𝗩𝗼̛́𝗶 𝗰𝗵𝗶́𝗻𝗵 𝘀𝗮́𝗰𝗵 𝘁𝗵𝘂𝗲̂́ “𝗰𝗼́ đ𝗶 𝗰𝗼́ 𝗹𝗮̣𝗶”, 𝘁𝗮̣𝗶 𝘀𝗮𝗼 𝗧𝗼̂̉𝗻𝗴 𝘁𝗵𝗼̂́𝗻𝗴 𝗛𝗼𝗮 𝗞𝘆̀ 𝗗𝗼𝗻𝗮𝗹𝗱 𝗧𝗿𝘂𝗺𝗽 𝗹𝗮̣𝗶 𝗰𝗵𝗼̣𝗻 𝗻𝗴𝗮̀𝘆 𝟮 𝘁𝗵𝗮́𝗻𝗴 𝟰 𝗹𝗮̀𝗺 “𝗡𝗴𝗮̀𝘆 𝗚𝗶𝗮̉𝗶 𝗽𝗵𝗼́𝗻𝗴 – 𝗟𝗶𝗯𝗲𝗿𝗮𝘁𝗶𝗼𝗻 𝗗𝗮𝘆” đ𝗲̂̉ 𝘁𝘂𝘆𝗲̂𝗻 𝗰𝗵𝗶𝗲̂́𝗻 𝘃𝗼̛́𝗶 𝘁𝗵𝗲̂́ 𝗴𝗶𝗼̛́𝗶 𝗯𝗮̆̀𝗻𝗴 𝗰𝗮́𝗰𝗵 𝗮́𝗽 𝘁𝗵𝘂𝗲̂́ 𝗯𝘂̛̀𝗮 𝗯𝗮̃𝗶, 𝗯𝗮̂́𝘁 𝗸𝗲̂̉ 𝗾𝘂𝗼̂́𝗰 𝗴𝗶𝗮 đ𝗼́ 𝗹𝗮̀ đ𝗼̂̀𝗻𝗴 𝗺𝗶𝗻𝗵 𝗵𝗮𝘆 𝗸𝗲̉ 𝘁𝗵𝘂̀?
Vào một ngày đông lạnh giá tháng 12 năm 2024, cộng đồng kinh tế toàn cầu đã bị sốc bởi một tin tức chấn động: Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ chọn Stephen Miran làm chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế (CEA).
Chấn động là bởi vì, trước đó một tháng Miran gửi đến Mar-a-Lago một cuốn sách có tên “Cẩm nang tái cấu trúc hệ thống giao dịch toàn cầu – A User’s Guide to Restructuring the Global Trading System” do chính ông biên soạn. Nội dung cuốn sách lập luận rằng, nếu thuế quan được sử dụng làm con bài mặc cả để làm suy yếu đồng đô la đang có giá trị rất cao, thì không chỉ ngành sản xuất Hoa Kỳ được cứu, mà nước Mỹ sẽ vĩ trở nên vĩ đại. Miran gửi tận tay Trump cuốn sách, nhưng không hiểu sao nó bị, cộng đồng kinh tế chính thống chỉ trích cuốn sách khá nặng nề.

Trump coi cuốn sách này như kinh thánh.
Trong nhiệm kì đầu của mình, Trump đã bổ nhiệm Miran giữ chức vụ cố vấn cao cấp về chính sách kinh tế tại Bộ Tài chính. Miran cũng là chiến lược gia cấp cao tại Hudson Bay Capital Management và đồng sáng lập công ti quản lí tài sản Amberwave Partners. Di sản học thuật của Miran chưa có gì ngoài cuốn sách mỏng dính ông gửi Trump. Về bằng cấp, Miran mới chỉ tốt nghiệp Đại học Boston năm 2005 với các chuyên ngành kinh tế, triết học và toán học. Năm 2010, ông nhận bằng tiến sĩ kinh tế từ Đại học Harvard, nơi ông nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Martin Feldstein.
Tình bạn giữa Trump và Miran đã sinh ra cuốn sách.
Nếu như Trump là một Tổng thống có một chiến lược kinh tế rõ ràng, thì chính Miran là người đã vạch ra chiến lược đó thay Trump, với những triết lí và từng bước đi rất cụ thể. Hai người đàn ông này đã quen biết nhau nhiều năm và Trump rất hào phóng khi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với “tài năng” của Miran. Những gì Miran thiết kế trong cuốn sách, đó chính là lí do thực sự khiến Trump quá ám ảnh, để ông phát động một cuộc chiến thương mại và chiến tranh thuế quan toàn cầu.
Vì nội dung Miran viết quá dài, ngôn ngữ kinh tế cũng khó hiểu đối với người bình thường, vì thế mà tôi xin mạnh dạn được diễn giải nôm na mánh qué, bài viết của tôi sẽ rút ngắn nhất có thể.
Cuốn sách mở đầu bằng việc nói rằng thế giới bên ngoài đang dự đoán cuộc chiến thuế quan sẽ gây ra lạm phát cao ở Hoa Kỳ, đồng thời làm tăng sự biến động thậm chí là rối loạn của thị trường, nhưng thực tế không phải vậy. Từ năm 2018 đến năm 2020, Trump cũng đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại, nhưng lạm phát của Mỹ không bùng nổ. Ngược lại, nó mang đến sự thịnh vượng kinh tế, Trump đã kiếm tiền cho nước Mỹ rất tốt.
Có hai lí do chính đằng sau điều này:
1. Sự tăng giá của đồng đô la Mỹ.
2. Sự mất giá của đồng Nhân dân tệ.
Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, chúng ta thường nghe các cuộc thảo luận về chủ đề nóng hổi liên quan đến việc tăng giá đồng tiền, cũng như việc đồng tiền bị mất giá. Theo bản năng, những người không được học về kinh tế sẽ nghĩ rằng đồng tiền “tăng giá” là tốt, ngược lại thì “mất giá” là xấu. Thực tế thì “tăng giá” hay “mất giá” chỉ là những khái niệm kinh tế tương đối và không có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực. Về lí thuyết, 1 đô la Mỹ sẽ mua được một lượng hàng hoá ở Mỹ, 1 Nhân dân tệ sẽ mua được một lượng hàng hoá ở Trung Quốc. Nếu đồng tiền tăng giá thì sẽ mua được nhiều hơn hàng hoá ở nước ngoài, ngược lại, đồng tiền mất giá sẽ mua được ít hàng hoá hơn.
Lấy trứng làm ví dụ cho dễ hiểu.
Ở Hoa Kỳ hiện tại, bạn có thể mua 1 quả trứng với giá 1 đô la, trong khi ở Trung Quốc bạn có thể mua 1 quả trứng với giá 1 tệ. Nhưng tỉ giá hối đoái của đô la sang tệ là 7, điều đó có nghĩa là 1 đô la sẽ đổi được 7 tệ, nếu bạn mang 1 đô la sang Trung Quốc sẽ mua được 7 quả trứng, nhưng bạn mang 7 tệ sang Mỹ chỉ mua được 1 quả trứng.
Bây giờ tôi giả sử, đồng Nhân dân tệ tăng giá, tỉ giá hối đoái giảm xuống còn 6, điều đó có nghĩa là bạn mang 1 đô la sang Trung Quốc chỉ mua được 6 quả trứng, trong khi bạn sang Mỹ chỉ cần 6 tệ sẽ mua được 1 quả trứng. Điều này có nghĩa là, nếu bạn đang sinh sống và làm ăn ở Trung Quốc, trong ví bạn có tệ, thì bạn rất muốn mua thêm trứng để bổ sung cho bữa ăn, ngoài việc mua trứng ở Trung Quốc thì bạn mua thêm trứng của Mỹ, tức là sức mua trứng tăng lên, vì thế mà người chăn nuôi ở Trung Quốc tăng lên và nhập khẩu trứng từ Mỹ sẽ tăng lên. Nhưng tôi lại giả sử đồng Nhân dân tệ tăng giá rất cao, 1 đô la chỉ đổi được 4 tệ. Nếu bạn là người thường xuyên mua trứng ở Trung Quốc để bán sang cho bạn bè ở bên Mỹ lấy đô la, vậy mỗi quả trứng mang sang Mỹ bạn nhận 1 đô la nhưng đem về Trung Quốc chỉ đổi được 4 tệ, thay vì 7 như trước đây. Vậy, số tiền bạn đã mất là 3 tệ nên bạn không muốn đi buôn trứng nữa, tức là xuất khẩu trứng ở Trung Quốc đã giảm. Vì số trứng không xuất khẩu được, trong khi số tiền thu được từ bán trứng quy ra đô la lại ít, trong khi tiền đầu tư mua thức ăn hay vật liệu chuồng trại chăn nuôi bằng đô la sẽ tăng lên dẫn đến người chăn nuôi bị lỗ, họ buồn chán bỏ bê công việc, tức là nền kinh tế bị trì trệ không phát triển.
Đến đây, tôi tin các bạn không có chữ nào về kinh tế cũng sẽ hiểu được rằng, nếu thúc đẩy việc tăng giá đồng tiền ở nước khác có quan hệ thương mại, tăng càng cao càng tốt, thì sẽ nhanh chóng thúc đẩy xuất khẩu ở nước mình, đồng thời cũng thúc đẩy sản xuất ở nước mình. Ngược lại, nếu đồng tiền ở nước mình tăng giá, thì sức mua ban đầu tăng lên, nhưng đến khi tăng giá quá mức thì xuất khẩu giảm đi và sản xuất bị thua lỗ, dẫn đến nền kinh tế trì trệ suy thoái. Nhật Bản là một ví dụ. Hoa Kỳ đã từng buộc Nhật Bản phải tăng giá đồng Yên, chỉ trong một năm đồng Yên tăng giá gấp một lần, hậu quả nền kinh tế Nhật Bản trì trệ suốt một thập kỉ.
Tiếp tục với tình huống đồng tiền mất giá, tôi ví dụ 1 đô la đổi được 10 tệ, vậy bạn muốn mua 1 quả trứng của Mỹ phải mất 10 tệ, tức là chi phí nhập khẩu trứng bằng tệ sẽ cao hơn. Cùng với đó, chi phí mua thức ăn và đầu tư chuồng trại cũng tăng lên, có nghĩa là giá cả tăng lên. Giá cả tăng, thì đương nhiên người tiêu dùng phải chắt bóp, tức là sức mua giảm xuống.
Tôi quay trở lại với cuốn sách của Miran.
Miran lập luận rằng,khi “đồng đô la Mỹ tăng giá” và “mức tăng thuế quan trung bình” đạt đến sự cân bằng, Hoa Kỳ có thể bù đắp tác động của lạm phát vĩ mô, đồng thời tăng doanh thu tài chính ở mức đáng kể. Nhưng sự tăng giá của đồng đô la Mỹ không thể ngẫu nhiên, mà phải có “người trợ giúp”, đó là sự mất giá của đồng Nhân dân tệ. Ngoài đồng Nhân dân tệ thì các đồng tiền khác không đủ sức mạnh để làm việc này. Làm thế nào để Nhân dân tệ mất giá? Câu trả lời là áp mức thuế đủ cao. Một sự thật đơn giản là, nhiệm kì đầu Trump áp thuế đối với Trung Quốc, thì ngay lập tức Trung Quốc sẽ phá giá đồng Nhân dân tệ để duy trì khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Và đúng theo quy luật, sự mất giá của đồng Nhân dân tệ tiếp tục làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc, trong khi mức thuế Trung Quốc phải chịu rất cao nên tương đương với việc chuyển chi phí thuế quan ngày càng tăng sang Trung Quốc, thay vì, như các học giả bên ngoài nói rằng chi phí thuế quan do Mỹ gánh chịu.
Khi đồng Nhân dân tệ mất giá xuống còn 7,3, điều này trái ngược với sự tăng giá của đồng đô la Mỹ. Khi đồng đô la Mỹ tăng giá, sức mua của nó tăng lên. Sức mua của đồng đô la Mỹ tăng sẽ bù đắp cho chi phí thuế quan của hàng hóa do thuế quan tăng, có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ không phải chịu chi phí cho các mức thuế quan bổ sung.
Miran đã chỉ ra cho Trump điều này.
Bởi vậy, Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại toàn cầu quy mô lớn vào năm 2025. Đồng đô la Mỹ là một công cụ chiến lược quan trọng. Xu hướng áp dụng thuế quan toàn diện và sức mạnh của đồng đô la Mỹ sẽ dẫn đến sự định hình lại đáng kể nhất của hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu trong thế kỷ 21.
Nhưng đô la Mỹ tăng quá cao sẽ nguy hiểm.
Việc đồng đô la Mỹ liên tục tăng, phần lớn là do vị thế của nó mang chức năng đồng tiền dự trữ toàn cầu, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng và thậm chí triệt tiêu luôn ngành sản xuất của Hoa Kỳ. Không những thế, việc định giá quá cao đồng đô la Mỹ lại có lợi cho những người giàu có ở Hoa Kỳ thông qua các kênh tài chính. Đây là một “mâu thuẫn” ở Hoa Kỳ. Nói cách khác, nếu Trump thực sự muốn cứu ngành sản xuất của Hoa Kỳ thì đồng đô la không thể mạnh đến vậy. Với tỉ giá đô la so với đồng Nhân dân tệ hiện tại, thì ngành sản xuất của Hoa Kỳ không thể phục hồi được, Trump có ba đầu sáu tay cũng chịu.
Trump cần giải quyết vấn đề này thông qua sự kết hợp nhiều chính sách.
– Đầu tiên, đồng đô la phải duy trì vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới.
– Thứ hai, trong khi vẫn duy trì được tình trạng này, đồng đô la Mỹ nên được phép mất giá một cách hợp lý.
– Thứ ba, sau khi Hoa Kỳ phát động chiến tranh thương mại, bắt buộc phải ngăn chặn đồng đô la mất giá nhanh chóng.
Cả ba điều này, khó quá khó, vì nó mâu thuẫn với nhau. Cuộc chiến thuế quan đòi hỏi một đồng đô la mạnh để bù đắp tác động của lạm phát. Để hoạt động sản xuất phục hồi, đồng đô la cần phải mất giá theo một cách có trật tự. Đồng đô la phải là đồng tiền dự trữ thế giới, chứ không thể sụp đổ và mất giá nhanh chóng, tức là Hoa Kỳ phải duy trì sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong khi vẫn làm mất lòng cả thế giới.
Để làm được như vậy, quan điểm Stephen Miran là khi này Trump phải mạo hiểm như làm xiếc trên dây, khi khác Trump phải biết uốn éo mềm dẻo như cây tre. Khó nhưng hoàn toàn có thể làm được. Công cụ là áp thuế, áp thuế một cách cức rắn, liều lĩnh với mức rất cao. Mềm dẻo là qua đàm phán sau đó, làm sao đảm bảo phải đạt mục đích, dĩ bất biến ứng vạn biến.
Để làm xiếc và uốn éo cây tre, thì Trump phải nắm được ngọn nguồn các vấn đề, mới có biện pháp thích ứng cụ thể.
Ví dụ, Trump phải tuyệt đối không để xảy ra “sự thống nhất và liên minh”. Hoa Kỳ lo ngại nhất là lực lượng của nhiều quốc gia sẽ đoàn kết lại sau khi chiến tranh thương mại toàn cầu nổ ra, chẳng hạn như khối BRICS, rất may khối này còn quá nhiều vấn đề chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Ví dụ khác, Liên minh châu Âu và Canada có ý định hợp tác để đối phó với Hoa Kỳ, sau khi nhìn thấy các dấu hiệu, Trump đã ngay lập tức cảnh cáo sẽ nếu sát lại nhau thì Hoa Kỳ sẽ áp đặt mức thuế siêu lớn. Cuộc chiến Nga – Ukraine đã đẩy Nga về phía Trung Quốc, nên Trump phải muối mặt xoa dịu Putin, tìm cách lôi kéo Nga ra khỏi liên minh.
Tuy nhiên, do quyền bá chủ quân sự của Hoa Kỳ và sự xâm nhập lâu dài vào nhiều quốc gia, nên Trump có nhiều quân bài để sử dụng. Ví dụ, Trump sử dụng Nga để kiềm chế Liên minh châu Âu, sử dụng mối quan hệ thương mại chủ chốt với Canada để đe dọa Canada.
Nhưng trong thực tế, Hoa Kỳ không kiểm soát được Nga, càng không thể kiểm soát được Trung Quốc; đây chính là sai lầm trong nhận thức của Hoa Kỳ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, Hoa Kỳ tin rằng nhân loại chỉ còn duy nhất con đường là đi theo phương Tây, cuộc đấu tranh ý thức hệ đã biến mất, mô hình dân chủ phương Tây là tốt nhất, tối ưu nhất. Bởi vậy, Hoa Kỳ cho rằng đâu đó trên thế giới chảy máu vì chiến tranh, hay nơi nào đó người lao động mất việc hoặc nền kinh tế đổ vỡ, đó chỉ là cuộc chơi của Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây, chứ không phải là một “cuộc khủng hoảng” thực sự.
Nhưng cuộc chiến Nga – Ukraine đã thức tỉnh Trump.
Và đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc, bước sang thế kỉ 21, đất nước 1,7 tỉ dân này đã trở thành đối thủ ngang hàng với Hoa Kỳ cả về kih tế lẫn an ninh.
Sự phát triển của Trung Quốc chỉ ra một quy luật, các quốc gia khác có thể học hỏi quy luật này, đó là khi một quốc gia có thặng dư thương mại dài hạn tức là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, thì quốc gia đó sẽ nhận được một lượng lớn ngoại tệ. Khi lượng ngoại tệ đủ nhiều, sẽ chuyển thành đồng tiền của quốc gia mình, qua đó đẩy giá trị đồng tiền lên cao. Quá trình này sẽ tiếp tục cho đến khi đồng tiền đủ mạnh để giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu của đất nước, cuối cùng đạt được cán cân thương mại. Để chống lại các quốc gia đi theo con đường này, Hoa Kỳ đã phát minh ra công thức tính thuế “có đi có lại”, dựa trên thâm hụt thương mại. Công thức ấy báo chí đăng nhiều rồi, tôi không nhắc lại nữa, chỉ dịch nôm na để bạn đọc không học kinh tế dễ hiểu hơn.
| A – B |
——— = Thuế suất
2A
Trong đó: A là xuất khẩu Mỹ, B là nhập khẩu Mỹ, 2 là hệ số co giãn thuế.
Nhưng không phải quốc gia nào cũng đi theo con đường ấy.
Ví dụ Nhật Bản, quốc gia này cố tình phá giá đồng yên để duy trì sức cạnh tranh quốc tế của hàng hóa Nhật Bản, cùng với tuyên truyền tư tưởng rằng người dân Nhật Bản dung hàng Nhật Bản, điều này dẫn đến Nhật chỉ xuất khẩu mà không nhập khẩu, đồng yên Nhật liên tục mất giá và cuối cùng không thể đạt được cán cân thương mại mãi mãi.
Đồng đô la Mỹ có sự khác biệt.
Lí thuyết và thực tế đã chứng minh rằng, một khi tiền tệ của một quốc gia là đồng tiền dự trữ của thế giới, cụ thể là đồng đô la Mỹ, thì mô hình cán cân thương mại trở nên rất phức tạp. Nhu cầu của thế giới đối với đồng đô la Mỹ và trái phiếu Mỹ không xuất phát từ cán cân thương mại hay tỉ lệ rủi ro – lợi nhuận, mà vì đồng đô la Mỹ là công cụ tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Khi đó một tình huống sẽ xảy ra:
Hoa Kỳ có thể duy trì sự cân bằng này khi nền kinh tế của nước này lớn so với phần còn lại của thế giới.
Sự cân bằng ở đây có nghĩa là Hoa Kỳ không cần phải xuất khẩu quá nhiều hàng hóa. Ngay cả khi Hoa Kỳ luôn thâm hụt thương mại, nước này vẫn có thể đạt được đồng đô la mạnh và cán cân thương mại vì thế giới có nhu cầu lớn về đồng đô la.
Nói một cách thẳng thắn, thứ mà Hoa Kỳ xuất khẩu không phải là hàng hóa, mà là tiền tệ và nợ của Hoa Kỳ. Thứ mà các nước khác phải mua từ Hoa Kỳ không phải là hàng hóa của Mỹ, mà là nợ của Mỹ, nên trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ là “hàng hóa xuất khẩu” lớn nhất của Mỹ. Hơn nữa, bằng cách “xuất khẩu nợ của Hoa Kỳ”, Hoa Kỳ có thể duy trì cán cân ngay cả khi có thâm hụt thương mại rất lớn.
Đó là lí do, quốc gia nào cũng xuất siêu hàng hoá vào Mỹ, cán cân thương mại lệch hẳn 1 – 10, nhưng xưa nay Hoa Kỳ không thực sự quan tâm, chẳng hạn VN hay Cam Lào Thái là ví dụ.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc trỗi dậy và thúc đẩy toàn cầu hóa, cho phép các quốc gia trên thế giới tiếp tục phát triển, quy mô nền kinh tế Hoa Kỳ so với tổng thể thế giới sẽ tiếp tục giảm và sự cân bằng này sẽ bị phá vỡ. Điều đó càng trở nên nguy hiểm hơn, nếu như các quốc gia liên kết lại, đặc biệt sự liên kết có hiệu triệu dưới bóng của Trung Quốc.
Thế chiến II kết thúc, GDP của Hoa Kỳ chiếm 60% tổng GDP của thế giới. Sau khi Kế hoạch Marshall được thực hiện, con số này dần giảm xuống còn 40%. Bước sang thế kỷ 21, sau khi Trung Quốc trỗi dậy, GDP của Hoa Kỳ chỉ chiếm 21% tổng GDP thế giới, nguy cơ Hoa Kỳ bị đẩy xuống thứ 2 đang dần hiện hữu.
Ở thời điểm hiện tại, tỉ trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ trong nền kinh tế thế giới đã giảm một nửa, trực tiếp dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai lớn trong ngân sách tài chính của Hoa Kỳ. Nói một cách dễ hiểu, Hoa Kỳ “không còn bán” nữa, tức là chỉ có mua vào.
Nền sản xuất Hoa Kỳ đã thực sự triệt tiêu.
Vì bản chất xuất khẩu của Hoa Kỳ là xuất khẩu đô la Mỹ và trái phiếu Mỹ, nên khi quy mô nền kinh tế Hoa Kỳ chỉ chiếm tỉ trọng quá nhỏ so với tổng thể nền kinh tế thế giới, sẽ xảy ra một vòng luẩn quẩn trong đó các quốc gia khác tiếp tục mua trái phiếu và đô la Mỹ, trong khi Hoa Kỳ tiếp tục bán chúng. Trong quá khứ, nền kinh tế Hoa Kỳ quá lớn và các quốc gia khác quá nhỏ, nên Hoa Kỳ chỉ việc in đô la và trái phiếu là có tài sản về Mỹ. Nhưng hiện nay, quy mô nền kinh tế Hoa Kỳ đã giảm đi chỉ còn 21% GDP thế giới, nhu cầu toàn cầu đối với tài sản đô la Mỹ vẫn còn rất cao, điều này sẽ tiếp tục đẩy đồng đô la Mỹ lên cao, cao hơn nhiều so với mức cần thiết để cân bằng thương mại quốc tế trong dài hạn. Hoa Kỳ đã bán quá nhiều nợ của mình, khiến cho thâm hụt của Hoa Kỳ trở nên khổng lồ. Đồng đô la tiếp tục tăng giá và duy trì ở vị thế quá mạnh, dẫn đến sự thu hẹp của ngành sản xuất thực tế của Hoa Kỳ và tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Hãy nhìn ra thế giới, ô tô Trung Quốc hay các nước khác bán ầm ầm, xe điện bán ầm ầm, máy tính bán ầm ầm. Thử hỏi, ô tô Mỹ, xe điện Tesla, hay máy tính Apple bán được mấy người mua.
Hồi chuông báo động đã gióng lên, nếu tình hình cứ tiếp diễn như thế này, thì Hoa Kỳ sẽ sụp đổ. Nợ của Hoa Kỳ đã tích tụ đến mức không bền vững, điều này đang trực tiếp đe doạ vị thế của đồng đô la, Hoa Kỳ không thể chậm trễ được nữa rồi.
Thế giới oái oăm ở chỗ, đồng Nhân dân tệ không thay thế được đô la gánh vác sứ mệnh là đồng tiền dự trữ thế giới, euro thì vĩnh viễn không bao giờ.
Nhiều người lạc quan tếu cho rằng đồng Nhân dân tệ sẽ lên ngôi, nhưng đồng Nhân dân tệ có những nhược điểm chí tử, ví dụ như không thể chuyển đổi tự do, nên để trở thành đồng tiền thế giới thì Nhân dân tệ còn phải đi một chặng đường dài miên man phía trước.
Đối với đồng euro, mặc dù có thể chuyển đổi tự do, nhưng thị trường ngân hàng EU lại quá phân mảnh so với Hoa Kỳ, GDP của EU quá thấp so với toàn cầu của EU và đang suy giảm quá nhanh so với Hoa Kỳ. Đặc biệt là cuộc chiến Nga-Ukraine đã biến các quốc gia EU như đàn chó con mất mẹ, đồng euro về cơ bản đã nói lời vĩnh biệt với tham vọng trở thành đồng tiền dự trữ thay thế đồng đô la Mỹ.
Cả đồng Nhân dân tệ và đồng Euro đều không thay được đô la, điều này càng đẩy đồng đô la Mỹ lên giá, cái vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại kéo tụt Hoa Kỳ xuống.
Lí do cơ bản khiến giá vàng tăng là đồng đô la Mỹ đang ở thời điểm quan trọng để sụp đổ, nhưng không có loại tiền tệ nào có thể thay thế đồng đô la, nền tài chính toàn cầu đang hoạt động trong bối cảnh cực kì bất ổn này, thì chỉ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ vàng.
Giá vàng cứ mở mắt ra là tăng và tăng.
Nếu muốn đồng đô la không bị sụp đổ, Trump cần phải phát động chiến tranh thương mại, sửa chữa mô hình cân bằng đồng đô la. Đồng đô la Mỹ không thể quá mạnh, nhưng quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ phải được duy trì, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ phải được giảm, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ phải được giải quyết và ngành sản xuất của Hoa Kỳ phải được phục hồi.
Vũ khí để tham chiến là áp thuế.
Trump có hai con đường lựa chọn, một là chủ nghĩa biệt lập, hai là chủ nghĩa đa phương.
Theo chủ nghĩa biệt lập, có nghĩa là hành động một mình, dựa vào vị thế mạnh mẽ của Hoa Kỳ để bắt nạt bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, buộc các quốc gia phải đầu hàng và đơn phương chấp nhận các “hiệp ước bất bình đẳng” của Hoa Kỳ. Ưu điểm của chủ nghĩa biệt lập là chiến lược linh hoạt và lợi nhuận cao, nhưng nhược điểm là tính biến động cao, rủi ro cao.
Theo chủ nghĩa đa phương, có nghĩa là bắt chước mô hình “Hiệp định Plaza” của Nhật Bản, tức là thực hiện phá giá có trật tự đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền của Nhật Bản, Anh, Pháp, Tây Đức và các nước khác. Ưu điểm của chủ nghĩa đa phương là ít biến động và rủi ro hơn, nhưng quy mô lợi ích sẽ bị hạn chế vì đòi hỏi phải thuyết phục các đối tác thương mại khác hợp tác.
Trump đã chọn chủ nghĩa biệt lập.
Các làm của Trump là, sẽ vung cây gậy thuế giáng một đòn thật mạnh, rồi ép các nước ngồi vào đàm phán, Trump hy vọng các nước trên thế giới sẽ đàm phán riêng rẽ với Hoa Kỳ, thay vì hợp tác cùng nhau áp thuế ngược lại và giáng những đòn trừng phạt chí tử vào Hoa Kỳ.
Thuế chỉ là phương tiện để Trump đàm phán.
Các quốc gia nghĩ rằng, đàm phán với Trump chỉ cần đồng ý chấp nhận mua nhiều hàng của Mỹ với mức thuế thấp, bán cho Mỹ ít hàng nhưng với mức giá cao, nghĩ vậy là chưa đúng. Hiện tại Mỹ không có nền sản xuất thì có hàng gì đâu để mà bán. Việc quan trọng nhất Trump cần làm bây giờ, đó là ép từng nước trên thế giới phải kiểm soát chính xác tỉ giá hối đoái của đồng đô la Mỹ thuông qua “thuế có đi có lại”, đồng thời các nước phải thành lập các nhà máy sản xuất ở Hoa Kỳ.
Để vũ khí là “thuế quan” không bị vô hiệu hoá, chí ít là không giảm tác dụng, thì Trump cần phải kiểm soát các quốc gia 9 vấn đề quan trọng.
1. Quốc gia này có tiền sử thao túng tiền tệ không?
2. Quốc gia đó có cấp cho các công ty Hoa Kỳ quyền tiếp cận thị trường tương hỗ không?
3. Quốc gia đó có tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ không?
4. Nước này có hỗ trợ các nhà xuất khẩu Trung Quốc trốn thuế không?
5. Quốc gia đó có trả toàn bộ phí của NATO không?
6. Liệu đất quốc gia đó có bỏ phiếu cho Trung Quốc, Nga và Iran không?
7. Quốc gia đó có hỗ trợ các hoạt động an ninh của Hoa Kỳ không?
8. Quốc gia đó có bao giờ dung túng cho kẻ thù của Hoa Kỳ không?
9. Quốc gia đó có thường xuyên đưa ra những tuyên bố chống Mỹ tại các diễn đàn quốc tế không?
Hoa Kỳ sẽ sử dụng 9 tiêu chuẩn trên để phân chia các quốc gia trên thế giới thành ba loại:
– Quốc gia thân thiện.
– Quốc gia trung lập.
– Quốc gia thù địch.
Trên cơ sở đó, Hoa Kỳ đặt ra mức thuế quan cho mỗi nhóm với biên độ dao động, mỗi quốc gia dựa trên các mức độ dao động đó. Ví dụ với nhóm quốc gia thân thiện, sẽ áp mức thuế từ 0 – 30% chẳng hạn, tuỳ theo sự ngoan ngoãn của quốc gia đó mà có con số cụ thể, đó là kết quả của đàm phán.
Sau khi phân loại xong và áp được “hình phạt thuế quan” tất cả các quốc gia, việc thao túng tỉ giá hối đoái sẽ trở nên tinh vi hơn, Trump sẽ thúc đẩy hầu hết các loại tiền tệ chính tăng giá vào một thời điểm rất chính xác, từ đó nhằm dẫn đến sự mất giá có chủ đích của đồng đô la Mỹ.
Hiện nay, nợ Hoa Kỳ đã lên tới hơn 100% GDP, điều này sẽ khiến các quốc gia khác sợ hãi và lo lắng, từ đó không muốn hợp tác với Hoa Kỳ trong việc phá giá đồng đô la. Để xóa bỏ mối lo ngại này, Trump phải bổ sung khái niệm “ô bảo hiểm” vào các hành động thao túng tỷ giá hối đoái.
Cụ thể:
1. Ô bảo hiểm là một sản phẩm công cộng và các quốc gia nằm trong bảo hiểm này phải mua nợ của Hoa Kỳ để tài trợ cho bảo hiểm này.
2. Chiếc ô là một tài sản quan trọng, các quốc gia phải mua trái phiếu kì hạn 100 năm thay vì tài trợ nợ ngắn hạn.
3. Các quốc gia nằm trong phạm vi ô bảo hiểm cần phải thay thế khoản nợ ngắn hạn của Hoa Kỳ bằng khoản nợ dài hạn, nếu không, sẽ bị trừng phạt bằng thuế quan.
Trump sẽ buộc các nền kinh tế lớn trên thế giới mua lại “các khoản nợ 100 năm của Mỹ”, hoặc buộc họ “thay thế các khoản nợ ngắn hạn bằng các khoản nợ dài hạn” để giảm bớt áp lực trả nợ của Mỹ và giảm nguy cơ Mỹ sụp đổ do nợ quá mức. Ngoài kế hoạch “Mua nợ thế kỉ”, tất cả các quốc gia nằm trong phạm vi ô bảo hiểm phải bán đô la Mỹ theo mong muốn của Hoa Kỳ, để thúc đẩy sự tăng giá của đồng tiền nước mình đồng thời phá giá đồng đô la. Nếu một số quốc gia không chấp nhận làm như vậy, thì Trump có thể làm suy yếu quốc gia đó bằng chính sách thuế có thể lên tới 100 – 200%, đồng thời xoá bỏ cam kết quốc phòng, không cung cấp hay bán vũ khí, không chia sẻ thông tin tình báo.
Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Singapore, Philippine và Đài Loan nếu chống lại Mỹ, hãy nhìn vào Ukraine đủ hãi.
Đàm phán xong, các quốc gia sẽ kí kết ở địa điểm có thể sẽ là Mar-a-Lago, với các mục tiêu cốt lõi của thỏa thuận là:
1. Đồng đô la yếu sẽ thúc đẩy sự trở lại của sản xuất và nhu cầu của Hoa Kỳ
2. Nợ ngắn hạn được thay thế bằng nợ dài hạn thế kỉ để giảm sự biến động của thị trường tài chính Hoa Kỳ trong cuộc chiến thuế quan
3. Một loạt các rủi ro lãi suất liên quan sẽ được chuyển từ người nộp thuế Hoa Kỳ sang người nộp thuế các quốc gia khác
Lí thuyết được Miran vạch ra hoàn hảo, nhưng có thực hiện được không, thì lại là chuyện khác. Xu hướng thế giới hiện nay, cánh hữu đang trở nên phổ biến, trong khi Hoa Kỳ không còn là Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh nữa, cũng không còn là Hoa Kỳ sau khi Liên Xô sụp đổ. Thử hỏi Hoa Kỳ thống trị được bao lâu? Thực tế là, Canada, Đức, Ý và các nước khác xu hướng các nhà lãnh đạo cứng rắn lên nắm quyền, họ không dễ dàng khuất phục trước Hoa Kỳ, cho dù Hoa Kỳ đang phá tan nát châu Âu và NATO, thực hiện chia để trị, nhưng kế hoạch dựa trên “áp lực thuế quan” của Trump có thể khó thực hiện. Trump có chiến lược rất rõ ràng, Miran là kiến trúc sư trưởng tuyệt vời cho chiến lược ấy, đó là con đường tái thiết hệ thống toàn mậu dịch cầu có lợi cho Hoa Kỳ, nhưng con đường này rất bấp bênh và không dễ đi. Nếu Trump thành công, lịch sử Hoa Kỳ sẽ ghi tên ông là Tổng thống vĩ đại, nhưng nếu thất bại thì Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với thảm hoạ tồi tệ nhất lịch sử, khi đó chưa biết chừng một ô tô tiền chẳng mua nổi quả trứng chim cút.
Bài viết quá dài, quý vị đọc sẽ quá mệt, nhưng nếu nhiều người like và thảo luận bằng cmts, thì tôi sẽ viết tiếp việc tại sao Mỹ thoải mái in tiền mà vẫn phải nợ, sắp tới Mỹ thành con nợ của cả thế giới./.