Mới đây, mạng xã hội lan truyền một đoạn video dài hơn 3 phút ghi lại cảnh y bác sĩ TTYT huyên Thanh Ba đang cấp cứu cho một bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch, một số người nhà bệnh nhân liên tục la hét, chửi bới và đe doạ, thậm chí một nam nhân viên y tế còn bị đạp vào bụng.
Bệnh nhi là cháu bé 12 tuổi bị sốc phản vệ.
Tôi xin dẫn lại thông tin đăng tải trên các báo, bệnh nhi bị tai nạn giao thông được gia đình đưa vào TTYT huyện Thanh Ba lúc 17h15 ngày 25-4 trong tình trạng vùng trán và tứ chi xuất hiện các vết sưng nề, bầm tím và chảy máu.
Sau khi thăm khám và chụp chiếu, bệnh nhi được chẩn đoán chấn thương sọ não, vỡ xương trán do tai nạn giao thông.
Đến 17h30 cùng ngày, khi điều dưỡng tiến hành tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch theo y lệnh được 1/3 bơm tiêm (7ml/20ml kháng sinh), bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện sốc phản vệ, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt và nhanh chóng rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn.
Nhận định tình huống khẩn cấp, kíp trực đã ngay lập tức hồi sức tim phổi (CPR), ép tim ngoài lồng ngực, cấp cứu sốc phản vệ theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, đồng thời báo động cấp cứu toàn viện. Rất may, sau hơn 3 phút cấp cứu tim bệnh nhi đã đập trở lại, sau 5 phút bệnh nhi đã tỉnh, gọi hỏi biết, huyết áp ổn định.
Sốc phản vệ là cơn ác mộng của mọi bác sĩ.
Bởi trong 3 phút đầu tiên là thời gian vàng, nếu không được cứu chữa khẩn cấp, bệnh nhân có thể sẽ tử vong sau vài phút. Đa số bệnh nhân bị sốc phản vệ trong 5 phút đầu kể từ khi tiếp xúc với dị nguyên, một số xảy ra sau vài giây đến vài chục giây, số ít diễn ra muộn hơn sau 20 phút.
Nhiều trường hợp bác sĩ không kịp trở tay.
Vì thế, những ống thuốc chống sốc luôn trong tầm với, bác sĩ thực hiện những mũi tiêm xuyên qua quần áo, thậm chí có trường hợp phải đâm thẳng vào tim, xoa bóp tim ngoài lồng ngực gãy cả xương sườn và tràn máu màng phổi vẫn phải chấp nhận, thì mới hi vọng bệnh nhân được cứu sống.
Về tâm lí, người nhà nhìn thấy bệnh nhân bị sốc phản vệ, họ đều muốn chạy vào phòng cấp cứu. Và chắc chắn họ sẽ hoảng loạn. Tiếng gào khóc và tiếng la hét của các thành viên trong gia đình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc chạy đua với thời gian để giải cứu, nó thực sự ngăn cản việc cứu hộ. Nếu nhân viên y tế bị đe doạ, bị hành hung, thảm hoạ có thể sẽ khôn lường.

Bác sĩ bị đánh thì mọi người dân đều là nạn nhân.
Ở nước ta, có rất nhiều y bác sĩ đã bị đánh đập, thậm chí đã có bác sĩ bị mất mạng. Những vụ tấn công bạo lực thường xuyên vào NVYT không chỉ gây hại cho y bác sĩ mà còn gây hại cho nhiều bệnh nhân hơn. Những vụ đăng tải trên báo chí, như vụ mới xảy ra ở TTYT huyện Thanh Ba, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Một khảo sát được thực hiện năm 2020 ở một bệnh viện lớn giữa thủ đô Hà Nội, kết quả cho thấy 3,5% NVYT bị bạo hành về thể xác, hình thức bạo hành chủ yếu là tấn công không có vũ khí. Khoảng 53% NVYT bị bạo hành về tinh thần, hình thức bạo hành chủ yếu là chửi bới chiếm hơn 90%, đe dọa và bắt nạt chiếm hơn 44%.
Kết quả khảo sát này chưa phản ánh đúng thực trạng.
Thực tế trong công tác khám chữa bệnh hàng ngày, tôi quan sát thấy ở các vị trí nóng của bệnh viện, ví dụ như khoa cấp cứu, phòng khám ngoại trú, phòng chụp chiếu và phòng siêu âm, khoa ngoại, mỗi nhân viên y tế sẽ bị bạo hành khoảng 2 – 3 lần một năm. Những người nói rằng họ chưa bao giờ bị đe doạ hoặc bị đánh, thì đó là những sinh viên y khoa, hay là những bác sĩ mới ra trường.
Hơn ba mươi năm đứng trong ngành y, từ trải nghiệm bản thân bị bào hành, cho tới việc quan sát các vụ bệnh nhân và người nhà tấn công NVYT, tôi rút ra được các hình thức bạo hành như sau, hi vọng các nhóm khảo sát thực trạng bạo hành tham khảo lấy đó làm các tham số.
– Lạm dụng tình dục bằng mồm: Hình thức này phổ biến nhất, bệnh nhân và người nhà đòi quan hệ tình dục với mẹ, tiếp đến là cụ, có xảy ra nhưng rất hiếm với bố của NVYT. Có một hiện tượng lạ, rất nhiều phụ nữ đòi quan hệ tình dục với mẹ của NVYT, dù người đe doạ không phải bị đồng tính.
– Hăm doạ: Phổ biến nhất là hỏi về thân phụ NVYT với câu nói “Mày biết bố mày là ai không?” Đe doạ z-iết người hàng loạt cũng hay xảy ra như “Bố sẽ z-iết cả họ nhà chúng mày”.
– Gạt tay trúng má: Đây là hành vi bạo hành thể xác NVYT hay gặp nhất, thông thường, sẽ gạt tay nhiều cái chứ không chỉ gạt một lần.
– Kích và bốc: Đấm và đá NVYT cũng là một hình thức khá phổ biến.
– Nhổ tóc: Có nhiều trường hợp bệnh nhân hoặc người nhà lao vảo nhổ từng lọn tóc lớn của NVYT.
– Tạo vết xước: Do nhiều phụ nữ để móng tay, nên họ có thể lao vào NVYT bằng mười vuốt sắc nhọn, tạo ra những vết xước chủ yếu trên mặt.
– Gây nghẹt thở: Người nhà hoặc bệnh nhân sẽ chẹn cổ họng NVYT bằng hai bàn tay của mình.
– Đá bóng: Sau khi NVYT ngã xuống đất, bệnh nhân hoặc người nhà, có thể một hoặc nhiều người cùng tham gia cuộc chơi, coi NVYT như quả bóng và họ đá.
– Tẩm quất bằng gậy hoặc vật cứng: Bệnh nhân hoặc người nhà sẽ dùng gậy, ghế, giá truyền dịch, hay bất cứ thứ gì vớ được để ném rồi tẩm quất NVYT.
– Bẻ xương: Tất cả các xương đều có thể bị bẻ, nhưng xương hay bị bẻ nhất gồm xương gò má, xương sườn, xương chi trên.
– Xoa bóp bộ phận sinh dục: Thông thường, NVYT sẽ bảo quản kĩ bộ phận tối quan trọng này, vì nó liên quan tới chuyện giống nòi, đời sống riêng tư, phẩm giá. Nhưng trong thự tế, vẫn có những bệnh nhân hoặc người thân cố gắng xoa bóp bộ phận sinh dục của NVYT, mặc dù hình thức này rất hiếm khi xảy ra.
– Tấn công bằng dao, v.v…
Hậu quả của việc bạo hành NVYT bao gồm rụng răng, rụng tóc, xước má, bầm tím mô mềm, tổn thương mắt, biến dạng khuôn mặt, chấn động não, tổn thương bộ phận sinh dục, gãy xương, gãy cột sống… và thậm chí là tử vong.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo hành, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất, theo tôi y tế và giáo dục là hai trụ cột an sinh xã hội, nên xã hội có yêu cầu rất cao đối với NVYT và giáo viên đảm bảo các nhu cầu của người dân. Mọi người hãy thử nghĩ mà xem, trong xã hội này có “đạo đức của người NVYT” nhưng lại không có “đạo đức của bệnh nhân”, đòi hỏi “thầy thuốc phải như mẹ hiền” nhưng lại không bắt buộc “con phải ngoan”. Điều này tạo cơ hội cho những kẻ ích kỉ tống tiền về mặt đạo đức. Chừng nào những “công dân đường phố” chưa được đáp ứng những yêu cầu có lợi, thì họ sẽ quy mọi thứ cho “đạo đức”, khi đó những trí thức chỉ còn biết cúi đầu trước cái gọi là “đạo đức y khoa”.
Giáo dục cũng là một nguyên nhân quan trọng.
Tôi gặp không ít những trường hợp “để bà đánh ừa bác sĩ”, chỉ vì “ai bảo bác sĩ làm cháu bà sợ”, tức là lúc bác sĩ khám đứa trẻ khóc. Đứa trẻ từ bé đã được giáo dục đổ lỗi như vậy, khi lớn lên thay vì lòng biết ơn NVYT thì lại sẵn sàng tấn công chỉ vì phải chờ đợi vài chục phút, hay ép bác sĩ chữa bệnh kê đơn không theo đúng ý mình.
Phần lớn các vụ xung đột giữa bệnh nhân và NVYT đều không giải quyết thông qua tố tụng, mà chủ yếu là đền bù với phần thiệt thòi về phía NVYT, đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy bạo hành y tế ngày một gia tăng. Do cái gọi là “đạo đức y khoa”, nên trong bệnh viện cứ xảy ra chuyện, mặc định NVYT có sai sót. Khi sự việc xảy ra, NVYT phải viết tường trình, phải trả lời và giải trình trước các cuộc họp và các hội đồng, kiểu gì cũng phải nhận về mình những cái sai. Khi dư luận leo thang, bệnh viện sẽ tìm cách hoà giải, không hoà giải được thì sẽ thoả hiệp và chấp nhận bồi thường. Chỉ cần là tranh chấp y khoa, bất kể có phải do bác sĩ gây ra hay không, bệnh nhân sẽ yêu cầu bồi thường tài chính và số tiền bồi thường sẽ tăng lên tương ứng. Bệnh nhân không làm ầm ĩ không được tiền, làm ầm ĩ sẽ được tiền, càng làm ầm ĩ sẽ càng được trả tiền cao. Nhiều bệnh nhân gây áp lực lên bệnh viện bằng cách đánh đập NVYT, đập phá, cướp bóc, chửi bới. Việc trưng bày quan tài, lập phòng tang trong bệnh viện, lưu trữ thi thể trái phép, đốt vàng mã, đặt vòng hoa và đủ loại hành vi khác làm mất trật tự bệnh viện, đây đó vẫn xảy ra.
Nguyên nhân gây bạo hành dễ thấy nhất, đó chính là pháp luật, các chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Theo quy định, NVYT bị đánh đập tổn thương từ 11% sức khoẻ trở lên, thì đối tượng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tổn thương dưới 11% chỉ xử phạt hành chính. Đánh đập bác sĩ cũng chỉ coi như gây rối ngoài đường, mức xử phạt giống hệt nhau, nên phần lớn các vụ xảy ra thì đối tượng chỉ phải xin lỗi vài câu là xong. Điều này khác với các nước, bác sĩ được coi là tài sản quốc gia, họ được bảo vệ đặc biệt. Ở nước Anh, bạo hành NVYT sẽ bị xử nặng gấp đôi, phạt tiền gấp đôi và số năm tù cũng gấp đôi. Ở Mỹ, bạo hành NVYT bị coi là trọng tội, pháp luật xử rất nghiêm.
Khi mạng sống, sức khoẻ và nhân phẩm của y bác sĩ không được đảm bảo, chẳng ai muốn cho con theo học ngành y. Thực tế nếu hỏi y bác sĩ, hầu hết trong số họ sẽ trả lời không cho con theo ngành, dù con cái bác sĩ thường là rất ưu tú và nếu trở thành đồng nghiệp thì bố mẹ sẽ trao truyền cho con rất nhiều kinh nghiệm và điều kiện tốt để gúp bệnh nhân. Và cuối cùng, NVYT bị tấn công thì người bị tổn thương nhiều nhất vẫn là những bệnh nhân, đã đến lúc phải coi mọi hành vi bạo hành NVYT là tội ác./.