh bạn tôi.
Tôi lấy ví dụ, nạn nhân mới đây nhất được truyền thông quốc tế nhắc đến, là trường hợp của cô Stefanie Smith, 41 tuổi, chết đột ngột trên chuyến bay về nhà vào ngày 28 tháng 2 năm 2024. Trước đó cô bị cảm cúm. Trên máy bay cô ho quá mạnh, động mạch cảnh bị rách, máu chảy tụ lại trong thành gây tắc nguồn cấp máu lên não và cô phải trả giá bằng cái chết.
Bóc tách động mạch cảnh đề cập đến vết rách ở nội mạc của động mạch cảnh vùng cổ, khiến máu chảy vào thành động mạch tạo thành khối máu tụ trong thành, từ đó gây ra hẹp động mạch, tắc nghẽn hoặc những thay đổi giống như chứng phình động mạch. Căn bệnh này có thể gây tổn hại nghiêm trọng: thứ nhất, bản thân việc bóc tách gây ra tắc nghẽn động mạch cảnh, sau đó là nhồi máu não diện rộng; thứ hai, huyết khối trong vết rách bong ra, gây tắc mạch não; thứ ba, vết rách vỡ có thể gây chảy máu ồ ạt.
Bệnh nhân có thể tử vong đột ngột.
Ở người già, bóc tách động mạch cảnh chỉ chiếm 2% tổng số ca đột quỵ, nhưng ở những bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi, thì bóc tách động mạch cảnh lại chiếm đến 25%.
Yếu tố nguy cơ chính gây bóc tách động mạch cảnh vẫn là “ba chàng ngự lâm” gồm: tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao. Ba chàng ngự lâm ấy sẽ gây nên mảng xơ vữa trong động mạch cảnh. Thuật ngữ “mảng xơ vữa – atherosclerosis” xuất phát từ tên gọi của nó, chữ athero có nghĩa là “cháo kê” từ tiếng Hy Lạp, cùng với chữ sclerosis tức là xơ cứng. Cách mảng xơ vữa được hình thành là, khi mạch máu có những vết loét, trong khi cholesterol và lipid máu cao sẽ lắng đọng lại, ban đầu có màu vàng và mềm như cháo kê, sau đó xơ cứng “sclerosis” dần lên, gây hẹp rồi tắc lòng mạch. Lí do cholesterol và lipid máu cao, có mối liên quan chặt chẽ với hút thuốc lá, nghiện rượu, chế độ ăn uống sinh hoạt không lành mạnh dẫn tới rối loạn chuyển hoá.
Từ những mảng xơ vữa trên nền các vết loét, dưới tác động từ bên ngoài, ví dụ chấn thương như tát hoặc đấm vào cổ, hoặc những nguyên nhân rất buồn cười như mát xa vùng cổ không đúng cách, ho cưỡng bức, hắt hơi, nâng vật nặng, cười quá nhiều, gào thét khi hát karaoke, táo bón lâu ngày rặn quá mạnh, quan hệ tình dục quá sức, v.v., tất cả đều có thể khiến động mạch cảnh bị tổn thương do kéo căng cơ học, nội mạc động mạch bị rách và máu chảy vào thành động mạch tạo thành khối máu tụ trong thành, sau đó có thể dẫn đến đến hẹp động mạch, tắc nghẽn và những thay đổi giống như chứng phình động mạch.
Một nghiên cứu trên 750 bệnh nhân Canada cho thấy, khoảng 30% dân số được quan sát nâng tạ nặng hơn 50 pound đã từng bị bóc tách động mạch cảnh tự phát.
Mỗi năm thế giới có 2 triệu người trẻ bị chết vì đột quỵ não.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai được các báo trích dẫn, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người đột quỵ, trong đó có tới 8% là người trẻ dưới 45 tuổi, có nhiều trường hợp ở độ tuổi 20 – 30. Tại trung tâm này, mỗi ngày tiếp nhận 50 -55 người bị đột quỵ, riêng ngày 21/3 có tới 6 ca đột quỵ ở người trẻ, Trung tâm cũng ghi nhận tỉ lệ bệnh nhân trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng.
Các trung tâm đột quỵ luôn quá tải bệnh nhân.
Bệnh viện Nhân dân 115 ghi nhận, một tuần nghỉ Tết Nguyên Đán, bệnh viện này tiếp nhận 300 ca đột quỵ với 15% người trẻ dưới 45 tuổi, đây cũng là con đột quỵ mà hàng ngày bệnh viện tiếp nhận.
Mỗi năm VN có khoảng 16.000 – 30.000 người trẻ bị đột quỵ.
Hãy tưởng tượng ở nước ta, cứ 15 phút lại có một người trẻ bị đột quỵ, con số làm chúng ta không thể không suy nghĩ. Rõ ràng chúng ta không thể ngừng mát xa vùng cổ, không thể ngừng ho, ngừng hắt hơi, không nâng vật nặng, không cười đùa, không gào thét khi hát hò, táo bón lâu ngày không rặn mạnh khi ngồi toilet, hay dừng quan hệ tình dục.
Vậy chúng ta phải làm gì?
Nếu tôi không học tập và làm việc trong bệnh viện hơn ba năm, tôi sẽ không thể tin được những điều trên, cũng chẳng thể đưa ra được lời khuyên cho các bạn rằng phải làm gì. Thực tế cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Có người chưa lập gia đình, có người đã lập gia đình và có vợ chồng con cái, sẽ thật đau xót khi những bậc cha mẹ tóc trắng chứng kiến cái chết đột ngột của con mình, cũng sẽ bất lực đến cùng cực khi chứng kiến những đứa trẻ mới tập chạy bống mất cha mất mẹ.
Để không xảy ra cảnh đó, các bạn nên nghe lời khuyên của tôi, thực hành quản lí tốt 6 con ngựa và lái tốt 3 cỗ xe.

𝗤𝘂𝗮̉𝗻 𝗹𝗶́ 𝘁𝗼̂́𝘁 𝟲 𝗰𝗼𝗻 𝗻𝗴𝘂̛̣𝗮:
➀ Chế độ ăn uống lành mạnh.
➁ Thể dục đều đặn.
➂ Kiểm soát cân nặng.
➃ Tránh xa rượu bia và thuốc lá.
➄ Ngủ sớm dậy sớm.
➅ Thái độ sống tốt.

𝗟𝗮́𝗶 𝘁𝗼̂́𝘁 𝟯 𝗰𝗼̂̃ 𝘅𝗲:
➊ Kiểm soát huyết áp.
➋ Kiểm soát đường huyết.
➌ Kiểm soát mỡ máu./.